Giải mật kế hoạch Mỹ dùng hạt nhân phủ đầu Moscow

Thứ Hai, 07/11/2016, 17:29
Cuối năm ngoái, trong đống hồ sơ giải mật của Mỹ, báo National Interest lục tìm ra tài liệu Mỹ tính chuyện đánh bom hạt nhân vào Liên Xô.


Cụ thể, cuối những năm 1950, Bộ chỉ huy Không quân chiến lược (SAC) định dùng máy bay ném bom và tên lửa để tấn công hạt nhân các nước theo Liên Xô.

“Danh sách tấn công của SAC gồm 1.200 thành phố thuộc khối Liên Xô, từ Đông Đức đến Trung Quốc”, theo Hồ sơ an ninh quốc gia (National Security Archive).

Mỹ tính san bằng Moscow

Moscow và Leningrad là hai mục tiêu tấn công số 1 và số 2. Tài liệu ghi: “Moscow gồm 179 vùng số 0 được chỉ định (DGZ) còn Leningrad có 145 DGZ,  gồm các mục tiêu dân cư”.

Mục tiêu số 1 của SAC là tiêu diệt không lực Liên Xô, trước khi máy bay ném bom Liên Xô có thể tấn công Mỹ và các nước Tây Âu. Khoảng 1.100 sân bay Liên Xô bị đặt vào tầm ngắm, và máy bay ném bom Tu-16 của Không quân Liên Xô ở Orsha và Bykhov (Belarus) là mục tiêu chính của cuộc tấn công của Mỹ. 

Tàu ngầm USS Tennessee lớp Ohio của Mỹ, trang bị tên lửa đạn đạo.

Một khi khả năng không lực Liên Xô bị tiêu diệt, và nếu Mỹ-Xô tiếp tục căng thẳng, thì mục tiêu đánh bom kế tiếp là ngành công nghiệp Liên Xô. Điều có nghĩa sẽ có rất nhiều công nhân phải chết.

Danh sách mục tiêu tấn công của SAC - lập năm 1956 và công bố như một phần của kế hoạch xây dựng vũ khí hạt nhân năm 1959 - có tính đến việc gây ra cái chết cho dân thường. 

Kế hoạch của SAC lưu ý “sự hủy diệt hệ thống” các mục tiêu thành thị-công nghiệp và “dân cư” ở các thành phố gồm: Bắc Kinh, Moscow, Leningrad, Đông Berlin và Warsaw”, theo các nhà nghiên cứu của Hồ sơ an ninh quốc gia. Họ viết: "Cố tình tấn công dân cư là trực tiếp mâu thuẫn với các chuẩn mực quốc tế cấm tấn công dân thường”.

Đa phần 800 trang tài liệu giải mật là danh sách các mục tiêu tấn công. Năm 1959, các nhà kế hoạch SAC cho rằng họ có thể dùng 2.130 máy bay ném bom B-52 và B-47, máy bay do thám RB-47 và chiến đấu cơ hộ tống F-101.

Bên cạnh đó, SAC sử dụng 376 tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân và tên lửa phóng từ máy bay ném bom, cùng các tên lửa tầm trung bình.

Kế hoạch năm 1959 đánh giá các loại tên lửa (trước khi có tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi những năm 1960) có ít cơ hội đánh trúng mục tiêu, nên máy bay ném bom có người lái được huy động như vũ khí chủ lực.

Đòn đầu tiên SAC cho rằng cần nhanh chóng “hạ nốc-ao” không lực Liên Xô để chiếm lĩnh bầu trời, nên phải dùng bom nguyên tử thả để nổ dưới đất, chứ không để nổ giữa trời. Các tin tình báo cho biết cơ sở hạ tầng không lực Liên Xô khá rộng, gồm trung tâm chỉ huy và cơ sở quốc phòng, nên thủ đô Moscow bị xếp là mục tiêu số 1, vì có nhiều cơ sở chỉ huy quân sự, nhà máy sản xuất máy bay, tên lửa, phòng thí nghiệm vũ khí nguyên tử và cơ sở lọc dầu.

May mắn, ý đồ tấn công Liên Xô bằng bom hạt nhân của Mỹ đã không xảy ra.

Kịch bản dựng tóc gáy

Trước đó vào tháng 10-2015, báo New York Times đưa tin một tài liệu vừa được Chính phủ Mỹ giải mật, cho biết: Mỹ và Liên Xô suýt đánh nhau dựng cả tóc, trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, tiếp sau một cuộc tập trận của NATO  có mật danh “Cung thủ tài năng” (Able Archer 83). Bài báo mở đầu bằng câu chuyện của Jorge Winger, một quân nhân Tây Đức có nhiệm vụ nghe lén các cuộc liên lạc quân sự của Liên Xô.

