Hàng không mẫu hạm không chìm bị bắn chìm ngay lần đầu xuất trận

Thứ Ba, 13/03/2012, 18:17
"Tàu sân bay không chìm" lần đầu xuất trận đã bị bắn chìm, hay tàu sân bay hoạt động 10 ngày hay chỉ được khởi công 5 ngày đã bị dừng lại... là những tàu chiến đoản mệnh được biết tới trên thế giới.

Ngay lần đầu xuất trận

Tàu sân bay, hay hàng không mẫu hạm, là một loại tàu chiến được thiết kế để triển khai và thu hồi lại máy bay-trên thực tế hoạt động như một căn cứ không quân trên biển. Vì vậy các tàu sân bay cho phép lực lượng hải quân triển khai không lực ở các khoảng cách lớn không phụ thuộc vào các căn cứ ở gần đó để làm căn cứ trên mặt đất cho máy bay. Các lực lượng hải quân hiện đại với những con tàu như vậy coi chúng là trung tâm của hạm đội, vai trò trước đó do tàu chiến đảm nhận.

Sự thay đổi này, một phần vì sự phát triển của chiến tranh trên không thành một phần quan trọng trong chiến tranh, đã diễn ra trong Thế chiến thứ hai. Các tàu sân bay không có hộ tống được coi là dễ bị các tàu khác, máy bay, tàu ngầm hay phi đạn tấn công và vì thế phải di chuyển trong một đội tàu sân bay. Trong lực lượng hải quân của nhiều nước, tàu sân bay được coi là một niềm tự hào của sự phát triển tiên tiến và hiện đại. Nhưng cũng có khi niềm tin thái quá đã khiến cuộc chiến càng thêm mất mát đau thương. Có những con tàu đã bị hạ gục ngay lần đầu tiên xuất hiện, hay có những con tàu mới được khởi công 5 ngày đã phải dừng lại bởi những lý do không biết bắt đầu từ đâu.

"Tàu sân bay không chìm" lần đầu xuất trận bị bắn chìm

Người ta đã được nghe nhắc đến một chiếc tàu sân bay bọc thép cỡ lớn được nhấn mạnh về khả năng sinh tồn, phòng thủ cao, lần đầu tiên xuất trận đã bị ngư lôi tấn công làm rò rỉ dầu, bị bốc cháy và vùi thân nơi biển cả. Không ai có thể tin được rằng một chiếc tàu sân bay, với những thiết kế hiện đại và chắc chắn lại có thể bị bắn chìm ngay lần đầu tiên xuất hiện. Đó chính là tàu sân bay cỡ lớn tiên tiến nhất Taiho được Hải quân Nhật Bản chế tạo trong Chiến tranh thế giới thứ II. Đây không phải là tàu sân bay đầu tiên xuất hiện nhưng nó đã trở thành một con tàu nổi tiếng bởi tuổi thọ quá ngắn của nó.

Tàu sân bay Taiho được thiết kế với tư cách là tàu kế tiếp của tàu sân bay chủ lực lớp Shokaku trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khởi công tại nhà máy đóng tàu Kobe ở Kawasaki vào tháng 7 năm 1941, cách thời điểm nổ ra cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Kế hoạch gốc được hoàn thành vào tháng 6 năm 1944, nhưng tình hình tiền tuyến sau cuộc hải chiến đảo Midway ngày càng ác liệt, các cuộc chiến liên tục nổ ra khiến các nhà chức trách quân sự phải đau đầu. Các tàu sân bay hiện đại đều bị thiệt hại rất lớn. Để kịp thời hoạt động mà không gây ra bất cứ một nghi ngờ nào cho phía đối phương, Nhật đã đẩy nhanh tiến độ công trình đơn giản hóa tàu sân bay Taiho. Đẩy nhanh tiến độ nhưng không vì thế mà cắt giảm bớt các chi tiết kỹ thuật. Ngày 7 tháng 4 năm 1943 Taiho được hạ thủy, đầu tháng 2 năm 1944 lắp ráp trang bị cuối cùng, tháng 3 được biên chế cho Hải quân Nhật Bản.

Dù vậy, công nhân đóng tàu hay quan chức Hải quân Nhật Bản đều rất tự hào và tin tưởng vào tàu sân bay Taiho. Thậm chí, khi đó có người còn viết lên thành tàu là “tàu sân bay số 1 thế giới”. Các thông số kỹ thuật như sau: lượng choán nước chuẩn 29.300 tấn, lượng choán nước thực tế 32.400 tấn, lượng choán nước tối đa 37.268 tấn, dài 260,6 m, rộng 27,7 m, nước ăn 9,67 m, tốc độ 33,3 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục 10.000 hải lý với vận tốc 18 hải lý/giờ, 1.751 thủy thủ, trang bị 12 cỗ pháo cao xạ 100 mm, 51 khẩu pháo 25 mm, 61 máy bay. Lớp bọc thép được tăng dày ở các bộ phận quan trọng như kho chứa máy bay, cầu và khoang động cơ.

