Gia tăng những vụ buôn nội tạng người khét tiếng và tàn bạo

Hàng quá khan hiếm thì tội phạm không ngại giết người hàng loạt

Thứ Bảy, 25/10/2014, 11:01

Buôn bán nội tạng người sống đang là một vấn đề ngày càng đáng lo ngại ở nhiều nước trên thế giới. Tuy rất nhiều đường dây đã bị phanh phui và xử lý, song do nhu cầu cấy ghép cao nên không ít kẻ bất chấp tất cả để thu lợi.

Mua bán dễ như Iphone, Ipad ở Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những thị trường mua bán nội tạng sống bất hợp pháp lớn nhất thế giới, nhất là thận.

Mặc dù từ năm 2007, chính phủ nước này đã nghiêm cấm các tổ chức và cá nhân buôn bán nội tạng dưới mọi hình thức, song các rao vặt kiểu như "Bán quả thận để mua iPad!" xuất hiện nhan nhản trên Internet. Những kẻ đăng tin mua thường hứa hẹn sẽ trả khoảng 4.000 USD cho một quả thận và việc cắt lấy thận diễn ra trong vòng 10 ngày.

Phần lớn bệnh nhân trên thế giới thích đến Trung Quốc để tìm nội tạng cấy ghép với mức giá lên tới 200.000 USD cho một quả thận mua ở chợ đen. Trong khi đó, những người bán nội tạng chỉ được trả chưa tới 5.000 USD.

Năm 2013, cảnh sát Trung Quốc đã triệt phá một đường dây lớn chuyên buôn lậu nội tạng người, bắt 137 nghi phạm và giải cứu 127 người bán nội tạng. Hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn nguồn từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết, mạng lưới tội phạm này dụ dỗ người bán nội tạng qua Internet, mua rẻ nhưng bán với giá cắt cổ cho bệnh nhân.

Vì tiền, bọn buôn bán nội tạng sẵn sàng làm tất cả.

Cùng năm, Trung Quốc cũng chứng kiến một vụ án kinh hoàng. Đối tượng Zhang Yongming, 56 tuổi, giết người hàng loạt ở tỉnh Vân Nam rồi đem nội tạng ra chợ bán. Theo kết quả điều tra, trong 4 năm, Zhang đã giết 11 thanh thiếu niên trong tổng số 17 người được thông báo mất tích tại làng Nanmen, nơi y sinh sống. Tên này sau đó đã bị Tòa án Côn Minh ở tỉnh Vân Nam tuyên án tử hình.

Một đường dây buôn bán nội tạng người với những thủ đoạn tàn nhẫn khác cũng đã bị các nhà chức trách Trung Quốc phanh phui. Vụ việc bắt đầu sau khi Dương Niệm, 19 tuổi, tố cáo với công an về việc bị các đối tượng lừa bán gan.

Do nhà nghèo, nghe tin bán nội tạng được nhiều tiền nên Dương Niệm đã lên mạng tìm môi giới và gặp ngay "cò mồi" báo giá: "Bán thận giá 45.000 tệ, bán gan giá 40.000 tệ". Chấp nhận mức giá trên, Niệm được đưa đến gặp Lưu Cường Thắng, một ông trùm buôn nội tạng ở Bắc Kinh. Sau đó, anh được làm giả chứng minh thư thành cháu ruột của người nhận gan.

Nhiều đàn ông Pakistan bị lừa bán thận.

Sau hơn 10 giờ phẫu thuật, Niệm chỉ còn lại 40% buồng gan. Sau khi xuất viện, Niệm nhận được 25.000 tệ, còn trùm Thắng giữ lại 10.000 tệ với lý do "phí ăn ở, làm thủ tục". Không chấp nhận, Niệm tìm đến chỗ ở của Thắng và bị đuổi đánh. Đường cùng, nạn nhân báo công an và từ những thông tin này, đường dây buôn nội tạng bị đưa ra trước công lý.

Hàng chục ngàn quả thận được ghép bất hợp pháp

Ngoài Trung Quốc, ở một số nước như Ukraine, Mozambique, Israel, Ai Cập, Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi... các hoạt động buôn bán nội tạng sống cũng diễn ra nhộn nhịp.

Năm 2010, Tòa án Tội phạm thương mại thành phố Durban của Nam Phi đã tuyên phạt Bệnh viện Netcare KwaZulu thuộc Tập đoàn Netcare 1,2 triệu USD vì đã thực hiện 109 ca phẫu thuật ghép thận "chui" trong 2 năm, từ năm 2001 đến 2003. Netcare cũng thừa nhận đã kiếm được 3,8 triệu rand, (khoảng 550.000 USD) từ những kẻ buôn nội tạng, trong đó có cả những vụ lấy thận của 5 trẻ em.

Trong một vụ việc khiến dư luận thế giới choáng váng, ba bác sĩ và người cầm đầu trong một đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia đã bị bắt giữ ở Ukraine sau khi hơn 30 người bán thận gửi đơn kêu cứu lên cơ quan cảnh sát vì không được thanh toán tiền.

Phần lớn khách hàng của các đối tượng này là người Ukraine di trú. Mỗi ca bán thận, nhóm kiếm được số tiền lên tới 200.000 USD và dùng các khoản thu nhập này đầu tư vào bất động sản lên tới hàng triệu đôla.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 70.000 quả thận được ghép cho các bệnh nhân trên toàn cầu, trong đó có khoảng 15.000 quả thận có nguồn gốc từ thị trường mua bán nội tạng bất hợp pháp

Minh Trường (tổng hợp)
.
.
.