Hàn Quốc:

Dùng robot để quản lý tù nhân

Thứ Hai, 27/02/2017, 20:41
Hàn Quốc nuôi tham vọng  trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực chế tạo robot. Trước đó, nước này đã chế tạo thành công robot dạy tiếng Anh, robot bảo vệ biên giới, robot thi đấu taekwondo…


Các nhà khoa học Hàn Quốc đã chế tạo thành công các robot quản giáo trị giá 1 tỷ won (850.000 USD) để thay thế quản giáo trong tương lai. Robot quản giáo cao 1,5m và đi bằng 4 bánh được sử dụng để quản lý tù nhân vào ban đêm thay thế cho con người.

Điểm đặc biệt, những robot này được gắn thiết bị cảm biến, có thể thăm dò những hành vi khác thường của tù nhân như tự tử hay bạo lực… Nếu có điều bất chắc không may xảy ra, robot quản giáo có thể kết nối tù nhân với nhân viên an ninh qua chức năng đàm thoại từ xa.

GS. Lee Baik-Chul của Trường ĐH Kyonggi là người đưa ra ý tưởng và cũng là người đứng đầu đưa ra sáng kiến thiết kế robot quản giáo cho hay, robot quản giáo được đưa vào các nhà tù nhằm "giảm tải" cho quản giáo, giúp họ được nghỉ ngơi.

Robot cảnh sát ở Hàn Quốc.

"Khi chế tạo hệ thống hoạt động quan trọng của robot quản giáo, chúng tôi đang cải tiến những chi tiết làm cho chúng nhìn thân thiện hơn với tù nhân trong tù" , ông Lee nói với hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc). Ba robot quản giáo đầu tiên sẽ được đưa vào thử nghiệm tại một trại giam ở thành phố Pohang, phía đông nam Hàn Quốc khi mọi công việc được hoàn tất.

Các nhà khoa học Hàn Quốc đang dự định phát minh robot để phục vụ trong quân đội và cảnh sát.

Một cuộc thử nghiệm vừa được tiến hành để xem xét trên phương diện kỹ thuật và ngân sách có thể thực hiện dự tính này không. Nếu được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Bộ Quốc phòng, dự án này sẽ được bắt đầu triển khai. Ngân sách ước khoảng 34 triệu USD sẽ do ngân quỹ quốc gia đài thọ.

Theo giải thích của Sang-rok Oh, Giám đốc dự án, hiện đã phát minh ra hai mẫu người máy. Kiểu robot cảnh sát dùng để thay thế cho các nhân viên cảnh sát đi tuần ban đêm và có khả năng theo dõi kẻ phạm pháp.

Robot này có hình dạng một con thú di chuyển với 6 bánh xe, nhưng cũng có thể với 8 bánh xe. Nó được điều khiển từ xa (Remote Control System) hoặc cũng có thể bằng "Não thông minh nhân tạo".

Để giảm thiểu tốn kém, các nhà khoa học chú trọng nhiều đến cách điều khiển (từ xa không dây) các bộ phận đặt trong thân robot, còn những phần phía ngoài sẽ được triển khai bằng các phần cứng và phần mềm.

Ngoài mục đích phục vụ an ninh và quốc phòng, các nhà khoa học cũng hy vọng robot này sẽ được các khách hàng tư nhân chú ý đến để mua về sử dụng cho mục đích riêng.

Có thể cuối năm nay, các nhà khoa học sẽ đưa ra một kiểu robot được điều khiển bởi các phần cứng và phần mềm có thể giúp lau chùi bụi, giữ trẻ, thợ máy phụ hay quản gia canh gác nhà... Giá thành mỗi robot gia dụng này từ 1-2 triệu won (tương đương 800-1.600 euro).

Giá này chắc chắn rẻ hơn nhiều các robot do Nhật Bản sản xuất. Dự tính sẽ có khoảng 3.000 robot gia dụng được bán trên thị trường Hàn Quốc vào cuối năm nay. Theo ý kiến của Wolfram Burgard, một chuyên gia về robot của Đại học Freiburg (Đức), "chúng ta đang đứng giữa ranh giới về thị trường thương mại và kỹ thuật".

Trong lĩnh vực an toàn, robot là giải pháp rất hữu hiệu, ví dụ như áp dụng trong các hệ thống báo động, hay để thực hiện các công việc nguy hiểm thay cho người chẳng hạn.

Tại thành phố Daejeon của Hàn Quốc, một nhà máy sản xuất vũ khí đã thiết kế và cho ra đời một loại robot chiến binh - súng đặt trên tháp pháo. Thứ vũ khí này có khả năng nhận dạng, truy tìm và nhắm bắn mục tiêu không cần có sự can thiệp của con người. Đây là robot sát thủ - những người lính không bao giờ ngủ. Tuy nhiên, chúng cũng là kẻ giết người hàng loạt nếu không có sự giám sát chặt chẽ của con người.
Trường Vân
.
.
.