Có thể nói, chiếc tàu sân bay tinh nhuệ này đã thay đổi phong cách thiết kế truyền thống của tàu sân bay Nhật Bản, áp dụng nhiều thiết kế sáng tạo mới, tập trung tinh hoa công nghệ, tăng cường khả năng phòng thủ thiết giáp. Vì vậy, Hải quân Nhật Bản kiêu căng gọi là “tàu sân bay không chìm”. Chính vì cái tên của chiếc tàu sân bay này đã khiến rất nhiều người không khỏi tò mò bởi vào thời điểm đó có rất nhiều tàu sân bay đang bị đe doạ.

Vào ngày 19 tháng 6 năm 1944, tàu sân bay không chìm của Nhật trở thành soái hạm của phó đô đốc Jisaburo Ozawa, tư lệnh lực lượng tàu sân bay Nhật Bản trong trận chiến biển Philippines. Vào một ngày đẹp trời, Jisaburo Ozawa được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng trên tàu sân bay Taiho. Khỏi phải nói ông đã cảm thấy vui sướng và tự hào đến mức nào. Thời tiết khá đẹp cho sự khởi đầu. Jisaburo Ozawa cùng đồng đội của mình đã tận mắt chứng kiến con tàu Taiho thể hiện bản lĩnh của mình. Tính đến thời điểm này thì tàu Taiho hoạt động được 3 tháng, quân Mỹ đổ bộ lên đảo Saipan, Nhật điều Hạm đội cơ động số 1 gồm 9 tàu sân bay (đứng đầu là Taiho) và 50 tàu chiến chạy hướng Philippines.

Sáng ngày 19 tháng 6, sau khi nhận được báo cáo về vị trí hạm đội của quân Mỹ, tàu sân bay Taiho tiến lên phía trước, cho 16 máy bay Zero, 17 chiếc Comet và 9 chiếc Thiên Sơn cất cánh, hội hợp với các máy bay cất cánh từ Shokaku và Zuikaku, hợp thành một nhóm tấn công lớn nhất của Nhật Bản bay sang hướng Đông.

Đồng thời, tàu ngầm ALBACORE, SS-218 của quân Mỹ lấy Taiho làm mục tiêu, đã phóng 6 quả ngư lôi. Trong đó, 5 quả trước đều không trúng, chỉ có quả ngư lôi thứ 6 đã bắn trúng mạn tàu gần thang máy phía trước của Taiho.

Ban đầu, quả ngư lôi này hoàn toàn không gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho tàu Taiho, tàu vẫn chạy như thường, chỉ có tốc độ là giảm 1 hải lý/giờ, chỉ là thang máy phía trước chịu cú sốc dừng lại giữa đường, dẫn đến máy bay không thể cất cánh, thế là các thủy thủ vội vã tìm các vật liệu để bổ sung cho cửa thang máy để khôi phục khả năng cất/hạ cánh.

Tuy nhiên, khoang dầu phía trước bị vỡ nham nhở, dầu khí rò rỉ và tràn ra kho chứa máy bay, nhân viên trên tàu đã phát hiện và thực hiện biện pháp thông gió cưỡng chế, liên tục có người bị hôn mê vì hít phải khí độc. Khi đó, biện pháp hiệu quả nhất là dỡ bỏ vật tắc nghẽn ở cổng thang máy phía trước, nhưng để không gây trở ngại cho máy bay xuất kích, đã không thực hiện biện pháp này.

14 giờ 32 phút chiều, dầu khí gặp lửa đã bùng cháy, gây cháy lớn cả tàu, sàn tàu cũng lồi lên biến dạng, ngọn lửa ngút trời, âm thanh nghe thấy xa hơn 10 dặm. Ozawa tỏ ra không lo lắng trước các thiệt hại và tiếp tục tung ra thêm hai đợt máy bay tấn công khác. Trong khi đó, một sĩ quan chưa có kinh nghiệm đảm trách công việc cứu hộ. Anh ta cho rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề hơi xăng là phải mở hệ thống thông khí của toàn thể con tàu để chúng phân tán.

