Giải mật hồ sơ Cảnh sát ASEAN:

Hành trình theo vết tên trùm khủng bố

Thứ Năm, 04/09/2014, 08:00

Vụ đánh bom Hộp đêm Sari trên đảo du lịch Bali - Indonesia khiến 202 khách du lịch thiệt mạng, 309 người bị thương, đã đặt Indonesia vào cuộc chiến toàn cầu với chủ nghĩa khủng bố. Hành trình đầy ly kỳ lần theo dấu vết kẻ chủ mưu vụ tấn công đẫm máu này với sự tham gia của cảnh sát nhiều nước đã khép lại khi lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan tra khóa vào tay tên Encep Nurjaman - một kẻ được coi là Binladen của Đông Nam Á. Chuyên án bắt giữ tên tội phạm này là bài học kinh nghiệm quý về điều tra tội phạm có tổ chức và quan hệ phối hợp giữa Cảnh sát các nước để giải quyết vấn nạn tội phạm xuyên quốc gia.

Vụ nổ kinh hoàng

Đêm thứ 7, ngày 12/10/2002, hộp đêm Sari bên bờ biển Kuta thơ mộng ở đảo Bali (Indonesia) tấp nập những tốp khách du lịch người Australia, Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, Canada và Mỹ. Bỗng phát lên một tiếng nổ kinh hoàng, kéo cả hộp đêm đổ sập. Lửa trùm lên mái lợp rạ và những bức tường bằng gỗ của hộp đêm, rồi cháy lan sang cả quán bar gần đó, phá hỏng một số toà nhà cùng nhiều ôtô.

Khi đám cháy được dập tắt, người ta bàng hoàng bởi con số thương vong lên đến gần 500 người. Công tác nhận dạng gặp rất nhiều khó khăn, vì có nhiều thi thể đã bị cháy đen. Cả đất nước Indonesia trong tình trạng báo động. Khách du lịch hối hả rời đi, trong khi hơn 100 chuyên gia cảnh sát, tình báo… từ khắp nơi trên thế giới được điều động tới đống đổ nát để tìm dấu vết và phối hợp với đồng nghiệp sở tại để tiến hành cuộc điều tra với quy mô quốc tế. 

Hiện trường vụ nổ để lại những dấu vết của chất nổ chlorate - một loại thuốc nổ dẻo C-4, số lượng thuốc gây ra vụ nổ ước đoán khoảng 400kg. Trước đó gần một tháng, một lượng lớn thuốc nổ tương ứng đã bị đánh cắp tại đảo Java nước này. Đây là manh mối quan trọng để các điều tra viên khoanh vùng diện đối tượng gây án.

Kết quả phân tích mẫu vật thu tại hiện trường vụ nổ, cho thấy hàm lượng ammonium nitrate lớn, tương tự như những vụ đánh bom khủng bố của mạng lưới Al-Qaeda. Do đó, có cơ sở nhận định tính chất vụ án là khủng bố. Một căn cứ khác là vào thời điểm này, tại Indonesia đã có những biểu hiện hoạt động của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và tổ chức Cộng đồng Hồi giáo Jemaah Islamiyah (JI).

Trước thời điểm xảy ra vụ án, chính  Đại sứ Mỹ ở Jakarta đã đưa ra nhiều cảnh báo về khả năng công dân Mỹ có thể là mục tiêu tấn công của các dân quân Hồi giáo liên quan đến Al-Qaeda. Trong tháng 9, Đại sứ quán Mỹ cũng phải đóng cửa mấy ngày, sau khi có tin các nhóm dân quân âm mưu tấn công bằng bom gài ôtô. Vì vậy, các tổ chức này được liên quân cảnh sát các nước đưa vào tầm ngắm đầu tiên. Các tổ công tác của cảnh sát Australia, Malaysia, Singapore và đồng nghiệp Indonesia triển khai các hoạt động bí mật và công khai, thường xuyên chia sẻ tin tức nắm được, duy trì họp giao ban thống nhất kế hoạch hành động chung.

Hiện trường vụ đánh bom Bali (Indonesia) năm 2012.

Đánh giá  về thủ đoạn gây án, ông Graham Ashton, chỉ huy cảnh sát Australia tại hiện trường nhận định: "Phải có bàn tay của chuyên gia trong vụ đánh bom Bali". Hiện trường vụ án cho thấy, kẻ khủng bố đã sắp xếp một kế hoạch gây án chặt chẽ, phối hợp tấn công nhuần nhuyễn đến từng chi tiết, để gây ra tổn hại lớn về người và của. Ông Mohamad Abdul Hendropriyono - Chỉ huy cơ quan tình báo Indonesia cũng thừa nhận vụ tấn công này phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và thủ phạm phải là người tinh thông về chuyên môn, mới có thể sử dụng được những quả bom kỹ thuật cao như vậy.