Mỹ vẫn còn sử dụng máy bay ném bom B-52.

Hồi tháng 12-1988, Winger rụng rời khi nghe tin: người Nga gọi đích danh anh để gửi lời chúc mừng Giáng sinh. Winger nhớ lại: “Lúc đó chúng tôi biết rằng chúng tôi có gián điệp trong căn cứ”. Winger cùng vợ tìm tư vấn của nhà sử học Klaas Voss ở Viện Nghiên cứu xã hội Hambourg (Đức), người cung cấp một chuyện kinh hoàng hơn: năm 1983, người Nga nhận định rằng cuộc tập trận hạt nhân “Cung thủ tài năng” là vỏ bọc để NATO tấn công hạt nhân các nước Khối Hiệp ước Warsaw. Nên Liên Xô  cũng sẵn sàng đánh phủ đầu hoặc phản công bằng vũ khí hạt nhân.

Nhà sử học Voss cùng vợ chồng Winger chỉ biết câu chuyện này, chứ không biết tài liệu mật được giải mật tháng 10-2015: suýt xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường, 22 năm sau vụ khủng hoảng tên lửa Liên Xô ở Cuba. 

Bản phân tích của Hội đồng Cố vấn tin tình báo nước ngoài của Tổng thống Mỹ lập ngày 15-2-1990, đề cập chuyện Mỹ và Liên Xô suýt đánh nhau “dựng cả tóc” như sau: “Năm 1983, chúng ta vô tình đưa quan hệ với Liên Xô vào thế dựng cả tóc”. Báo cáo nêu người Nga có quyết định sẵn sàng phản công bằng vũ khí hạt nhân, sau khi đã nạp khoảng 40.000 thông số vào một máy điện toán, nhằm dự báo một cuộc tấn công hạt nhân sẽ xảy ra thế nào.

Tình báo Liên Xô  rõ ràng “được chỉ điểm” về cuộc tập trận “Cung thủ tài năng”. Bản phân tích kết luận: sự thật là khối Warsaw phản ứng với “Cung thủ tài năng” là chưa từng có, “mạnh mẽ cảnh báo rằng lãnh đạo Liên Xô rất quan ngại việc Mỹ có thể dùng Able Archer 83 làm vỏ bọc cho một cuộc tấn công thật sự”, và “lực lượng Liên Xô đã sẵn sàng đánh phủ đầu hoặc phản công một cuộc tấn công của NATO với vỏ bọc là Able Archer”.

Báo cáo nêu: “Tình hình này có thể cực kỳ nguy hiểm, nếu trong cuộc tập trận - vì một số sự trùng hợp không đúng lúc hoặc vì tin tình báo sai - Liên Xô có thể hiểu lầm các hoạt động của Mỹ là chuẩn bị cho một cuộc tấn công thật sự”.

Tổng thống Ronald Reagan nhận xét: “Thật đáng sợ” sau khi đọc những thông tin trong báo cáo của Giám đốc CIA William J. Casey về sự sẵn sàng đương đầu của Liên Xô. Hội đồng  Cố vấn tin tình báo nước ngoài của Tổng thống Mỹ đã biên tập lại rất kỹ tài liệu này trước khi giải mật vào tháng 10 -2015.

Chiến tranh lạnh Nga-Mỹ đã qua, nhưng bóng ma vẫn lởn vởn. Bộ Ngoại giao Nga ngày 30-9 vừa qua tuyên bố: Moscow luôn để mắt kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, và sẵn sàng có biện pháp đáp trả cần thiết nếu Mỹ dùng vũ khí hạt nhân trong xung đột vũ trang.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ chi 108 triệu USD trong vòng 5 năm tới, để nâng cấp bộ ba vũ khí hạt nhân gồm các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược được trang bị vũ khí hạt nhân. Ông Carter còn tuyên bố, NATO đang biên soạn lại chiến lược hạt nhân để đối phó với những vụ tấn công hạt nhân từ Nga.

Bộ Ngoại giao Nga diễn giải tuyên bố của ông Carter: trong trường hợp tấn công Nga, Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để đảm bảo Nga không thể đáp trả. Rõ là ông Carter vẫn thừa nhận quyền của Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó mối nguy hạt nhân và các loại vũ khí giết người hàng loạt đe dọa nước Nga.

Kim Hương (tổng hợp)
.
.
.