Khoảng 15 giờ 30 phút, Taiho rung chuyển bởi một vụ nổ lớn. Một sĩ quan tham mưu cao cấp trên cầu tàu trông thấy sàn đáp bị nhấc lên, trong khi thành tàu bị thổi tung ra. Chiếc Taiho bị tách khỏi đội hình và bắt đầu chìm xuống nước. Mặc dù Đô đốc Ozawa tỏ ý mong muốn cùng được chết với con tàu, các sĩ quan tham mưu đã thuyết phục được ông cố sống và chuyển bộ chỉ huy sang chiếc tàu tuần dương Haguro.

Mang theo tấm ảnh của Nhật Hoàng, Ozawa chuyển sang chiếc Haguro bằng một tàu khu trục. Sau khi ông rời tàu, Taiho bị xé ra bởi một vụ nổ kinh hoàng thứ hai và chìm xuống biển với phần đuôi trước, mang theo 1.650 sĩ quan và thủy thủ đoàn. Đây là một vụ chìm tàu sân bay kinh hoàng nhất xảy ra trong lực lượng Hải quân Nhật Bản.

Pháo đài kiên cố nhất trên biển "sống" 10 ngày rồi ra đi...

Shinano là tàu sân bay lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản. Shinano vốn là tàu thứ ba của loạt tàu Yamato của Hải quân Nhật Bản, tàu sân bay cải tạo trong kế hoạch tăng tàu sân bay sau hải chiến Midway. Shinano đã thừa hưởng phong cách thiết kế tàu bọc thép hạng nặng Taiho, tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng thủ, về lý thuyết thì đây là một pháo đài trên biển kiên cố nhất. Tuy nhiên, trong cải tạo thời chiến khẩn cấp, để rút ngắn thời gian, công trình cố gắng đơn giản hóa, chất lượng chế tạo là đáng lo ngại, tồn tại rất nhiều mầm họa, khi hoàn thành đã lược bớt bộ phận, vội vã thử nghiệm và đưa vào hoạt động.

Ngày 19 tháng 11 năm 1944, Shinano được hoàn thành, thông số hoạt động là: lượng choán nước chuẩn 62.000 tấn, lượng choán nước thực tế là 68.060 tấn, lượng choán nước tối đa là 71.890 tấn, dài 266 m, rộng 36,3 m, nước ăn 10,31 m, tốc độ 27 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục 10.000 hải lý với vận tốc 18 hải lý/giờ, thủy thủ biên chế 2.515 người. Cho đến trước khi tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ đi vào hoạt động, nó luôn là tàu sân bay có trọng tải lớn nhất thế giới.

Tháng 11 năm 1944, máy bay ném bom B-29 của quân Mỹ bay sát bầu trời Tokyo, quân đội Nhật Bản phán đoán quân Mỹ có khả năng xác định nhà máy đóng tàu Yokosuka là một mục tiêu không kích. Khi đó, tàu sân bay Shinano không đủ vũ khí, không có máy bay, như một cục sắt to mà vô dụng, để nó ở vịnh Tokyo thì chỉ trở thành bia ngắm của B-29. Vì vậy Tư lệnh Hạm đội liên hợp Hải quân Nhật Bản đã lệnh cho Toshio Abe, chỉ huy tàu Shinano đưa tàu trở lại phía tây Sedonaikai, ý là để tàu Shinano chuyển tới vùng biển an ninh hơn, đồng thời tới cảng Kure hoàn thiện nốt.

13 giờ 30 phút chiều 28 tháng 11, tàu Shinano vận chuyển phần lớn thủy thủ và số ít công nhân rời cảng Yokosuka, bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên. Hộ tống đi theo là các tàu chiến Isokaze, Hamakaze và Yukikaze. Trong đó, Yukikaze là tàu an toàn hàng đầu nổi tiếng trong Hải quân Nhật Bản, nhiều lần chiến đấu mà hiếm khi bị thiệt hại, còn những chiến hữu khác thường gặp đen đủi, như những chiếc "sao chổi". Người Nhật không tin cậy chúng, nên để Yukikaze đi hộ tống, báo trước số phận của chiếc tàu sân bay này.

20 giờ địa phương, tàu ngầm Archerfish của quân đội Mỹ vốn đang tự do tuần tra, có ý định cứu vớt phi công của B-29 bị rơi, đã phát hiện ra tàu sân bay Shinano, và bắt đầu truy kích. 3 giờ sáng 29, Archerfish đã nắm bắt được cơ hội tốt, ở khoảng cách 1.280 m lần lượt phóng 6 quả ngư lôi MK14-3A, tốc độ 46 hải lý/giờ, sâu 3 m, chưa đến một phút quả ngư lôi đầu tiên đã bắn trúng đuôi tàu phải của Shinano, sau đó có thêm 3 quả trúng.

