Giải mã “gen” tội phạm

Thứ Tư, 07/01/2015, 12:00
Một người sinh ra đã có "gen" để trở thành tội phạm hay môi trường sống quyết định việc hình thành nhân cách và tác động mạnh mẽ đến quá trình phạm tội? Các nhà tội phạm học không ngừng nghiên cứu để tìm câu trả lời. Một công trình nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học Thụy Điển đã đưa ra nhiều vấn đề mới.

Sự kết hợp giữa biến thể gen và môi trường sống

Không ai sinh ra đã là tội phạm nhưng sự kết hợp giữa gen và môi trường sống có thể dẫn đến hành vi chống đối xã hội. Đây là kết quả nghiên cứu mới được các nhà khoa học Thụy Điển công bố. Theo đó, những người phải trải qua nhiều bất hạnh trong cuộc sống như bố mẹ ly dị, bị lạm dụng tình dục… có thể ảnh hưởng đến biểu hiện gen dẫn đến khuynh hướng phạm pháp. Kết quả nghiên cứu được thực hiện thông qua việc khảo sát 1.337 học sinh từ 17 - 18 tuổi ở Vstmanland, Thụy Điển.

Theo đó, những người được khảo sát không phải cung cấp danh tính, địa chỉ cá nhân mà chỉ cần hoàn thành bảng câu hỏi liên quan đến hành vi của mình. Trong bảng hệ thống câu hỏi khảo sát, các nhà khoa học cũng thiết kế câu hỏi về hành vi của họ trong quá khứ như xung đột gia đình, kinh nghiệm sống, vấn đề lạm dụng tình dục, mối quan hệ với cha mẹ.

Bên cạnh việc điền thông tin vào bảng khảo sát, học sinh cũng được kiểm tra để xác định các biến thể của gen MAOA, 5-HTTLPR và BDNF. Gen MAOA có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát dopamine và serotonin trong não. "Khoảng 25% đàn ông da trắng mang biến thể ít hoạt động của MAOA", Giáo sư Sheilagh Hodgins, một nhà nghiên cứu tại Đại học Montreal giải thích. "Trong số đó, những người bị lạm dụng thể chất khi là trẻ em có nhiều khả năng có hành vi chống đối xã hội hơn so với những người khác.

Theo các nhà khoa học Thụy Điển thì ba biến thể gen di truyền cùng với môi trường sống quyết định hành vi phạm pháp của một người.`

Với phụ nữ mà gen MAOA hoạt động mạnh cộng với những khó khăn trong thời thơ ấu cũng có khả năng chống đối xã hội cao", Giáo sư Sheilagh Hodgins nói tiếp. Một gen khác cũng được tiến hành kiểm tra là BDNF. Đây là loại gen tác động lớn đến các tế bào não và hệ thần kinh. Các biến thể thấp của BDNF quy định khoảng 30% hành vi "không bình thường". Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, biến thể của BDNF có liên quan đến những hành vi "hung hăng". Gen thứ ba được nghiên cứu là 5-HTTLPR.

Nghiên cứu cho thấy, ba biến thể di truyền tương tác với nhau cùng với xung đột gia đình, bị lạm dụng tình dục sẽ làm tăng khả năng phạm pháp của con người. "Trong số nhóm người mang biến thể của các gen thấp, người có tuổi thơ ấu không may mắn có nhiều khả năng chống đối xã hội hơn hơn so với những người khác. Ngược lại, những người có mối quan hệ tốt với cha mẹ hay người thân trong gia đình sẽ có ít hành vi chống đối xã hội hơn. Kết quả nghiên cứu mới này bổ sung thêm các nghiên cứu từ trước đó cho rằng, gen ảnh hưởng đến não và do đó dẫn đến thay đổi hành vi ứng xử với môi trường sống", Giáo sư Hodgins nói thêm.

Có "vùng ti" trong não b ti phm?

Năm ngoái, một nhà thần kinh học người Đức tuyên bố đã tìm thấy "vùng tối" trong não bộ của tội phạm giết người, hiếp dâm và cướp của. Tiến sĩ Gerhard Roth cho biết, "vùng tối" nằm trong trung tâm của thùy não và hiển thị lên như một khối đen khi tiến hành chụp X-quang. Phát hiện của Tiến sĩ Gerhard Roth là kết quả của quá trình nghiên cứu do Chính phủ Đức tài trợ trong nhiều năm thông qua việc khảo sát tội phạm bạo lực bị kết án. "Chúng tôi đã cho những tội phạm bạo lực xem phim và đo sóng não của họ", Tiến sĩ Gerhard Roth nói. "Trong não bộ của họ không có bất kỳ phản ứng nào khi xem những cảnh tàn bạo và bẩn thỉu. Không hề có sự phản xạ hay cảm xúc về sự nhân từ hay nỗi buồn xảy ra".

"Vùng tối" nằm ở phía trước của não bộ và điều này cũng xuất hiện trong phim chụp X-quang của những người phạm tội liên quan đến bạo lực. Kết quả nghiên cứu khiến Tiến sĩ Gerhard Roth tin rằng, một số tội phạm có "yếu tố di truyền", nhất là loại tội phạm liên quan đến bạo lực. "Khi nhìn vào các phim chụp não bộ tội phạm, hầu như luôn luôn thấy vết lõm lớn trong phần trán thấp của não. Điều này chắc chắn rằng, "vùng tối" trong khu vực não bộ là nơi "ẩn nấp" của cái ác", Tiến sĩ Gerhard Roth nhận định.

T. Phạm
.
.
.