1 năm sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ:

Hàng nghìn cảnh sát bị sa thải

Thứ Tư, 19/07/2017, 19:19
Vụ đảo chính bất thành không những làm gần 250 người chết (không kể 24 phần tử bị tiêu diệt ngay trong tối 15-7-2016), mà còn khiến 50.000 người bị bắt, 150.000 người bị sa thải, trong đó có hàng nghìn cảnh sát.


Bởi họ bị tình nghi có liên quan tới giáo sỹ Fethullah Gulen (đang sống lưu vong tại Mỹ), người bị Ankara coi đứng sau vụ đảo chính hôm 15-7-2016. 

Theo giới truyền thông, ngày 14-7, Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải 7.000 cảnh sát, binh sỹ và quan chức thuộc các bộ ngành. Đây là vụ sa thải mới nhất và được thực hiện chỉ một ngày trước thời điểm tròn 1 năm xảy ra cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. 

Trước đó, 144 cảnh sát, binh sỹ và công tố viên đã bị bắt vì tình nghi có liên quan tới mạng lưới của giáo sỹ Fethullah Gulen. Và việc này diễn ra khi cảnh sát tiến hành các cuộc đột kích tại 42 tỉnh thành. 

Giới truyền thông từng đưa tin, hơn 9.000 cảnh sát đã bị đình chỉ công tác vì bị cáo buộc có liên quan tới giáo sỹ Fethullah Gulen. 

Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu từng tuyên bố, đây là một phần trong chiến dịch nhằm vào mạng lưới của giáo sỹ Fethullah Gulen đã thâm nhập vào lực lượng cảnh sát. Ông Suleyman Soylu cho biết, những kẻ thâm nhập vào lực lượng cảnh sát được gọi là "thầy tế ngầm". 

Được biết, hàng nghìn cảnh sát đã được huy động để truy bắt "thầy tế ngầm". Hơn 1 tháng trước (14-6), cảnh sát đặc nhiệm đã bắt 189 luật sư trong một phần của cuộc điều tra nhằm vào những người ủng hộ giáo sỹ Fethullah Gulen. Cảnh sát cũng từng bắt 78 luật sư bị tình nghi sử dụng ByLock, một ứng dụng tin nhắn được mã hóa chuyên dành cho những người ủng hộ giáo sỹ kể trên.

Lực lượng cảnh sát xung đột với binh sỹ đảo chính hôm 15-7-2016.

Ngày 15-7, hàng nghìn người dân đã diễu hành qua các tuyến phố ở Istanbul để kỷ niệm 1 năm ngày diễn ra vụ đảo chính bất thành. Cùng ngày 15-7, Tống thống Recep Tayyip Erdogan đã đe dọa chặt đầu "những kẻ phản bội". Đồng thời tái khẳng định sẽ phê chuẩn nếu Quốc hội thông qua bất kỳ dự luật nào về việc khôi phục án tử hình. 

Trước đó, ông Recep Tayyip Erdogan còn tuyên bố, Ankara chưa thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong tình hình hiện nay. Theo ông Recep Tayyip Erdogan, tình trạng khẩn cấp chỉ kết thúc sau khi các vấn đề an ninh được giải quyết. 

Gần 2 tháng trước (22-5), Thổ Nhĩ Kỳ đã khai đình xét xử hơn 220 nghi can, trong đó có 26 cựu tướng lĩnh, bị cáo buộc cầm đầu cuộc đảo chính hôm 15-7-2016. Phiên xét xử diễn ra bên trong một nhà tù ở Sincan, ngoại ô Thủ đô Ankara. 

An ninh đã được siết chặt tại nhà tù này trong thời gian diễn ra phiên xét xử. Trong số những người phải hầu tòa có cựu chỉ huy lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ Akin Ozturk. 

Theo tờ Hurriyet, các nghi can kể trên bị truy tố với nhiều tội danh, trong đó có sử dụng vũ lực để âm mưu lật đổ Quốc hội và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, hành hình 250 người dân và âm mưu sát hại 2.735 người khác. 

Trước đó (tháng 2-2017), cũng tại nhà tù kể trên, tòa án Thổ Nhĩ Kỳ cũng khai đình xét xử 330 nghi can với bị cáo buộc giết người hoặc âm mưu giết người trong cuộc đảo chính bất thành. 

Theo thống kê, trong 1 năm qua, đã có nhiều chiến dịch bắt bớ diễn ra và cảnh sát là người thực hiện công việc này. Ankara cũng thông báo, sẽ tước quốc tịch của 130 công dân nước này đang lưu vong ở nước ngoài, trong đó có giáo sỹ Fethullah Gulen, nếu không trình diện trong vòng 3 tháng kể từ khi có lệnh triệu tập.

Ngày 11-7, hãng thông tấn quốc gia Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, chính quyền đã ra lệnh bắt 105 người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin do nghi ngờ liên quan tới âm mưu đảo chính quân sự. Trong số những người bị bắt có cựu nhân viên của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Thổ Nhĩ Kỳ (TUBITAK). 

Trước đó (10-7), 72 cán bộ đại học, trong đó có cựu cố vấn của thủ lĩnh phe đối lập, đã bị bắt. Lệnh bắt được đưa ra sau cuộc điều tra các hoạt động của Giáo sỹ Fethullah Gulen. Trong số 72 người kể trên có 42 cán bộ của 2 trường đại học uy tín Bogazici và Medeniyet tại Istanbul. 

Ngày 9-7, lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập Kemal Kilicdaroglu cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang sống dưới một chế độ độc tài, và cam kết sẽ tiếp tục thách thức Chính phủ sau khi hoàn thành cuộc diễu hành phản đối kéo dài 25 ngày từ Ankara tới Istanbul. Trong số những người bị bắt dư luận quan tâm tới ông Birol Erdem, trưởng cố vấn của Thủ tướng Binali Yildirim, từng là Thứ trưởng Bộ Tư pháp. 

Quỹ Bảo hiểm tiết kiệm và tiền gửi Thổ Nhĩ Kỳ (TMSF) cho biết, Ankara đã nắm quyền kiểm soát hoặc bổ nhiệm lãnh đạo mới đối với 879 công ty, với tổng tài sản trị giá 40,3 tỷ lira (khoảng 11,32 tỷ USD). Ngoài ra, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ còn đóng cửa 147 công ty truyền thông và động thái này diễn ra sau vụ đảo chính bất thành.

Nhiệm Bình
.
.
.