Hàng trăm tỷ vàng và tiền mặt đang lặng lẽ biến mất

Thứ Hai, 23/12/2019, 12:00
Một điều kỳ lạ đang diễn ra: cùng lúc các ngân hàng trung ương đang bơm 100 tỷ đô la mỗi tháng bằng tiền điện tử để chống lại sự biến động và lao dốc của thị trường, một lượng tương tự tiền giấy và kim loại quý thực sự đang biến mất.


1.200 tấn vàng chảy đi đâu?

Goldman Sachs gần đây đã nêu trường hợp của vàng, nói rằng "trường hợp chiến lược của vàng vẫn còn mạnh". Một lý do cho điều này là khi một ngân hàng trung ương ồ ạt in tiền, họ cũng vung tiền mua vàng. Và "sự không chắc chắn về địa chính trị" đã làm gia tăng kỷ lục về nhu cầu vàng của chính các ngân hàng trung ương. 

"Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua vàng với tốc độ rất mạnh. Năm 2019 có vẻ là năm kỷ lục đối với giao dịch mua vàng của các ngân hàng trung ương với mục tiêu là 750 tấn", Goldman lưu ý.

Nhưng chính một phát hiện khác của Goldman đã thu hút sự chú ý của giới quan sát toàn cầu. Theo ngân hàng này, đã có một lượng lên đến 1.200 tấn (khoảng 57 tỷ đô la) dòng chảy vàng "không giải thích được" chỉ trong 3 năm. Như Mikhail Sprogis của Goldman viết: "Rủi ro chính trị gia tăng - cùng với lãi suất âm của châu Âu - có thể là một lý do quan trọng đằng sau phần lớn đầu tư vàng không được tính trong nhiều năm qua”.

Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng thế giới và GFMS, nhu cầu vàng không giải thích được đã tăng mạnh kể từ năm 2016. "Có thể thấy rằng kể từ cuối năm 2016, các khoản đầu tư vàng không minh bạch lớn hơn nhiều so với việc đầu tư qua các quỹ ETF vàng có thể nhìn thấy được”. Nói cách khác, Goldman chỉ ra rằng trong 3 năm qua, đã có hàng chục tỷ USD vàng đã biến mất một cách bí ẩn và không thể giải thích được khỏi hồ sơ chính thức.

Nhưng không chỉ có vàng đang biến mất, mà theo Wall Street Journal (WSJ), tiền mặt của thế giới cũng vậy. Thật vậy, trong khi các ngân hàng đang in rất nhiều tiền hơn bao giờ hết, thế nhưng nó dường như đang "biến mất khỏi mặt đất" mà không ai biết nó ở đâu và tại sao, hoặc như WSJ lưu ý, "các ngân hàng trung ương không biết chúng đã đi đâu, hoặc tại sao”.

Tiền mặt bị rút khỏi lưu thông

Trong số 1,7 nghìn tỷ USD lưu thông tiền mặt năm 2018, đại đa số ở bên ngoài nước Mỹ, nơi chúng nhanh chóng biến mất như một loại tài sản vật chất có giá trị tốt thứ hai trên thế giới (sau vàng). 

Một nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Ruth Judson, đã viết vào năm 2017 rằng khoảng 60% tất cả tiền tệ của Mỹ và khoảng 75% tờ 100 đô la, đã rời khỏi nước Mỹ vào cuối năm 2016 - với tổng số khoảng 900 tỷ đô la Mỹ được giữ ở nước ngoài. Việc cất giữ những tờ tiền đó "cung cấp một số bảo vệ chống lại bất ổn kinh tế, đặc biệt là ở các quốc gia có hồ sơ về sự bất ổn trong hệ thống tài chính của chính họ", WSJ viết.
Ông Christian Hawkesby, thuộc Ngân hàng Dự trữ New Zealand, tự hỏi tất cả tiền mặt đã đi đâu.

Cũng có yếu tố tội phạm đằng sau sự biến mất của đồng USD. Bất kỳ ai đã xem một bộ phim tài liệu về Pablo Escobar đều biết trùm ma túy Colombia đã chôn hàng chục tỷ đô la trong lòng đất để "giữ an toàn". 

Thực tế, như "Câu chuyện của kế toán" viết: " Pablo kiếm được rất nhiều đến mức mỗi năm chúng tôi phải xóa 10% số tiền, tương đương khoảng 2,1 tỷ đô la, bởi vì những con chuột ăn chúng trong kho hoặc chúng bị hư hại bởi nước hoặc bị mất". Như vậy, tiền giấy USD là thứ dầu mỡ quan trọng cho các băng đảng tội phạm và gian lận thuế.

Tiền mặt cũng rất phổ biến với các nhà đầu tư và "nhà sưu tập", những người lo lắng về sự sụp đổ của hệ thống tài chính trong tương lai. Nhưng hai nhóm này quá nhỏ để giải thích sự mất mát tiền mặt khi các ngân hàng trung ương chật vật "theo dõi dòng tiền" và sự thay đổi của các mô hình tiết kiệm và chi tiêu của xã hội trong thời điểm lãi suất bằng 0 và âm. 

