Hà Lan:

Truy tìm tội phạm qua những bộ trang phục đắt tiền

Thứ Hai, 30/04/2018, 16:31
Các sĩ quan cảnh sát Hà Lan đang nhắm mục tiêu vào những cô cậu thanh niên chuyên mặc quần áo thiết kế, đồng hồ hàng hiệu trong khi họ dường như chưa đủ khả năng để chi trả cho những món đồ này.


Kế hoạch này đã được cảnh sát Rotterdam thực hiện từ đầu năm 2018. Những người không đưa ra được lời giải thích và câu trả lời cụ thể, rõ ràng về việc này thì họ sẽ bị tịch thu đồng hồ và cả những trang phục đắt tiền đang mặc trên người. 

Ngược lại, nếu họ chứng minh được đã mua đồng hồ và quần áo hàng hiệu một cách hợp pháp, mọi nghi ngờ sẽ được giải tỏa. 

Hãng tin Reuters cho biết, ý tưởng ban đầu của giải pháp này là để ngặn sự gia tăng của nạn trộm cắp tại Hà Lan. Ngoài ra, đây cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi tới những kẻ trộm cắp đang phá hỏng bầu không khí xã hội yên bình, tĩnh lặng và không tội phạm ở Hà Lan. 

Trả lời phỏng vấn tờ De Telegraaf, Cảnh sát trưởng Rotterdam Frank Paauw nói: "Nhiều thanh niên tự coi mình như cái gì đó siêu phàm, VIP và không thể đụng tới. Chúng tôi không cho phép điều đó xảy ra. Thanh niên phải tự biết được chỗ đứng của mình và có những hành động đúng đắn thay vì sa đà vào những tranh cãi về quyền lực và vị thế trên xã hội.

Cảnh sát trưởng Frank Paauw cũng cho biết thêm rằng, nhờ có biện pháp này mà nạn ăn cắp vặt cũng giảm. "Chúng tôi thường xuyên phát hiện được đồng hồ Rolex từ những kẻ tình nghi là thanh thiếu niên. Tuổi trẻ bây giờ lạ lắm, chúng thích đi bộ với áo khoác giá 1.800 Euro. Chúng chưa đi làm, chưa có thu nhập thì lấy tiền đầu ra mà chi tiêu hoang phí như vậy".

Tuy nhiên, chương trình hành động này của cảnh sát Rotterdam cũng đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía người dân Rotterdam. Một số người cho rằng các biện pháp tịch thu trang phục và đồng hồ có thể là trái phép và nhanh chóng dẫn đến việc phân biệt chủng tộc. 

Những người chỉ trích cũng chỉ ra rằng, nhiều thanh niên vẫn được cha mẹ trợ cấp và đủ khả năng để mua các món đồ đắt tiền, thậm chí có người cho rằng chương trình này có thể gây ra mâu thuẫn giữa cảnh sát và người dân địa phương… 

Trong khi đó, Jair Schalkwijk, người phát ngôn của một tổ chức mang tên Control Alt Delete, tin rằng chính sách này là chống lại lời hứa trước đó của cảnh sát không nhắm vào những người trông giống như "tội phạm điển hình".

 Jair Schlkwijik cũng cảnh báo về nguy cơ gia tăng tội phạm về buôn bán ma túy ở Hà Lan và đây cũng được cho là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thanh thiếu niên Hà Lan sớm bị mắc bẫy những kẻ phạm tội. Báo cáo của Nghiệp đoàn Cảnh sát Hà Lan (NPB) đưa ra hồi cuối tháng 3 có cảnh báo Hà Lan đang có nguy cơ trở thành "quốc gia ma túy". 

Theo RT, cảng Rotterdam (Hà Lan) là một trong các điểm quá cảnh chính của châu Âu mà những tên tội phạm dùng để tuồn cocain và các loại ma túy nhóm A. 

Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) tin rằng nửa lượng cocain của lục địa được đi qua Rotterdam bởi phần lớn lượng thuốc lắc được tuồn vào châu Âu và Mỹ xuất phát từ các phòng thí nghiệm ở miền Nam Hà Lan. Europol ước tính, trong một năm, số cocain trị giá 2,8 tỉ euro tuồn vào châu Âu đều thông qua cảng Rotterdam.

Cảnh sát Hà Lan thực thi nhiệm vụ.

Trước thực trạng vậy, cảnh sát Hà Lan vừa sử dụng biện pháp săm soi trang phục và đồng hồ; đồng thời đưa vào áp dụng một hệ thống mới có khả năng dự đoán tội phạm dựa trên các dữ liệu tội phạm chính xác. Hệ thống dự đoán tội phạm (CAS) hiện đang được sử dụng làm thí điểm tại một số thành phố Amsterdam và Hague ở Hà Lan. 

Cảnh sát Quốc gia Hà Lan và nhóm giám sát an ninh mạng là các bên có liên quan trực tiếp đến dự án này. Cảnh sát quốc gia Hà Lan đang hướng đến áp dụng ở tất cả các đơn vị và cảnh sát sử dụng hệ thống này vào cuối năm 2018 và  Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới làm việc với hệ thống dữ liệu lớn này.

Linh Oanh
.
.
.