Hơn 5.400 nhân viên cảnh sát đã được huy động vào cuộc điều tra. Chính phủ Indonesia đã ban bố một đạo luật khẩn cấp, gia tăng quyền hạn cho giới chức, để bắt giam nghi phạm khủng bố. Họ có quyền giam giữ những kẻ bị tình nghi trong vòng ít nhất 7 ngày mà không cần buộc tội. Chỉ vài ngày sau vụ khủng bố đẫm máu, cảnh sát đã thẩm vấn 50 người và bắt giữ một cựu sĩ quan quân đội Indonesia vì nghi ngờ đã sản xuất quả bom đó.

Sau đó, chiến dịch đã lần đến tên thủ lĩnh JI là Abu Bakar Bashir, nhưng cũng không đủ chứng cứ kết tội tên này. Đành phải khép hắn vào tội có liên quan tới vụ đánh bom nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Malaysia từ 2 năm trước. Điều tra sâu, cảnh sát phát hiện rằng vụ nổ Bali chỉ là 1 trong số nhiều mục tiêu của JI, sau khi tìm được 21 tấn ammonium nitrate đã được cất giữ ở nhiều địa điểm khác nhau. Trong khi đó, kẻ chủ mưu "vụ Bali" vẫn là một ẩn số đau đầu.

"Bin Laden" của Đông Nam Á

"Chống khủng bố cũng giống như thủ môn bắt bóng vậy. Bạn có thể cứu được hàng trăm người, nhưng người ta sẽ chỉ nhớ đến lần duy nhất bạn không cứu được"  - nhận xét của Paul Wilkinson - một học giả người Anh đã phản ánh đầy đủ về công việc và áp lực đè nặng xuống vai những điều tra viên.

Sau gần một năm liên tục truy xét với tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu nhất, liên quân cảnh sát các nước đã tìm ra Hambali - một cái tên đã khiến cả Đông Nam Á và thế giới đều phải kinh sợ.

Tài liệu điều tra phản ánh tên này như một Phó tướng của Abu Bakar Bashir. Không chỉ cung cấp tiền, dụng cụ chế tạo bom, mà Hambali còn đích thân chọn mục tiêu và giám sát việc huấn luyện kẻ đánh bom. Điều nghiên về tên này, cảnh sát phát hiện các vụ đánh bom nhà thờ từ năm 2000 cũng do một tay y sắp đặt.

Y chính là tên trùm khủng bố nguy hiểm nhất sau Osama Bin Laden và là kẻ đứng sau chỉ đạo thực hiện những cuộc tấn công đẫm máu. Vụ Bali chính y là "tổng đạo diễn", nhưng theo thói quen, y luôn nhấm nháp niềm vui chiến thắng từ một nơi rất xa, chứ không "loanh quanh" gần hiện trường.

Hambali được đặt tên theo một vị thánh Hồi giáo ở thế kỉ thứ 8 là Imam Hambali. Tên thật của hắn là Encep Nurjaman, sinh ngày 4/6/1966 ở Cianjur, Tây Java, Indonesia. Là con thứ 2 trong 13 anh em của một gia đình nghèo đói, tuổi thơ Hambali trôi qua trong cực khổ. Những ấn tượng đầu đời từ lối dạy dỗ cực đoan của thầy giáo, lớn dần trong những "cuộc đàn áp về tôn giáo" tại Indonesia suốt thập niên 70 và 80, đã hướng y đến với tổ chức JI và bắt đầu dính líu tới hàng loạt hoạt động khi còn là một thiếu niên. Khi tiếp xúc với trùm Abu Bakar Bashir, y nhanh chóng lĩnh hội tư tưởng "thánh chiến" của kẻ cầm đầu JI và trở thành "Phó tướng" cho tên này.

Vào những năm 2000, tổ chức JI ở Indonesia khẳng định được chỗ đứng của mình trong giới khủng bố với hàng loạt vụ đánh bom nhà thờ Thiên Chúa giáo ở khắp đất nước, khiến 18 người chết và hàng loạt người bị thương. Ngay sau đó, hàng loạt tòa nhà khác cũng bị tấn công như khu mua sắm, tòa nhà văn phòng và các tòa nhà của chính phủ cũng nằm trong tầm ngắm của chúng. Cũng trong năm này, JI đã tổ chức hàng loạt vụ tấn công tương tự tại SingaporeIndonesia.