Tàu chiến đã chòng chành, nhưng kẻ tự mãn Toshio Abe lại cho rằng mấy quả ngư lôi chẳng thể làm gì được vỏ của Shinano, sau khi điều chỉnh độ lệch lại tiếp tục cho tàu chạy về phía trước với vận tốc 18 hải lý/giờ. Đến 6 giờ sáng, các thủy thủ kinh ngạc phát hiện thấy Shinano mất hết sức lực, nghiêng phải 20 độ, trôi dạt theo sóng biển. Isokaze và Hamakaze cố gắng kéo Shinano vào bờ, nhưng đến 9 giờ 35 phút sáng, tàu nghiêng sang phải đã 35 độ, Toshio Abe cho rằng lực bất tòng tâm, ra lệnh bỏ tàu, 1.435 người gồm cả chỉ huy Toshio Abe đã chìm xuống biển cùng Shinano.

Tàu Shinano mất đến 6 năm trời, đổ vào biết bao tâm huyết, được coi là tàu khủng, ngọn cỏ cuối cùng cứu vãn vận nước Nhật Bản, kết quả là chưa phóng 1 quả đạn nào, chưa có máy bay nào cất/hạ cánh, đã hóa thành cái xác an nghỉ dưới biển sâu với rong rêu, ngay cả Nhật hoàng Hirohito khi nghe được việc này cũng phải thốt lên một tiếng thở dài.

Sau đó, Hải quân Nhật Bản đã thành lập một Ủy ban điều tra đặc biệt. Qua điều tra, Ủy ban cho rằng do vội vã hoàn thành, tàu Shinano không thể được thử nghiệm toàn diện, thân tàu chất lượng kém. Ngoài ra, thủy thủ phần lớn là tân binh, thiếu huấn luyện nghiêm trọng, kỹ thuật chưa thạo, ý chí sa sút, khi khủng hoảng xảy ra thì hốt hoảng sợ hãi, không thể tiến hành cứu hộ hữu hiệu, cuối cùng dẫn đến chìm tàu. Ngoài ra, theo điều tra của quân Mỹ sau chiến tranh, sự kết hợp giữa vỏ bọc thép tàu Shinano và bộ phận lồi ra chống ngư lôi của nó còn tồn tại khiếm khuyết về thiết kế, còn ngư lôi Archerfish định vị khá đơn giản, phá nát lớp vỏ yếu này, làm thân tàu bị phá hỏng khá lớn.

Dự án mới khởi công 5 ngày đã phải dừng lại

Sau vài năm tính toán, ngày 29 tháng 7 năm 1948, Tổng thống Truman phê chuẩn chế tạo một siêu tàu sân bay, kinh phí chế tạo được lấy từ Luật ngân sách Hải quân năm 1949.

Sau thế chiến, America (CVA58) là tàu sân bay đầu tiên được khởi công ngày 18 tháng 4 năm 1949. Tàu sân bay này có thể mang theo máy bay sử dụng vũ khí hạt nhân. Thân tàu được thiết kế hoàn toàn mới, dài hơn 300m, không có đảo tàu, lắp 4 thang máy và 4 máy phóng đạn, chi phí chế tạo ước tính khoảng 19 triệu USD. Còn 39 tàu chiến khác làm nhiệm vụ hộ tống hoặc chi viện cho tàu sân bay này phải chi 1,265 tỷ USD. Tàu America còn có thể thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến thuật đổ bộ hoặc trên không và làm chủ trên biển, nhưng nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tàu America là làm đường băng cất/hạ cánh cho lực lượng tấn công hạt nhân chiến lược tầm xa.

Không quân coi tàu America là một biểu hiện cụ thể mà hải quân hy vọng có được khả năng tấn công hạt nhân, và coi nó là một cuộc thử nghiệm của hải quân thách thức địa vị độc quyền của không quân đối với vũ khí hạt nhân chiến lược. Tuy nhiên, phần lớn người của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho rằng, siêu tàu sân bay trên thực tế trùng điệp với chức năng chính của không quân (trong tấn công hạt nhân). Vì vậy, trong tình hình ngân sách có hạn, Lục quân và Không quân đều phản đối siêu tàu sân bay của Hải quân. Bộ trưởng Quốc phòng Louis Johnson ngày 23 tháng 4 năm 1949 đã công bố dừng chế tạo tàu America khi mới khởi công chỉ có 5 ngày

Trần Tú - Phương Mai
.
.
.