Giả điên để chạy tội

Thứ Hai, 21/11/2016, 16:24
Có học vấn cao, làm công ty xịn… nhưng rồi gã đàn ông ở Hồng Kông này lại giết người dã man. Bị tóm, ra tòa gã này tưởng giả điên có thể thoát án nặng, nhưng…

Ngày 25-10 vừa qua, đoàn bồi thẩm ở một phiên tòa Hồng Kông được xem một đoạn video ghi hình vụ một cựu chuyên viên ngân hàng người Anh giết 2 phụ nữ Indonesia thật ghê rợn.

Đấy chỉ là bằng chứng đầu tiên của nhiều chứng cứ dã man khác sẽ được trưng ra tại phiên tòa thu hút sự chú ý của thế giới này. Phiên tòa dự kiến kéo dài khoảng 3 tuần, được mở ngày 24-10.

Phó chánh án Tòa án tối cao Michael Stuart - Moor khi lựa chọn thành viên đoàn bồi thẩm đã cảnh báo họ: nếu không thể chứng kiến những hình ảnh bạo lực cực kỳ thì họ không nên tham gia.

Jutting bị áp giải ra tòa.

Ông mô tả các chứng cứ là “rất rõ ràng và khủng khiếp”. Video này chỉ chiếu trong một phòng kín, không cho người tham dự phiên tòa xem.

Bị cáo là Rurik Jutting 31 tuổi, từng tốt nghiệp Đại học Cambridge và Đại học Winchester (một trong những trường tư xưa nhất và nổi tiếng nhất nước Anh) đang làm việc tại chi Nhánh ngân hàng Bank of America Merrill Lynch ở Hồng Kông.

Vụ việc bắt đầu lúc rạng sáng 1-11-2014, Jutting gọi điện thoại mời cảnh sát Hồng Kông đến căn hộ hạng sang của hắn ở tầng 31 ở khu chung cư Wan Chai sầm uất, có nhiều quán bar và không xa khu tài chính của Hồng Kông. Cuộc gọi này được trình ở tòa, có giọng Jutting nói hắn muốn đầu thú. Khi được hỏi chuyện gì xảy ra, hắn đáp: “Đương nhiên phải là chuyện tệ hại rồi, đúng không?”.

Theo thông cáo báo chí, cảnh sát phát hiện xác Sumarti Ningsih, 23 tuổi và Seneng Mujiasih, 26 tuổi trong căn hộ hạng sang của hắn ở Hồng Kông. Ningsih có một con trai còn ở Indonesia, đến Hồng Kông bằng hộ chiếu du lịch.

Thi thể Ningsih được đặt trong một va-li để ở ngoài lan can căn hộ. Cô được cho là bị giết vào ngày 27-10-2014, tức vài ngày trước khi Jutting gọi điện đến cảnh sát.

Công tố viên nói nạn nhân được Jutting hứa trả tiền “công” để về căn hộ của hắn quan hệ tình dục. Khi về đến nơi, Jutting dùng các đồ chơi tình dục, một dây thắt lưng, hai chiếc kềm để tra tấn Ningsih suốt 3 ngày liền, trước khi dùng dao có lưỡi răng cưa cứa cổ cô trước bồn vệ sinh và đâm nhiều nhát dao ở mông cô, rồi hắn giấu xác cô vào va-li, đặt ngoài lan can.

Jutting cũng đã dùng điện thoại iPhone để ghi lại đoạn phim hắn tra tấn, hiếp dâm rồi giết nạn nhân, tự bình luận về chuyện giết người, sự khoái trá và “tâm sự” hắn có nên đầu thú với chính quyền Hồng Kông hay nên trở về Anh.

Theo cáo trạng, Jutting đã mua vài chiếc kềm, một cây búa, vài sợi dây nhựa cùng vài bao cát, rồi hắn mời cô Mujiasih - người giúp việc tại một quán bar, nơi cô gặp tên giết người - về căn hộ của hắn. Khi trông thấy những dụng cụ trên, nạn nhân cố chạy trốn và gào thét nên bị Jutting giết chết. Thi thể Mujiasih đã bị phân hủy được cảnh sát tìm thấy sau đó.

Ngay sau khi bị bắt, Jutting đã được đưa tới một nhà tù có cấp độ an ninh cao, nơi giam nhốt các tù nhân cần được chăm sóc tâm thần. Trong ngày xét xử đầu tiên, hắn nhận 2 tội ngộ sát và tội cản trở chôn cất hợp pháp, không phạm tội giết người. Nhưng công tố viên khẳng định hắn cố ý giết người.

Phải mất 2 năm mới có thể mở phiên tòa này, do phải tập hợp khoảng 200 tang vật. Công tố viên và luật sư bào chữa đồng ý phần lớn về các tang vật, nhưng luật sư bào chữa nói Jutting ra tay thủ ác vì bị “rối loạn nhân cách”…

Nhưng công tố viên nói biên  bản khám sức khỏe tâm thần xác nhận hắn không bị điên, đủ ý thức nên phải bị xử tội giết người. Ông khẳng định nếu bị cáo “bị điên” thì không thể là một chuyên viên hưởng mức lương cao ở Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch.

Có thông tin cho rằng cả hai nạn nhân của Jutting đều là người lao động nhập cư, thường tới các quán bar để giải trí. Báo The Wall Street Journal viết vụ án cho thấy rõ sự bất bình đẳng và lối sống “xa hoa trụy lạc” của nhóm người nước ngoài giàu có sống ở Hồng Kông.

Khi phiên tòa được mở, nhiều người giúp việc nhà ở Hồng Kông và các nhà hoạt động xã hội đứng bên đường phản đối. Họ trương các biểu ngữ “Hãy ngưng bạo lực với nữ lao động nhập cư” và “Không ai có quyền giết người”.

Hai vụ án mạng này cho thấy sự cực nhọc của hơn 300.000 phụ nữ giúp việc nhà từ Indonesia, Philippines tìm đến Hồng Kông - thường được xem là một trong những thành phố an toàn nhất thế giới - để tìm việc làm.

Theo một thăm dò đầu năm nay, cứ 6 lao động nhập cư thì 1 người bị buộc làm “nô lệ”, lao động quần quật 17 giờ/ngày và thường bị ngược đãi cả về tinh thần lẫn thể chất.

Hồi tháng 2-2015, một phụ nữ nhà giàu Hồng Kông bị tù, do đã hành hạ, tra tấn một “ô-sin” người Indonesia. Báo cáo năm 2013 của Tổ chức Nhân quyền quốc tế cho biết, phụ nữ Indonesia đến Hồng Kông tìm việc làm thường bị rơi vào các gia đình mà chế độ làm việc chẳng khác gì nô lệ.

Kim Hương (theo The Wall Street Journal)
.
.
.