Hai người đàn ông được trả tự do sau gần 40 năm ngồi tù

Thứ Năm, 08/01/2015, 08:00
Hai người đàn ông đã được minh oan và thoát án tử hình vì tội giết người sau gần 40 năm ngồi tù. Bị ép cung nên những lời khai của nhân chứng đã làm bằng chứng để tòa án kết án tử bị cáo cách đây gần 40 năm. Suốt thời gian dài oan ức ngồi tù, hai người đàn ông không thể tin được rằng mình được tự do nhờ vào những lời minh oan của nhân chứng.

Phiên tòa và nhân chứng sắp đặt

Tòa án tối cao thành phố Cleveland, Mỹ đã ra bản cáo trạng với đầy đủ những bằng chứng mà các nhân chứng đưa ra để cáo buộc 3 nghi can của vụ án là Wiley Bridgeman, Ricky Jackson, Ronnie Bridgeman và cuối cùng là bản án tử hình dành cho họ.

Vụ án liên quan đến cái chết của doanh nhân Harry Franks ngày 19 tháng 5 năm 1975 đã khiến những người đàn ông này phải vào tù. Theo điều tra thì Harry Franks đã bị chết ngay sau khi rời khỏi trụ sở công ty mà có người nhìn thấy anh em nhà Wiley Bridgeman là người cuối cùng có cuộc nói chuyện với nạn nhân. Ba nghi can là Wiley Bridgeman, Ricky Jackson, Ronnie Bridgeman đã bị triệu tập tới cơ quan điều tra và ngay lập tức họ đã bị tống giam vì có nhân chứng tố cáo rằng họ chính là hung thủ của vụ án. Suốt thời gian 3 năm điều tra về vụ án này, mặc dù cả ba đều khai rằng mình không có liên quan gì đến cái chết của ông Harry Franks nhưng dường như cảnh sát điều tra không hề quan tâm đến lời khai của họ.

Phiên tòa sơ thẩm diễn ra nhưng bị cáo không có luật sư riêng mà luật sư bảo vệ cho bị cáo do tòa chỉ định. Lời khai của nhân chứng vẫn được đọc tại tòa và không có gì thay đổi. Tại tòa, cả ba bị cáo vẫn một mực khai rằng mình không phải là thủ phạm. Mặc dù không phải là thủ phạm nhưng cả ba đều không có bằng chứng xác đáng để chứng minh mình vô tội. Phiên tòa kết thúc, bản án tử hình được thay bằng bản án tù chung thân do tòa án tối cao Mỹ cấm thi hành án tử vào năm đó.

Suốt gần 40 năm ngồi trong tù, cả ba bị cáo bị kết án tù oan vẫn luôn chấp hành tốt mọi quy định của nhà tù, họ luôn nuôi hy vọng vào một ngày nào đó họ sẽ được trả lại tự do. Một thời gian quá dài, tưởng chừng như vụ án và những bị cáo bị oan đã bị người ta lãng quên nhưng không, họ đã tìm được tự do nhờ vào một tổ chức của Trường Đại học Cincinnati ở bang Ohio.

Ông Jicky Jackson ngày được trả tự do.

Tổ chức này do những sinh viên và giảng viên của khoa luật thành lập nhằm đi tìm lại cán cân công lý. Dự án Innocence Ohio đã giúp cho những người bị án oan có cơ hội tìm lại sự tự do trước khi quá muộn. Luật sư Brian Howe, người trực tiếp tham gia vào việc giải oan cho ông Wiley Bridgeman và Ricky Jackson đã nói rằng, việc ông tham gia vào dự án này đã mang lại niềm vui, sự hạnh phúc cho nhiều người và cho chính bản thân ông.

Ricky Jackson, 57 tuổi, sau khi bước ra khỏi cánh cổng nhà tù Cuyahoga County đã ôm chầm lấy luật sư của mình là ông Brian Howe vừa cười vừa khóc. Ông không thể diễn tả được niềm vui tột độ của mình. “Ngôn ngữ tiếng Anh không có từ nào đủ để có thể diễn tả được cảm xúc của tôi, tôi không tìm được từ nào phù hợp để nói cho mọi người hiểu là tôi hạnh phúc thế nào”, ông Jackson nói. Một nhóm người tham gia dự án Innocence Ohio đã hò reo hòa với niềm vui của những nạn nhân của bản án oan gần 40 năm trước. Jackson liên tục nói lời cảm ơn dự án Innocence Ohio, bởi nếu không có dự án này thì không ai có thể tìm ra được sự thật giúp ông giải oan.