Ngoài ra, JI còn cung cấp vốn và hỗ trợ về mặt tổ chức cho tổ chức khủng bố ở Manila (Philipines). Kẻ đứng đằng sau "thu xếp" về tài chính cho các hoạt động khủng bố, chính là Hambali. Vào năm 1994, bằng nguồn vốn và hỗ trợ từ Bin Laden và Al Qaeda, Hambali đã thành lập một công ty xuất nhập khẩu bình phong có tên là Konsojaya.  Đây là một bức màn hoàn hảo che đậy cho hoạt động khủng bố và chuyển tiền hợp pháp ở khắp Đông Nam Á.

Nhiều lời khai của đồng đảng đã thừa nhận Hambali đã tham gia xây dựng một kế hoạch ám sát Tổng thống Clinton (Mỹ) và đức Giáo hoàng John Paul II, nhưng âm mưu này đã vô tình bị bại lộ. Cảnh sát địa phương đã "hốt" được nhiều tên cùng bản kế hoạch "Bojinka" - gài bom vào 11 máy bay dân dụng ở khắp nước Mỹ và điều chỉnh cho chúng nổ cùng một lúc. Sơ suất của vụ này là vẫn để Hambali "lọt lưới". Y tiếp tục tái lập nhóm khủng bố và lên kế hoạch cho các cuộc tấn công tiếp theo.

Cuộc săn lùng khắp ASEAN

 Vụ nổ trôi qua hơn 20 tháng, hàng ngàn bản báo cáo chật các tủ tài liệu trong tổng hành dinh Ban chỉ đạo điều tra vụ khủng bố. Cuối cùng lực lượng phá án cũng đã có được một manh mối "quý hơn vàng". Một "cái lưỡi" đã mật báo tin Hambali đã rời Indonesia và hướng tới phía Nam Trung Quốc, hiện đang trên đường tới Thái Lan.

Tổ chức cảnh sát hình sự Aseanapol đã gửi công điện khẩn đến các nước hữu quan. Các trạm gác được dựng lên, tất cả cửa khẩu đều được theo dõi giám sát, kể cả đường biên Burmese. Thế nhưng, Hambali  vẫn như có cánh, thoát khỏi mạng lưới dầy đặc đang rình bắt y. Tuy nhiên, như một tất yếu "chân đi, mồm đi" - y cần sự cung cấp hậu cần từ các mối quan hệ trên đường trốn chạy. Những "tấm lưới" lại được giăng ra tại những địa chỉ y có thể lui tới xin viện trợ kinh phí. Chỉ sau vài tuần, lộ trình trốn chạy của tên khủng bố khát máu đã được vẽ ra, từ những địa chỉ y đã đến "xin cơm".

Chân dung trùm khủng bố Hambali.

Hành trình của Hambali dịch chuyển dần về biên giới Thái Lan. Lập tức những "mối" của y tại nước này được Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cùng các nhóm công tác quốc tế "chăm sóc" cẩn thận, giám sát 24/24 giờ. Từ một cuộc điện đàm về nước, CIA đã chuyển cho Cảnh sát Thái Lan vị trí chính xác nơi Hambali đang trú ngụ.

Buổi tối 11/8/2002, từ ống nhòm cảnh sát phát hiện một nam giới đeo kính râm, đội mũ lưỡi trai sùm sụp tại Phòng 601 - Chung cư Boon Yarak, ở  Cố đô Ayutthaya của Thái Lan, cách Bangkok khoảng 40 dặm về phía Bắc. Y chính là Hambali. Thời cơ phá án đã đến, 20 cảnh sát đặc nhiệm Thái Lan cùng tình báo CIA đã đồng loạt ập vào quật ngã tên trùm khủng bố được mệnh danh là "Osama Bin Laden" của Đông Nam Á.

Kết quả khám xét phòng trọ phát hiện Hambali đang cất giấu tiền, các loại vũ khí và thiết bị gây nổ ngay tại chỗ ở của mình. Chứng tỏ dù đang trên đường đào tẩu, nhưng y vẫn chuẩn bị cho những vụ nổ lớn.

Chuyên án kết thúc thắng lợi bởi sự sát cánh, chung tay của lực lượng cảnh sát, an ninh, tình báo các nước ASEAN và quốc tế, khởi đầu cho những chuyên án quốc tế điều tra khám phá các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia

Trung Hiếu - Ngân Hà (theo “Thư viện tội phạm hình sự” Mỹ)
.
.
.