Hàng không cảnh sát xu hướng phát triển chung của cảnh sát nhiều quốc gia

Thứ Năm, 11/02/2016, 08:00
Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc tới phương tiện hàng không phục vụ cảnh sát mọi người thường chỉ nghĩ đến trực thăng cảnh sát. Nhưng gần đây đã xuất hiện cụm từ "hàng không cảnh sát" ngụ chỉ các phương tiện hàng không được sử dụng để phục vụ cho công tác chiến đấu của lực lượng cảnh sát trên thế giới với nhiều loại phương tiện khá đa dạng…


Nơi thành lập đơn vị cảnh sát trên không đầu tiên trên thế giới là Sở Cảnh sát New York (Mỹ). Ngay từ năm 1919, đơn vị này đã được chính phủ trang bị hai máy bay cỡ nhỏ để tuần tra thường xuyên trên phạm vi địa bàn quản lý. Tới năm 1940, các máy bay này được thay thế bằng trực thăng.

Trong nhiều thập kỷ qua, lực lượng cảnh sát các nước đã học tập kinh nghiệm từ cảnh sát Mỹ và tiến tới sử dụng hiệu quả trực thăng trong công tác cảnh sát. Hiện nay, hầu hết cảnh sát các nước tiên tiến trên thế giới đều đã được trang bị trực thăng để làm nhiệm vụ. Trong đó, trực thăng vũ trang được sử dụng phục vụ chiến đấu hoặc tuần tra, trực thăng vận tải để chuyển quân hoặc chuyển trang thiết bị, trực thăng chữa cháy làm nhiệm vụ cứu hỏa…

Thiết bị bay mini của cảnh sát.

Ngoài ra, còn có các loại trực thăng chuyên làm nhiệm vụ trinh sát, cứu thương, chống bạo động hoặc làm nhiệm vụ sở chỉ huy di động trên không. Trực thăng thể hiện tính cơ động cao, khả năng hoạt động linh hoạt đặc biệt tại các khu vực địa hình phức tạp hoặc đô thị…

Trong đó, các mẫu trực thăng được cảnh sát các nước ưa chuộng nhất hiện nay là Eurocopter Super Puma, EC145, Groen Hawk 4 (mẫu trực thăng được cảnh sát Mỹ sử dụng để bảo vệ Thế vận hội mùa đông 2002 tại thành phố Utah). Các trực thăng cảnh sát đều được trang bị các thiết bị chuyên dụng và hiện đại như thiết bị quan sát trong đêm, định vị toàn cầu, camera giám sát, đèn pha cao áp, hệ thống liên lạc radio sóng ngắn, loa công suất cao…

Tại Mỹ, các đơn vị trực thăng cảnh sát đều được kết nối liên lạc với đường dây khẩn cấp 911 để có thể phối hợp xử lý ngay các tình huống khẩn cấp, đảm bảo trong thời gian ngắn nhất tiếp cận được hiện trường hoặc hỗ trợ thông tin.

Máy bay không người lái của cảnh sát Mỹ.

Một số mẫu trực thăng vũ trang chuyên dụng cho quân đội có thể được sử dụng cho cảnh sát như Bell UH -1 - Huey và Sikorsky UH-60 Black Hawk, phục vụ trong lực lượng cảnh sát Colombia và Mexico trong các chiến dịch vũ trang lớn, tấn công các băng nhóm buôn bán ma túy khét tiếng. Những chiếc trực thăng cơ động cao, đầy uy lực đã trở nên quen thuộc, gắn liền với hình ảnh của lực lượng cảnh sát hiện đại. 

