Gia tăng các biện pháp bảo vệ an ninh hàng không

Thứ Năm, 29/09/2016, 15:19
Đây là thông điệp được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 2309 hôm 22-9 về mối đe dọa khủng bố đối với ngành hàng không dân dụng thế giới. 


Theo đó, các quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) phải rà soát lại và điều chỉnh theo những tiêu chuẩn an ninh quốc tế cho phù hợp với từng nước để có thể xử lý hiệu quả đối với những nguy cơ đang đặt ra.

Ngoài việc thông qua Nghị quyết 2309, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc còn kiến nghị, trong 12 tháng tới, Ủy ban Chống khủng bố của Liên hợp quốc cần tổ chức một cuộc họp đặc biệt với ICAO để bàn về mối đe dọa khủng bố đối với ngành hàng không. Đồng thời kêu gọi tất cả các nước cần tăng cường hợp tác để chia sẻ thông tin, kiểm soát biên giới, thực thi pháp luật, xét xử tội pháp.

Bên cạnh đó cần nâng cấp hệ thống máy soi và kiểm tra hành lý để phát hiện chất nổ, những vật liệu nguy hiểm khác, nhằm ngăn ngừa rủi ro tại sân bay.

Lực lượng an ninh Mỹ được triển khai tại sân bay LaGuardia.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson coi đây là nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tập trung vào các mối đe dọa của những tổ chức khủng bố nhằm vào hàng không dân sự và chứng tỏ quyết tâm của các nước trong việc phối hợp bảo vệ dân thường trước các mối đe dọa ngày càng leo thang.

Cựu Ngoại trưởng Anh Philip Hammond từng cảnh báo, sân bay nào có mức độ đe dọa cao thì an ninh phải nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là những nơi IS hoạt động mạnh. Hơn 2 năm trước (8-7-2014), Anh đã công bố những quy định mới để kiểm soát việc mang các thiết bị điện tử lên máy bay - khi được yêu cầu, hành khách phải bật được các thiết bị điện tử để đáp ứng kiểm tra an ninh.

Nghị quyết 2309 được thông qua trong bối cảnh an ninh ở các sân bay, cùng các chuyến bay đang ngày càng trở nên cấp bách và hàng chục triệu người đi lại bằng đường hàng không trên thế giới mỗi ngày phải đối mặt với nguy cơ không tặc, khủng bố.

Vụ khủng bố hàng không tồi tệ nhất và gần đây nhất là của máy bay chở khách Nga trên bầu trời bán đảo Sinai của Ai Cập hồi cuối tháng 10-2015, khiến 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Nga vừa cử chuyên gia tới sân bay quốc tế Hurghada của Ai Cập để kiểm tra các biện pháp an ninh được triển khai tại đây, và Bộ trưởng Hàng không dân dụng Hossam Kamal khẳng định, nước này sẽ thành lập một công ty đặc biệt để giám sát an ninh tại các sân bay.

Theo giới chuyên môn, Nghị quyết 2309 sẽ có ảnh hưởng tới hoạt động an ninh của hơn 1.000 hãng hàng không và khoảng 4.000 sân bay trên thế giới. Theo thống kê của ICAO, mỗi ngày có hơn 100.000 chuyến bay chở 10 triệu hành khách và mỗi năm có 3,5 tỷ hành khách đi lại bằng máy bay.

Được biết, các sân bay hàng đầu trên thế giới đều sử dụng hệ thống an ninh nhiều lớp với nhiều thiết bị và phương pháp phát hiện thủ phạm, công cụ khủng bố, từ kiểm tra hành khách, xem xét hành lý, hàng xách tay...

Giới truyền thông cho biết, Mỹ đã chi hàng chục tỷ USD nhằm đầu tư thiết bị và công nghệ tiên tiến để vá sơ hở và lỗ hổng trong quản lý an ninh hàng không. Theo thống kê, Mỹ hiện có 457 sân bay và hơn 25.000 sự cố an ninh đã xảy ra tại các sân bay này. Lưỡng viện Mỹ vừa nhất trí về một dự luật hàng không với nhiều điểm mới, trong đó có tăng cường an ninh hàng không. Và một trong các nội dung nổi bật của dự luật này là gia hạn các chương trình và chính sách tăng cường an ninh hàng không của Cơ quan An ninh hàng không Mỹ (FAA) đến hết ngày 30-9-2017.

Cơ quan An toàn giao thông Mỹ (TSA) cũng yêu cầu phải tăng gấp đôi lực lượng kiểm tra an ninh tại các khu vực công cộng của sân bay. Tối 22-9 (theo giờ địa phương), cảnh sát đã phải sơ tán mọi người tại sân bay LaGuardia ở New York, sau khi phát hiện một phương tiện bị bỏ lại bên ngoài nhà đón khách. Hành khách phải rời khỏi nhà đón khách vào khoảng 23h sau khi cảnh sát phát hiện một ôtô mở các cửa bị bỏ lại.

Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) từng cảnh báo về lỗ hổng an ninh hàng không qua những con số đáng báo động. Chỉ riêng số liệu thống kê của năm 2010 đã cho thấy, khoảng 40.000 người đã di chuyển bằng giấy tờ thất lạc hoặc đánh cắp. Interpol cho rằng, bọn khủng bố và tội phạm nguy hiểm vẫn tiếp tục di chuyển từ nước này sang nước khác bằng giấy tờ thất lạc, đánh cắp hoặc giả mạo.

Theo Interpol, có khoảng 28 triệu hộ chiếu và chứng minh thư bị đánh cắp đang được lưu thông, do đó các sân bay trên thế giới cần tăng cường nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo an ninh. "Mỗi năm có khoảng 500 triệu hành khách bay mà không bị kiểm tra và đây thực sự là một lỗ hổng an ninh mang tầm cỡ quốc tế", Interpol khuyến cáo.

Thiện Lân
.
.
.