Giải mã ý thức hệ thánh chiến qua nhật ký Bin Laden

Thứ Tư, 29/11/2017, 17:19
CIA vừa công khai một cuốn nhật ký của trùm khủng bố Osama bin Laden, hé mở cách thủ lĩnh mạng lưới khủng bố nhìn nhận thế giới quanh mình. Thông qua cuốn nhật ký này, các học giả có thể tìm được các gợi ý có giá trị về lý do tại sao chủ nghĩa thánh chiến có thể tuyển mộ được thành viên mới.


Dày 255 trang, cuốn nhật ký của Osama bin Laden đã được CIA tìm thấy trong cuộc đột kích vào khu trú ẩn của hắn ở Pakistan. Nó được cho là một tài liệu có giá trị phản ánh tâm trí của một nhân vật có ảnh hưởng trong thế giới của chủ nghĩa thánh chiến.

Ủng hộ “Mùa xuân Arập”

Các trang viết tay phản ánh phản ứng mạnh mẽ của Bin Laden đối với các sự kiện đang diễn ra trong thế giới Arập trong suốt 2 tháng bắt đầu từ ngày 5-3-2011. Trang cuối cùng được viết vào đêm 1-5, chỉ vài giờ trước cuộc đột kích dẫn đến việc hắn bị giết chết ở Abbottabad vào 1 giờ sáng ngày hôm sau.

Trong nhật ký, Bin Laden đưa ra quan điểm về những cuộc nổi dậy ở khu vực vào năm 2011 và cách các chiến binh thánh chiến nên phản ứng như thế nào. Trong một số trường hợp, hắn tuyên bố các bài phát biểu và tổ chức của hắn đã đặt nền móng cho "cuộc cách mạng" và cách mà Mỹ phản ứng với chúng.

Các trang nhật ký cung cấp một cái nhìn sâu sắc sâu vào tâm trí của một nhà lãnh đạo thánh chiến thế giới, vốn trước đó chỉ được biết đến thông qua các tuyên bố công khai, các cuộc phỏng vấn hiếm hoi và lời khai của những người xung quanh. Đặc biệt quan trọng là bình luận của Bin Laden liên quan đến những tiến triển thực tế tại các khu vực mà hắn quan tâm nhất.

Các trang viết tay đã thể hiện nhiều cảm xúc và tính cách của nhân vật, từ sự phấn khích đến thiếu tinh tế, tự trọng, chủ nghĩa cơ hội và hoài nghi. Hắn thậm chí còn liên kết những giấc mơ của mình với những sự kiện trong thực tế. Trong một trường hợp, hắn quyết định đưa ra một tuyên bố cho người Hồi giáo dựa trên một giấc mơ mà hắn đã thấy.

“Cam kết” với chủ nghĩa thánh chiến

Trong khi hầu hết các trang bình luận những sự kiện Bin Laden theo dõi thông qua các kênh vệ tinh Arập, cuốn nhật ký còn bao gồm các tham khảo trực tiếp đến niềm tin cốt lõi của Bin Laden và quan điểm của hắn về thế giới. Trong đó, mối quan hệ của hắn với chủ nghĩa Hồi giáo đáng được chú ý đặc biệt.

Trong những trang đầu, Bin Laden nói hắn lớn lên trong một gia đình bình thường, những người không nghĩ về Hồi giáo ngoài việc thực hành tôn giáo mà mọi người Hồi giáo phải tuân theo, chẳng hạn như cầu nguyện, ăn chay và làm việc tốt. Hắn nói lần đầu tiên hắn trở thành "cam kết" - một từ có thể chỉ việc thực hành một đời sống tôn giáo nghiêm ngặt và có hệ thống - thông qua liên kết của hắn với tổ chức Anh em Hồi giáo.

Bin Laden đã đặt tên cho Necmettin Erbakan, cựu Thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ và là cha đẻ của Chủ nghĩa Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, như một nguồn cảm hứng khi hắn bắt tay vào cuộc hành trình thay đổi của mình. Trong các trang sau, hắn đề cập đến một số giáo sĩ có ảnh hưởng trong bối cảnh quảng bá hệ tư tưởng của Al-Qaeda. Các giáo sĩ này phần lớn xuất phát từ phong trào sahwa diễn ra ở Arập Xêút và các quốc gia khác vào những năm 1970, kết hợp các ý tưởng cách mạng của Hồi giáo với các khái niệm salafi truyền thống.