Người làm chứng của vụ án gần 40 năm trước đã thú nhận rằng ông ta đã đưa ra bằng chứng giả để Jackson cùng hai người bạn của mình là Wiley Bridgeman và Ronnie Bridgeman trở thành thủ phạm giết chết doanh nhân Harry Franks bên ngoài một của hàng tạp hóa ở góc phố Cleveland. Nhân chứng Eddie Vernon khi đó mới 12 tuổi đã khai rằng khi đó anh bị thám tử cảnh sát Cleveland ép buộc vào làm chứng để chống lại Jackson cùng hai anh em Wiley Bridgeman và Ronnie Bridgeman. Wiley Bridgeman và Jackson được trả tự do sau gần 40 năm tù oan, còn anh trai của Wiley Bridgeman là Ronnie Bridgeman đã được trả tự do từ năm 2003 vì đã lập được thành tích trong thời gian thi hành án.

Sự thật

Với sự nỗ lực của những người tham gia dự án Innocence Ohio, họ đã bằng mọi cách để tìm ra công lý cho những tù nhân vô tội ở nhà tù Ohio. Jackson là người thứ 18 được minh oan kể từ khi dự án ra đời vào năm 2003.

Sau khi Jackson cùng với Wiley Bridgeman được giải thoát, cơ quan Cảnh sát điều tra đã lật lại hồ sơ vụ án để điều tra tìm ra hung thủ thực sự và những sai trái của những người tham gia vào việc luận tội hung thủ của vụ án. Những bị cáo khi bị bắt chỉ mới 17, 18 tuổi, khi được minh oan ra tù họ đã ở tuổi gần 60. Vậy điều gì có thể đền bù lại được danh dự, nhân phẩm và cuộc sống của những con người này.

Các sinh viên tham gia vào dự án Innocence Ohio đã không ngừng làm việc để tìm ra toàn bộ sự thật của vụ án. Người làm chứng năm nào Eddie Vernon đã bị cảnh sát ép buộc phải giả lời khai đã nói rằng: “Năm đó tôi chỉ là một cậu bé 12 tuổi, quá sợ hãi mỗi khi nhìn thấy cảnh sát chứ chưa nói đến việc bị cảnh sát đe dọa và ép buộc. Tôi đã bị 2 cảnh sát cưỡng chế và đe dọa nếu không làm theo lời của họ thì ba mẹ tôi sẽ phải chết”.

Eddie Vernon vừa bước xuống xe buýt thì nghe thấy tiếng súng nổ nhưng không hề nhìn thấy Jackson và hai người đàn ông nữa. Khi cảnh sát có mặt tại hiện trường, họ đã túm lấy cậu và bắt cậu phải làm theo mọi mệnh lệnh, nếu không sẽ không bao giờ được gặp lại ba mẹ mình nữa. Quá sợ hãi nên Eddie Vernon chỉ biết làm theo những gì cảnh sát yêu cầu mà không nghĩ đến những hậu quả để lại cho người khác.

Ông Wiley Bridgeman và ông Ricky Jackson vui mừng khi được giải oan.

Tại phiên tòa xét xử, Eddie Vernon vẫn phải làm theo mọi sự sắp đặt của cảnh sát. Sau khi phiên tòa kết thúc, cuộc sống của gia đình Eddie Vernon yên ổn nhưng ông đã bị lương tâm hành hạ suốt bao nhiêu năm qua. Khi ông biết đến dự án Innocence Ohio chuyên giải oan cho những tù nhân bị án oan, Eddie Vernon đã quyết định lên tiếng để phần nào vơi bớt được nỗi khổ tâm.

Theo hồ sơ vụ án, có một cô gái đã nhìn thấy hai người đàn ông lạ mặt lảng vảng bên ngoài các cửa hàng ở góc phố Cleveland, hai người lạ mặt đó không phải là Jackson, cũng không phải là Wiley Bridgeman hay Ronnie Bridgeman. Ngay sau khi nghe thấy tiếng súng nổ thì hai người lạ mặt đó đã chạy thoát khỏi khu vực cửa hàng. Nạn nhân Harry Franks đã bị bắn chết bằng một khẩu súng có cỡ nòng 0,38 li trong khi đó có một người phụ nữ đã gọi điện cho cảnh sát thông báo rằng con trai của bà đã lấy cắp khẩu súng và đã bỏ trốn. Khẩu súng mà người phụ nữ bị đánh cắp cũng có cỡ nòng là 0,38 li, vì thế hung thủ của vụ án đã được làm sáng tỏ.

Sự thật vẫn mãi mãi là sự thật cho dù phải mất rất nhiều thời gian để tìm ra. Nỗi oan ức suốt 40 năm qua đã làm hủy hoại cuộc sống của những con người vô tội. Một chút niềm tin, niềm hy vọng nhỏ nhoi cũng đã đem lại cho họ ngày được tự do. Cho dù đã mất cả cuộc đời nhưng họ vẫn luôn mỉm cười, luôn tự tin vào cuộc sống bởi cuộc sống vẫn tồn tại sự công bằng, luật pháp vẫn luôn là cán cân công lý.

Hải Nam
.
.
.