Hàn Quốc:

Nghi án tham nhũng mua chiến đấu cơ F-35

Chủ Nhật, 30/07/2017, 11:06
Cựu Giám đốc Công ty Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) Ha Sung-yong và cựu Giám đốc Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) Chang Myoung-jin đang bị điều tra xung quanh cáo buộc tham nhũng và lơ là để thất thoát công quỹ trong các hợp đồng vũ khí lớn, trong đó có thương vụ mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và sản xuất máy bay chiến đấu nội địa của Hàn Quốc dưới thời cựu Tổng thống Park Geun-hye.


Theo giới truyền thông, ông Ha Sung-yong đang bị nghi tham nhũng hàng tỉ won khi để tập đoàn sản xuất máy bay duy nhất của Hàn Quốc cố tình tăng chi phí phát triển các mẫu máy bay quân sự mới, trong đó có máy bay trực thăng Surion và máy bay huấn luyện phản lực T-50.

Còn ông Chang Myoung-jin bị nghi lơ là trong công tác giám sát khi để KAI tiếp tục cung cấp mẫu máy bay trực thăng Surion bất chấp lỗi động cơ. Giới truyền thông cho biết, cuộc điều tra do Giám đốc Văn phòng Công tố Quận trung tâm Seoul Yoon Seok-youl lãnh đạo (được Tổng thống Moon Jae-in bổ nhiệm hồi tháng 5).

Các nhà điều tra nghi ngờ có tham nhũng trong 2 dự án quốc phòng FX và KF-X, trị giá hàng tỉ USD. Trong đó FX là dự án mua chiến đấu cơ F-35 được thông qua 3 năm trước (2014-2017) có trị giá 6,48 tỉ USD, còn KF-X là dự án chế tạo máy bay chiến đấu nội địa để thay thế chiến đấu cơ F-4 và F-5 của Mỹ với tổng kinh phí 4,48 tỉ USD.

Chiến đấu cơ F-35.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin và bà Choi Soon-sil, bạn thân lâu năm của cựu Tổng thống Park Geun-hye là trung tâm của cuộc điều tra.

Theo giới truyền thông, thời điểm dự án được phê duyệt, ông Kim Kwan-jin đã bảo vệ quyết định mua F-35 khi cho rằng, Hàn Quốc phải đưa ra “quyết định chính trị" trong việc mua máy bay mới cho quân đội.

FX được coi là dự án gây tranh cãi nhiều nhất tại Hàn Quốc bởi Chính phủ thúc đẩy thương vụ mua chiến đấu cơ F-35 vừa đắt vừa không đáng tin cậy thay vì mua F15-SE như khuyến cáo ban đầu của DAPA.

Ngoài ra, việc mua F-35 còn khiến dư luận chỉ trích khi biết hãng Lockheed Martin không trao cho Hàn Quốc 4 công nghệ lõi chế tạo F-35 để nước này có thể áp dụng vào dự án chế tạo máy bay chiến đấu nội địa.

Bởi theo kế hoạch ban đầu, Hàn Quốc sẽ nhận công nghệ liên quan tới radar dò tìm điện tử tích hợp (AESA), dò tìm và theo dõi hồng ngoại (IRST), máy dò hồng ngoại (EOTGP) và RF jammer từ Lockheed Martin. Nhưng sau đó Washington lại cấm chuyển giao số công nghệ này với lý do "an ninh quốc gia".

Dự án sản xuất F-35 do Lockheed Martin thực hiện có chi phí lên tới 392 tỉ USD, là chương trình tốn kém nhất của quân đội Mỹ. Kể từ khi được triển khai đến nay, dự án này liên tục bị trì hoãn trong khi chi phí tăng vọt. Bởi giá của 2.443 chiếc F-35 được đặt mua hiện cao hơn mức dự kiến năm 2001 tới 68%.

Theo đó, mỗi chiếc F-35 có giá 92 triệu USD. Trong một báo cáo được giới truyền thông đăng tải hồi cuối năm ngoái, bà Choi Soon-sil được cho đã giúp Lockheed Martin để ký hợp đồng với Hàn Quốc và nhận “lại quả” lớn.

Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, Lockheed Martin đã bác bỏ mọi cáo buộc về mối quan hệ với bà Choi Soon-sil. Khi đó, giới truyền thông cho rằng, bà Choi Soon-sil và bà Linda Kim, nhà vận động hành lang về vũ khí đã có ảnh hưởng lớn trong thương vụ kể trên.

Nghị sĩ An Min-suk của đảng Dân chủ đối lập từng tuyên bố, Lockheed Martin được hưởng lợi khi giành hợp đồng bán 40 chiến đấu cơ F-35 cho Hàn Quốc hồi tháng 9-2014. Hàn Quốc đã quyết định chi hơn 6,48 tỉ USD để mua 40 chiến đấu cơ F-35 và chiếc F-35 đầu tiên sẽ được giao trong năm 2018.

Về phần mình, Mỹ từng điều tra xung quanh thông tin nói rằng, một số bộ phận của chiến đấu cơ F-35 đã sử dụng phụ tùng được sản xuất tại Trung Quốc. Hãng Bloomberg từng cho biết, Công ty Honeywell International đã hợp tác trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ.

Hơn 4 năm trước (tháng 3-2013), Bộ Tư pháp Mỹ đã liên hệ với Honeywell International, sau khi công ty có trụ sở tại bang New Jersey chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra lệnh miễn trừ cho các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc mà luật pháp Mỹ cấm sử dụng trong năm 2012 và 2013.

Viện lý do sức khỏe, bà Park Geun-hye đã từ chối làm chứng tại phiên tòa xét xử Phó chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong hôm 19-7. Đây là lần thứ hai trong vòng 15 ngày, bà Park Geun-hye đưa ra ý kiến này. Ông Lee Jae-yong bị nghi chi hàng chục triệu USD cho một quỹ phi lợi nhuận của bà Choi Soon-sil, để được chấp thuận một thương vụ sáp nhập gây tranh cãi.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc mới phát hiện thêm một số tài liệu cho thấy, bà Park Geun-hye từng tìm cách hỗ trợ việc thừa kế tài sản bất hợp pháp của ông Lee Jae-yong tại tập đoàn Samsung.

Quốc Dũng
.
.
.