Hạ viện thông qua dự luật ‘Luật Tự do Mỹ’

Thứ Ba, 26/05/2015, 10:00
Dư luận đã có những phản ứng khác nhau sau khi Hạ viện Mỹ thông qua (338 phiếu thuận và 88 phiếu chống hôm 14/5) dự luật "Luật Tự do Mỹ". Bởi chấm dứt chương trình do thám điện thoại diện rộng của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), đặc biệt là dữ liệu điện thoại để bảo vệ đời tư của công dân Mỹ. Đồng thời tăng cường tính minh bạch của tòa án giám sát tình báo nước ngoài, cũng như giám sát hoạt động thu thập dữ liệu của NSA.

Trước đó (22/4), Hạ viện đã thông qua một dự luật lưỡng đảng trong lĩnh vực an ninh mạng nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn để các công ty chia sẻ thông tin về những mối đe dọa tấn công mạng với Chính phủ Mỹ, đồng thời giúp ngăn chặn các nhóm tội phạm, khủng bố và những quốc gia thù địch thực hiện các vụ tấn công như vậy.

Đây là chương trình gây nhiều tranh cãi sau khi cựu nhân viên tình báo CIA Edward Snowden tiết lộ năm 2013. Và đây cũng được coi là thắng lợi lớn của những người ủng hộ quyền riêng tư, quyền công dân và Tổng thống Barack Obama từng ủng hộ biện pháp cải cách này. Theo "Luật Tự do Mỹ", NSA thay vì được tự ý thực hiện chương trình do thám trên diện rộng như trước đây, sẽ phải xin phép khi muốn thu thập dữ liệu điện thoại từ các công ty viễn thông. Và căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, tòa án sẽ quyết định việc cấp phép thực hiện cho NSA.

Thống đốc Michael Rogers phản ứng sau quyết định của Tòa phúc thẩm liên bang.

Theo tờ Washington Post, mục 215 trong "Đạo luật yêu nước" từng là căn cứ để NSA tiến hành chương trình do thám điện thoại (sẽ hết hạn vào ngày 1/6/2015), nên Quốc hội hoặc phải gia hạn hoặc phải chỉnh sửa. Được biết, NSA đã thu thập các cuộc gọi qua Mỹ (thời gian gọi, thời lượng, số điện thoại, nhưng không lưu nội dung cuộc gọi) và lưu trữ trong 5 năm. Và các chuyên viên của NSA sẽ tìm dấu vết khủng bố trong số dữ liệu này.

Giới truyền thông cho rằng, mặc dù "Luật Tự do Mỹ" đã được thông qua tại Hạ Viện, nhưng chưa chắc đã được Thượng viện chấp thuận. Bởi có nhiều nghị sỹ của đảng Cộng hòa không muốn thay đổi “Đạo luật yêu nước”, cũng như bãi bỏ chương trình theo dõi, thu thập dữ liệu điện thoại. Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John Cornyn là một trong những người sẽ bỏ phiếu chống khi "Luật Tự do Mỹ" được thông qua tại Thượng viện. Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell ủng hộ chủ trương cải cách NSA, nhưng phản đối mọi nỗ lực nhằm ngăn cản dự luật mới được thực thi.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Goodlatte (người của đảng Cộng hòa) cho rằng, "Luật Tự do Mỹ" thể hiện sự công bằng giữa quyền riêng tư và an ninh quốc gia. Trong khi đó, nghị sỹ John Conyers (người của đảng Dân chủ) coi đây là biện pháp nhằm ngăn chặn việc thu thập ồ ạt dữ liệu điện thoại, đồng thời cung cấp tính minh bạch mới đối với bất kỳ chương trình theo dõi nào của người dân Mỹ.

Trước đó (12/5), Nhà Trắng đã hối thúc Quốc hội thông qua "gói cải cách NSA". Tổng thống Barack Obama hối thúc các nghị sỹ thông qua những điều chỉnh quan trọng đối với Luật Do thám tình báo nước ngoài (FISA) hiện hành nhằm bảo vệ tốt hơn quyền bí mật cá nhân và các quyền dân sự của công dân, nhưng vẫn đảm bảo được an ninh quốc gia.

Ngày 11/5, Tư lệnh Bộ chỉ huy mạng, đồng thời là Giám đốc NSA, Đô đốc Michael Rogers đã phản ứng sau quyết định của Tòa phúc thẩm liên bang về hoạt động theo dõi các cuộc gọi điện thoại của NSA - Đạo luật yêu nước không cho phép NSA thu thập dữ liệu điện thoại quy mô lớn. Theo ông Michael Rogers, thông tin đang ngày càng trở thành một thứ vũ khí dễ dẫn đến tổn thất về nhân mạng, và không có câu trả lời dễ dàng cho việc cân bằng giữa quyền riêng tư với sự an toàn.

Được biết, ngày 8/5, tòa phúc thẩm ở New York khẳng định, quy mô theo dõi bí mật các cuộc điện thoại, thư điện tử… của NSA vượt xa thẩm quyền mà Quốc hội Mỹ quy định. Tòa ra phán quyết này theo đơn kiện do Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) chống lại NSA và FBI. Luật sư ACLU Alex Abdo coi phán quyết của Tòa phúc thẩm ở New York là chiến thắng của sự thượng tôn pháp luật.

Ngày 17/5, tờ "Hình ảnh Chủ nhật" của Đức cho rằng, một điệp viên hai mang làm việc cho Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) và Cục Tình báo liên bang Đức (BND) đã cung cấp thông tin quyết định cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) về nơi ẩn náu của Osama bin Laden, dẫn tới chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố ở Pakistan rạng sáng 2/5/2011.

Trước đó (16/5), tờ Bild am Sonntag và Sputnik cũng cho rằng, BND đã cung cấp cho tình báo Mỹ những thông tin quan trọng để tiêu diệt Osama bin Laden. BND cũng từng giám sát điện thoại và hệ thống email liên lạc tại phía Bắc Pakistan nhằm truy tìm nơi ở của Osama bin Laden từ một căn cứ ở thị trấn Bavarian. 

Trọng Hậu
.
.
.