Hai phóng viên Mỹ bị bắn chết vì phân biệt chủng tộc?

Thứ Sáu, 28/08/2015, 09:25
Một phóng viên truyền hình và một nhân viên quay phim đã bị bắn chết khi đang thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp ở Virginia hôm 26/8 trong vụ tấn công bởi một nhân viên cũ.


Sau vài giờ án mạng xảy ra, nghi phạm Vester Flanagan tự bắn vào mình trong khi lực lượng cảnh sát truy bắt trên một tuyến đường cao tốc ở Virginia. Sau đó, đối tượng chết tại bệnh viện. Nghi phạm có mối tư thù sâu sắc với đài truyền hình WDBJ7, có quan hệ với hãng tin CBS ở Roanoke, tiểu bang Virginia, cách đây 2 năm.

“Flanagan dường như bất mãn với cuộc sống của  bản thân”, Cảnh sát trưởng Hạt Franklin, ông Bill Overton cho biết. Các nhà báo công tác tại đài truyền hình WDBJ7 bị thiệt mạng gồm Alison Parker, 24 tuổi và người quay phim Adam Ward, 27 tuổi. Người phụ nữ trả lời phỏng vấn trong bản tin buổi sáng 26/8 bị thương.

Di ảnh nữ phóng viên Paker và nhân viên quay phim Ward.

Chương trình truyền hình trực tiếp diễn ra vào khoảng 6h45’ (giờ địa phương) tại Brigdewater Plaza.

Chương trình truyền hình bị gián đoạn bởi vụ xả súng điên cuồng, khi đó Paker và bà Vicki Gardner đang thực hiện bài phỏng vấn.

Vài giờ sau khi vụ xả súng xảy ra một số đoạn video được đăng lên Twitter và Facebook bởi một người đàn ông tự xưng là Bryce Williams, tên gọi khác của Flangana trong thời còn làm việc tại đài WDBJ7. Ngay sau đó, những đoạn video bị gỡ bỏ. Một đoạn video cho thấy rõ một khẩu súng lục khi người quay phim gí sát ống kính quay cận cảnh nữ phóng viên.

Người dường như là Flanagan cũng viết: "Chính tôi đã quay phim vụ xả súng này như mọi người thấy trên Facebook", đồng thời nói rằng một trong những nạn nhân đã có "những lời thóa mạ sặc bản chất phân biệt chủng tộc". Flanagan là người da đen, còn các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng là người da trắng.

Flanagan đã tự bắn vào mình khi cảnh sát Virgina dần khép chặt vòng vây áp chặt chiếc xe ông ta thuê làm phương tiện gây án. Lúc bấy giờ, nghi phạm đang lái xe chạy trốn trên xa lộ 66 ở Hạt Fauquier, WDBJ7 đưa tin. Cảnh sát cho biết, nghi phạm không dừng xe khi bị lực lượng chức năng phát hiện, và cố chạy thoát thân.

"Rõ ràng người đàn ông này bất mãn theo cách nào đó với mọi thứ diễn ra trong đời sống bản thân", sĩ quan cảnh sát Overton phát biểu trong một cuộc họp báo khi được các phóng viên đặt câu hỏi về động cơ gây án của nghi phạm.  Flanagan từng kiện một đài truyền hình mà ông ta từng làm việc ở Florida, khẳng định bị phân biệt đối xử vì là người da đen.

Nghi phạm Flanagan.

Flanagan cho hay, ông ta từng bị gọi là "khỉ" bởi một nhà sản xuất trong đơn kiện gửi tòa án liên bang chống lại đài truyền hình WTWC ở Tallahasse, thủ phủ tiểu bang Florida vào năm 2000. Nghi phạm cũng từng đề cập đến chuyện một giám sát sản xuất chương trình tại WTWC gọi là "gã da đen biếng nhác". Vụ án ở Florida đã được giải quyết, và từ năm 2001 từ chối xét xử mọi vụ kiện do Flanagan đâm đơn.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành WDBJ7, Jeff Mark khẳng định, ông không phát hiện có mối quan hệ đặc biệt nào giữa Flanagan và 2 nhà báo đã chết. Phát biểu với CNN về Flanagan, ông cho biết thêm: "Bạn có nghĩ rằng người ta rời bỏ công ty của bạn vì môi trường làm việc bất hòa? Tại sao họ (Paker và Ward) trở thành mục tiêu, không phải tôi hay ai đó trong ban lãnh đạo?", ông Jeff Mark nói.

Chương trình tin sáng của đài WDBJ7 phát sóng trực tiếp ngày 26/8 cho thấy, Paker đang phỏng vấn bà Garder về việc phát triển hồ và du lịch ở địa phương. Vụ nổ súng bất ngờ xảy ra, Paker, Ward và Garder đều bị trúng đạn, khi Ward đổ gục xuống đất, máy quay phim vẫn hoạt động. Một hình ảnh được máy quay phim ghi lại cho thấy một đối tượng nam giới mặc quần áo đen đang hướng mặt vào ống kính, tay phải cầm súng.

Hiện bà Garder đã dần ổn định sau khi được Bệnh viện Roanoke Memorial cấp cứu. Đài WDBJ7 miêu tả, 2 nhà báo ngã xuống khi đang tác nghiệp.

Nhà Trắng một lần nữa phải thừa nhận, vụ xả súng là một minh chứng rõ rệt nữa về bạo lực súng đạn đang ngày càng tràn lan trên khắp nước Mỹ. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng, Tổng thống Barack Obama bị nhiều áp lực nên chưa thể thông qua luật súng chặt chẽ hơn, đồng thời cho các phóng viên biết, Quốc hội nên thông qua dự luật đó sẽ có "tác động rõ rệt đối với việc làm giảm bạo lực súng đạn" ở Mỹ.

Ông Terry McAuliffe góp ý: "Tước súng khỏi tay những đối tượng sẽ sử dụng súng làm hại gia đình, bằng hữu và những người thân yêu của chúng ta không phải là vấn đề chính trị, đó là vấn đề đảm bảo cho người dân có thể trở về nhà an toàn vào cuối ngày".

Phạm Trúc
.
.
.