Tàu lượn và cả khinh khí cầu với thiết kế đặc biệt cũng đã được lực lượng cảnh sát Mỹ, Hy Lạp và một số nước sử dụng để phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự tại một số sự kiện lớn, trong đó có Thế vận hội Atlanta 1996, Thế vận hội Athens 2004…

Nổi tiếng nhất là khinh khí cầu cảnh sát mang tên Santos- Dumont đã được cảnh sát đặc biệt của Mỹ và Trinidad&Tobago phối hợp sử dụng hiệu quả để cung cấp nhiều thông tin tình báo có giá trị phục vụ bảo vệ thành công Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ tổ chức vào tháng 4-2009 và sau đó là nhiều sự kiện quốc tế lớn khác.

Từ năm 2010, cảnh sát Anh cũng đã phát triển và ứng dụng nhiều loại khinh khí cầu phục vụ cảnh sát, cho thấy hiệu quả cao và giảm được chi phí so với sử dụng máy bay phản lực hoặc trực thăng.

Gần đây, cảnh sát một số nước đã đưa vào ứng dụng thiết bị bay mini cảnh sát. Theo đó, các thiết bị này được thiết kế mô phỏng như máy bay phản lực hoặc trực thăng không người lái, sử dụng nhiên liệu điện, có gắn camera và các thiết bị trinh sát khác để có thể chụp ảnh, cung cấp tin cho lực lượng cảnh sát.

Một đơn vị hàng không cảnh sát.

Với tầm bay cao tối đa khoảng 60m, các thiết bị này đã tỏ ra đặc biệt hữu dụng trong các nhiệm vụ tác nghiệp hoặc chiến dịch tấn công trong khu đô thị có địa hình phức tạp, tính nguy hiểm cao. Với sự trợ giúp hiệu quả từ trên không, các lực lượng cảnh sát ở dưới mặt đất có được thông tin trinh sát đáng tin cậy, sự hỗ trợ về vũ trang, có tính áp chế cao, chỉ định mục tiêu tốt… để nhanh chóng truy bắt đối tượng, ngăn chặn hoặc trấn áp, truy tìm người và phương tiện mất tích.

Hiện nay, nhiều nước đã thành lập các đơn vị hàng không cảnh sát chuyên trách. Các đơn vị này được mang tên "Police 01". Không giống như cảnh sát hàng không làm nhiệm vụ chống không tặc hay tội phạm trên các tuyến hàng không, các đơn vị "Police 01" có trách nhiệm nghiên cứu, phát triển, sử dụng các phương tiện hàng không được trang bị phục vụ cho hoạt động cảnh sát.

Một số mẫu trực thăng siêu gọn nhẹ được thiết kế riêng phục vụ lực lượng cảnh sát cũng đang được nghiên cứu phát triển. Các đơn đặt hàng thiết bị bay của lực lượng cảnh sát các nước đối với các hãng sản xuất cũng hằng năm đều tăng. Đây cũng là xu hướng phát triển mới của công tác cảnh sát trong thực tiễn, phù hợp với sự phát triển chung của khoa học kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

Tại Việt Nam, việc sử dụng thiết bị bay phục vụ công tác cảnh sát đã được lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng khác trong các nhiệm vụ cụ thể và đã có định hướng áp dụng trong thời gian tới. Ngày 9-11-2015, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký và ban hành Thông tư số 60/2015/TT-BCA quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Theo tinh thần tại thông tư này, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn quốc gia được trang bị định mức 1 đến 2 trực thăng chữa cháy và cứu hộ; địa phương loại đô thị đặc biệt được trang bị 1 đến 2 trực thăng loại này và phải có niên hạn sử dụng trong 15 năm. Hiện nay, Việt Nam có hai thành phố được Chính phủ xếp loại đô thị đặc biệt là thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Hải Phòng cũng đang được xem xét là đô thị loại đặc biệt vào năm 2020, muộn nhất là năm 2025. Như vậy, trong thời gian tới, trực thăng sẽ chính thức được trang bị, sử dụng trong lực lượng Cảnh sát nhằm phục vụ phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Đây là điểm khởi đầu để thành lập những đơn vị chính thức về hàng không cảnh sát trong lực lượng Công an Việt Nam đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới.

Vũ Phạm
.
.
.