Gái bán hoa U80, U90 chật vật kiếm sống ở Hàn Quốc

Thứ Năm, 06/04/2017, 09:58
Những cụ bà bán dâm và cả các khách hàng của họ vừa đáng thương vừa bị khinh bỉ tại Hàn Quốc. Họ là góc khuất sau sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc cũng như sự suy thoái trong mối quan hệ cha mẹ - con cái truyền thống.

Từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, chỉ riêng tại khu vực Jongno, trung tâm Seoul số phụ nữ lớn tuổi bán dâm đã đạt tới con số 300 - 400 người.

“Này, anh có muốn “vui vẻ” không? Tôi sẽ chiều anh hết mình”, một cụ bà 76 tuổi, chân tập tễnh, mời chào khi một phóng viên tới gần.

Khoảng chục người đàn ông tụ tập ở một trung tâm thương mại nhỏ gần rạp chiếu phim của Hàn Quốc tán gẫu hoặc ngắm người qua lại. Vài phụ nữ cao tuổi lẫn vào trong đó, thi thoảng gạ gẫm người qua đường "vui vẻ" với mình tại các nhà nghỉ xung quanh. Bà là một trong nhiều phụ nữ già đang chật vật kiếm sống qua ngày bằng nghề bán dâm ở trung tâm Seoul.

Dù hồi đầu năm, cảnh sát Hàn Quốc đã tổ chức trấn áp và bắt giữ 33 đối tượng, trong đó có một cụ bà 84 tuổi, nhưng những phụ nữ bán dâm này vẫn thường xuyên xuất hiện quanh rạp Piccadilly ở khu Jongno, thành phố Seoul. Họ được gọi là "những bà cô Bacchus", xuất phát từ tên của một loại nước tăng cường sinh lực mà các gái bán dâm thường bán cho khách hàng.

Một phụ nữ già trước rạp Piccadilly ở Seoul, nơi các gái bán dâm cao tuổi chào mời khách.

Những cụ bà bán dâm và cả các khách hàng của họ vừa đáng thương vừa bị khinh bỉ tại Hàn Quốc. Họ là góc khuất sau sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc cũng như sự suy thoái trong mối quan hệ cha mẹ - con cái truyền thống. Khi những người thuộc tầng lớp trung lưu quá bận bịu với công việc và thăng tiến cũng là lúc những người già và người nghèo bị bỏ mặc và phải tự lo cho cuộc sống của mình.

Dù nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng mạnh mẽ sau thập niên 1950 của thế kỷ trước, nhưng rất nhiều phụ nữ nước này không được hưởng những cơ hội giáo dục và việc làm bình đẳng từ khi còn trẻ, do văn hóa trọng nam khinh nữ. Khi đã cao tuổi, họ phải đối mặt với những tình cảnh như mất chồng, ly hôn hoặc bị con cái bỏ rơi, không được hưởng chế độ xã hội đầy đủ. Họ bị đẩy vào con đường mại dâm. Một số phụ nữ kiếm tiền bằng cách uống rượu với những người đàn ông già và thỉnh thoảng quan hệ tình dục với họ.

Từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, chỉ riêng tại khu vực Jongno, số lượng các "bà cô Bacchus" đã đạt tới con số 300 - 400 người, theo Lee Hosun, giáo sư Đại học Soongsil Cyber Hàn Quốc, người đã trực tiếp phỏng vấn hàng chục phụ nữ trong số đó. Hiện nay, sau cuộc truy quét của cảnh sát, con số này đã giảm xuống còn khoảng 200 người, hầu hết trong độ tuổi 60 -70, với khoảng 20 phụ nữ thường xuyên hoạt động quanh trung tâm thương mại Piccadilly.

Hàng trăm "bà cô Bacchus" khác được cho là đang kiếm sống trên khắp cả nước. Mại dâm là hoạt động bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Các khu phố đèn đỏ truyền thống cũng đang dần biến mất khi những dự án tái quy hoạch đô thị diễn ra ở những khu dân cư cũ. Tuy nhiên, bất chấp các cuộc trấn áp của cảnh sát, những "bà cô Bacchus" vẫn lén lút hoạt động trong bóng tối.

Công viên Jongmyo, Seoul, một trong những địa bàn chính của các gái bán dâm cao tuổi.

"Tôi biết không nên làm điều này", cụ bà bán dâm với đôi chân tập tễnh đồng ý trò chuyện với phóng viên ở một quán cafe vì đang "ế khách". "Nhưng không làm thế này thì chỉ có chết đói". Bà không dám nói tên vì sợ gia đình phát hiện ra mình hành nghề mại dâm.

Khoảng 20 năm trước, người phụ nữ bắt đầu bán thức uống tăng lực Bacchus. Vài năm sau, bà bắt đầu bán dâm cho đến tận bây giờ để có tiền điều trị bệnh viêm khớp, tiêu tốn khoảng 250USD mỗi tháng. Bà và chồng sống cùng con trai, một công nhân với đồng lương ít ỏi và gia đình anh cũng phải sống dựa một phần vào trợ cấp của chính phủ. "Tất cả phụ nữ ở đây đều giấu gia đình đi làm nghề này", bà nói, mặc chiếc áo kẻ và quần màu xanh thẫm.

Mỗi phụ nữ bán dâm đều có hoàn cảnh riêng của mình. Người có mẹ già đau yếu, người có con bị tàn tật, người thì mù chữ, thất học, người lại bị con cái bỏ rơi. Cũng có người là di dân gốc Triều Tiên từ Trung Quốc đến Seoul để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. "Đó là một bi kịch", giáo sư Lee nói. "Những bà mẹ của chúng ta phải vén váy lên để kiếm tiền vì con cái không thể nuôi họ".

Nguyễn Lai (tổng hợp)
.
.
.