Gian nan cuộc chiến tìm kiếm công lý của nạn nhân nô lệ thời hiện đại ở Anh

Thứ Năm, 12/09/2019, 15:33
Nancy Esaguwa, một phụ nữ Nigeria, là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại ở Anh cho biết, sau 5 năm được giải cứu, cuộc sống của cô vẫn hết sức tồi tệ. Cô đang bước vào một cuộc chiến pháp lý mới đầy gian nan để tìm kiếm cơ hội cho chính mình.


"Tôi đã được tự do nhưng cuộc sống vẫn là chuỗi ngày bế tắc"

Nancy Esaguwa cho biết, 10 năm trước, cô bị một đường dây buôn người bán sang Anh. Tại đây, cô bị giam giữ như một nô lệ và buộc phải làm việc cho một gia đình ở Bedfordshire, thường xuyên bị đánh đập và không được trả lương. Niềm hy vọng duy nhất của Nancy Esaguwa là một ngày nào đó được tự do. 

"Giờ đây, tôi đã được tự do nhưng cuộc sống vẫn là chuỗi ngày bế tắc, tuyệt vọng như thời điểm bị điều khiển bởi những kẻ buôn người", Nancy Esaguwa nói. Ngay sau khi cô được Bộ Nội vụ xác định là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại vào năm 2014, Esaguwa đã bị bỏ lại mà không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. 

Cô từng phải lang thang trên đường phố, sống cuộc sống của người vô gia cư, đối mặt với những cơn đói, nạn bạo lực và tấn công. Bộ Nội vụ đã từ chối đơn xin tị nạn của cô. Esaguwa hiện đang sống trong nỗi sợ hãi phải đối mặt với việc bị giam giữ hoặc bị đưa trở lại Nigeria - nơi mà những kẻ buôn người nói rằng sẽ giết hại nếu cô quay trở lại.

Esaguwa cho biết, cô cũng từng được đưa đến nơi ở không an toàn, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe tâm thần, nhiều lần cô muốn tìm đến cái chết. "Những người đàn ông trong ngôi nhà tôi ở nghĩ tôi và một số phụ nữ bị buôn bán khác là gái mại dâm. Chúng tôi liên tục bị quấy rối và phải nghe lời đề nghị khiếm nhã", Esaguwa nói.

Câu chuyện của Esaguwa không phải là trường hợp cá biệt về nạn nhân nô lệ thời hiện đại. Bộ Nội vụ đang phải chịu áp lực ngày càng tăng để cải thiện chính sách với nạn nhân của chế độ nô lệ. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, hàng ngàn nạn nhân của chế độ nô lệ đang bị bỏ rơi, thiếu sự bảo vệ và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

Esaguwa đã quyết định đứng lên đấu tranh. Cô nộp đơn kiện, đề nghị tòa án xem xét việc Bộ Nội vụ từ chối đơn xin ở lại cũng như quyền tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe tâm thần của cô. Thực tế cho thấy, chỉ có 12% nạn nhân nộp đơn xin ở lại Anh được chấp thuận. 

"Mọi người nghĩ rằng, khi thoát khỏi chế độ nô lệ thì đó là một kết thúc có hậu nhưng không hẳn như vậy. Mặc dù chính phủ đã chấp nhận tôi là nạn nhân của chế độ nô lệ nhưng họ chỉ xem tôi là một vấn đề nhập cư mà thôi", Esaguwa nói. Nancy Esaguwa cho biết thêm, cô cảm thấy tình trạng cuộc sống, nhu cầu của bản thân về việc cần hỗ trợ về sức khỏe tâm thần chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đến.

Esaguwa chia sẻ, nếu không được ở lại Anh, cô không biết sẽ làm gì và tương lai ra sao.

Cuộc chiến pháp lý chưa có hồi kết

Esaguwa cho biết, cuộc chiến pháp lý của cô có sự cổ vũ, hậu thuẫn rất lớn từ mạng lưới "Survivor Alliance", một chương trình được tài trợ bởi  "Rights Lab" thuộc Đại học Nottingham. "Survivor Alliance" ở West Yorkshire hiện có 53 thành viên, tập hợp những người từng trải qua cuộc sống nô lệ ở Anh.

"Trong nhiều năm, tôi không tìm được người giúp đỡ mình. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, những người cùng cảnh ngộ phải chung tay giúp đỡ lẫn nhau. Chính "Survivor Alliance" đã mang lại sức mạnh cho tôi. Khi trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người, bạn bị cô lập và lòng tự trọng bị phá hủy. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của "Survivor Alliance", tôi đã tìm thấy sự đồng cảm. Đó là một cộng đồng đoàn kết. Nếu làm việc cùng nhau, chúng tôi sẽ đi xa hơn so với làm việc riêng lẻ", Esaguwa cho hay.

Ngoài việc hỗ trợ Esaguwa trong cuộc chiến pháp lý, "Survivor Alliance" bắt đầu chiến dịch vận động thay đổi chính sách bảo vệ nạn nhân nô lệ thời hiện đại. "Chúng tôi đang tìm cách lấp đầy những khoảng trống mà các tổ chức từ thiện, các cơ quan chính phủ không thể giải quyết. Chúng tôi biết rõ những gì mình cần. Hiện tại, rất nhiều tổ chức từ thiện nói rằng, họ sẽ giúp đỡ những người sống sót nhưng không ai trong số chúng tôi cảm thấy được lắng nghe hoặc nhận được sự hỗ trợ", một nạn nhân của nạn buôn người, thành viên của "Survivor Alliance" nói.

Một điều phối viên của "Survivor Alliance" nói rằng, nạn nhân nô lệ thời hiện đại thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này nhưng đang thiếu vắng cơ chế, chính sách bảo vệ, hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của các nạn nhân. Esaguwa chia sẻ, nếu không được ở lại Anh, cô không biết sẽ làm gì và tương lai ra sao. 

"Sức khỏe tinh thần của tôi ngày càng xấu và tôi rất sợ phải trở lại Nigeria. Tôi muốn làm điều gì đó tốt hơn cho bản thân và những người đã phải trải qua thời gian tồi tệ tương tự. Tôi vẫn phải tin rằng, cuộc sống phía trước sẽ tốt hơn. Cuộc chiến pháp lý lần này là cơ hội cuối cùng và tôi không thể bỏ cuộc", Esaguwa nói.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.