Như WSJ lưu ý, nhân viên ngân hàng không chỉ săn lùng tiền mặt để thỏa mãn sự tò mò của chính họ. Nếu các ngân hàng trung ương không biết bao nhiêu tiền lưu thông, họ có thể in quá nhiều tiền dẫn đến rủi ro lạm phát.

Người dân giấu tiền của họ ở khắp mọi nơi, ông Sven Bertelmann, người đứng đầu Trung tâm Phân tích quốc gia Bundesbank tại Mainz, Đức cho biết. Đôi khi các tờ tiền giấy được chôn trong vườn, nơi chúng bị phân hủy, hoặc được giấu trên các gác mái, nơi chúng bị những con chuột sử dụng làm tổ. Các công nhân xây dựng gần đây đã đào được khoảng 140.000 đô la chôn trong các gói hàng tại một địa điểm ở Gold Coast, Úc. 

Hay vào tháng 9, một tòa án ở Đức thụ lý một vụ án trong đó một người đàn ông nhét đã hơn 500.000 euro vào nồi hơi bị hư để giấu, nhưng một người bạn đã vô tình sửa chữa nồi hơi đó và làm cháy số tiền. Người đàn ông đã kiện bạn mình đòi bồi thường số tiền bị cháy và tiền lãi, nhưng đã bị xử thua.

Thiếu niềm tin

Ngân hàng Trung ương Đức hiện đang rất bối rối vì có đến hơn 150 tỷ euro đang bị giấu ở Đức. Điều này đã khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu và những ngân hàng khác yêu cầu công chúng giúp đỡ. Henk Esselink, người đứng đầu bộ phận phát hành và lưu hành trong bộ phận quản lý tiền tệ ECB, cho biết người dân nói rằng họ không tích trữ tiền mặt.

Ở Úc, Ngân hàng Trung ương (RBA) ước tính chỉ khoảng 25% số tiền giấy lưu hành được sử dụng cho các giao dịch hàng ngày, trong khi có tới 8% tiền mặt được sử dụng trong nền kinh tế bóng tối để tránh thuế hoặc thanh toán bất hợp pháp. 10% có thể đã bị mất, tương đương 7,6 tỷ đô la Úc (5,2 tỷ đô la Mỹ) bị giấu ở bãi biển hoặc đâu đó, hay đơn giản là bị mất trong một "tai nạn chèo thuyền" để tránh đóng thuế. 

Ông Lowe, Thống đốc RBA, cho biết việc sử dụng tiền mặt lớn nhất là để trong két, dưới giường và ở mặt sau cửa tủ, cả ở Úc và các nơi khác trên thế giới.

Các quan chức tại Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã đưa ra một lý thuyết khác: tiền giấy tích trữ sẽ bị hao mòn ít hơn vì chúng không được sử dụng cho các giao dịch hàng ngày. Nhu cầu về tiền giấy mệnh giá cao có xu hướng tăng khi lãi suất thấp, các hộ gia đình cảm thấy không tin tưởng vào hệ thống ngân hàng hoặc mọi người muốn thực hiện các giao dịch ẩn danh. 

Chắc chắn, các quan chức SNB nhận thấy rằng việc tích trữ đồng franc Thụy Sĩ đã tăng vọt vào khoảng năm 2000, có khả năng bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hệ thống máy tính nhiễm lỗi Y2K, vỡ bong bóng dot-com, vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 và việc phát hành đồng euro. Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 2007 thậm chí đã khuyến khích mọi người giấu tiền nhiều hơn.

Trong khi đó, với một cuộc khủng hoảng tài chính đang manh nha và ngày càng gần hơn đối với một số quốc gia, như New Zealand, việc tìm kiếm số tiền biến mất đang trở thành trò tiêu khiển quốc gia. 

Như WSJ kết luận, khoảng 1/3 số tiền giấy mới của Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) chảy ra nước ngoài vào năm 2017, tăng từ 6% bốn năm trước đó. Điều đó xảy ra khi ngành du lịch vượt qua ngành sữa trở thành ngành xuất khẩu tiền mặt chính, các quan chức hàng đầu suy đoán về vai trò của các sàn giao dịch tiền tệ, đặc biệt là ở châu Á.

Nhưng RBNZ chỉ có thể xác định nơi chốn của khoảng 25% tiền mặt nước này. Phần còn lại, khoảng 75%, đã biến mất. Christian Hawkesby, Phó Thống đốc RBNZ, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy mình đang ở cùng thuyền với nhiều ngân hàng trung ương khác. Chúng tôi không thể giải thích đầy đủ tại sao việc giấu giếm tiền mặt tăng và chúng ở đâu".

Vinh Trang
.
.
.