Lần theo những suy nghĩ của Bin Laden qua các trang viết, đôi lúc có thể không nghĩ người viết là lãnh đạo thánh chiến. Hắn cổ vũ các cuộc nổi dậy của Hồi giáo trong khu vực, cho rằng vai trò nổi bật của họ là minh chứng cho thấy những người Hồi giáo là vị trí dự phòng mặc định của các xã hội ở Trung Đông. Thậm chí hắn còn nhớ một bài phát biểu mình năm 2004 cho rằng người Hồi giáo có thể chọn hoặc loại bỏ nhà lãnh đạo của họ giống như cuộc nổi dậy Arập đã làm, trái ngược với quan điểm phổ biến trong salafism.

Những ghi chép đặc biệt

Nhật ký còn nói về các cuộc trò chuyện của Bin Laden với các con gái Miriam và Somiya, vợ, con trai Khaled và Hamza, người được cho là sẽ kế nhiệm Bin Laden.

Cuốn nhật ký "Những ghi chép đặc biệt dành cho Abu Abdullah: Các quan điểm của Sheikh Abdullah - một buổi họp gia đình"  được viết từ tháng 2-4/2011, ngày ghi chép trong nhật ký được thể hiện kiểu lịch Hồi giáo, và Abdullah là tên truyền thống Arập của Bin Laden.

Mới đây, CIA đã công khai khoảng 470.000 tài liệu thu giữ được từ nơi ẩn náu của Bin Laden tại Abbottabad, Pakistan. Giám đốc CIA Mike Pompeo cho hay, việc công bố các tài liệu trên đã tạo cơ hội cho người Mỹ có được cái nhìn thấu vào các kế hoạch và cách làm việc của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, SBS đưa tin.

Nhật ký của Bin Laden mở ra một cái nhìn vào quá trình tư duy của hắn mà các chuyên gia không thể tìm thấy ở nơi khác, ngoại trừ những người thân cận hắn. Nhật ký cũng ghi lại bằng một giọng điệu mà không một cuốn sách nghiên cứu nào về thánh chiến có thể truyền tải, vì nó được viết dưới một hệ tư tưởng và một cái nhìn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính trị Hồi giáo.

Tất nhiên, tư tưởng của Bin Laden và các nhà chính trị Hồi giáo khác nhau về các vấn đề chính như việc thực hành thánh chiến như một lẽ sống và việc bãi nhiệm các nhà cai trị Hồi giáo. Mặc dù cả hai sự khác biệt này vẫn có thể được chấp nhận bởi một số người Hồi giáo không ủng hộ thánh chiến trong một số bối cảnh nhất định, với Al-Qaeda và ISIL, những khác biệt này cho thấy một hệ tư tưởng có hệ thống và rộng hơn ngăn cấm sự tham gia hòa bình trong một trật tự chính trị không Hồi giáo .

Cuốn nhật ký của Bin Laden sẽ giúp suy nghĩ lại các giả thuyết đã được thiết lập, và thường là cứng đầu, giữa các học giả và các nhà quan sát về chủ nghĩa thánh chiến. Sự hiểu biết của chúng ta về chủ nghĩa thành chiến ngày nay có xu hướng được định hình bằng những tác phẩm được viết cách đây một thập kỷ, khi các học giả biết rất ít về hiện tượng bí ẩn của chủ nghĩa thánh chiến.

Những năm tháng kể từ cuộc nổi dậy của Arập và sự gia tăng sau đó của chủ nghĩa thánh chiến đã mang những dữ liệu và hiểu biết mới, trong đó có cuốn nhật ký của Bin Laden. Các học giả phải xắn tay áo lên để tìm hiểu tại sao thế giới thế giới của những người theo chủ nghĩa thánh chiến dường như tìm kiếm những tân binh mới, mặc dù đã có hơn 16 năm chiến tranh chống khủng bố.

Hòn Rồng
.
.
.