Hành trình truy tìm thủ phạm từ hiện trường vụ án

Thứ Năm, 13/04/2017, 10:33
Sau mỗi chiến công của lực lượng nghiệp vụ, đều có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ làm công tác kỹ thuật hình sự. Họ có trách nhiệm khám nghiệm, điều tra hiện trường và mở ra một "con đường" trong công tác điều tra…


Vượt qua gian khổ

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong công tác của các cán bộ chiến sĩ, Trung tá Vương Văn Thanh - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Chúng tôi thường là những người có mặt đầu tiên và bám sát hiện trường vụ việc.

Với số lượng cán bộ ít, lại phải xử lý hàng ngàn vụ mỗi năm nên khối lượng công việc đổ dồn lên vai cán bộ chiến sĩ là vô cùng lớn. Những chuyện làm đêm, thức đêm để hoàn thành công việc đối với cán bộ chiến sĩ của đơn vị là điều hết sức bình thường…".

Cũng theo Trung tá Vương Văn Thanh, công việc của cán bộ phòng là tìm thông tin từ hiện trường. Nhân chứng là thông tin "sống", còn hiện trường là thông tin "chết". Họ phải âm thầm lặng lẽ cóp nhặt những manh mối nhỏ nhặt nhất trên hiện trường để tìm những thông tin "chết" ấy, để rồi từ trong bế tắc của vụ án tìm ra "lối thoát", bắt giữ được thủ phạm

Trong hàng chục năm công tác, đối mặt với biết bao thiếu thốn từ phương tiện cho tới dụng cụ phục vụ công việc, các cán bộ chiến sĩ PC54 Công an tỉnh Bắc Ninh luôn phải tự mày mò xoay sở, sáng tạo ra những dụng cụ mới.

Trung tá Thanh cho biết, cái mà đơn vị thiếu nhất vẫn là yếu tố con người. Bởi lẽ, công tác kỹ thuật hình sự là một loại nghiệp vụ đặc thù, nhiều cán bộ công tác tại đây đều gắn bó rất lâu dài với đơn vị bởi tính đặc thù đó. Ngay trong lĩnh vực pháp y, để tuyển được một cán bộ cũng gặp vô vàn khó khăn bởi chẳng ai muốn làm một công việc vất vả ngày đêm, tiếp xúc liên tục với tử thi. Cũng vì thế mặc dù đã tạo điều kiện hết mức nhưng số cán bộ pháp y của đơn vị vẫn chưa đạt đủ số lượng yêu cầu.

Như đã nói ở trên, với tính đặc thù trong công tác, cần cán bộ chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực nên đơn vị thường xuyên có những đợt tuyển dụng với nhiều sinh viên trẻ xuất sắc ở một số ngành nghề.

Tuy nhiên, có không ít sinh viên mới ra trường tìm đến Phòng PC54 để nộp đơn xin việc, nhưng khi biết nghề này lương thấp, công việc nặng nhọc và đầy áp lực thì nhiều bạn trẻ đã "một đi không trở lại".

Họ đến từ các trường Đại học Y, Đại học Bách khoa hoặc các trường thuộc khối Khoa học tự nhiên. Những người ở lại chủ yếu là vì đam mê, dám từ bỏ những nơi mời gọi với mức lương cao để lao vào công việc của một người điều tra viên phá án.

Đại úy Trương Quang Vinh đang làm xét nghiệm.

Số lượng cán bộ ít nhưng mỗi khi có một vụ việc xảy ra, nhận được thông tin từ các đơn vị khác, các cán bộ chiến sĩ của PC54 lập tức gói ghém đồ nghề để lên đường. Cái công việc "bới lông tìm vết" ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra lại vô cùng phức tạp. Trong một khu vực hỗn loạn có thể ẩn chứa biết bao nhiêu manh mối, từ một sợi tóc cho đến dấu vết của bãi nước bọt trên sàn hay trên đầu điếu thuốc có thể là manh mối khiến hung thủ lộ diện. Để có chứng cứ đắt giá như vậy, từng centimet trên hiện trường đều được quan sát, tìm kiếm.

Thường làm việc trong môi trường độc hại, bốc mùi xú uế, ô nhiễm mùi tử thi và nỗi lo lây nhiễm các bệnh như viêm gan B, HIV; nhưng ngay cả khi tại cơ quan, họ cũng không tránh xa được những chất độc từ hóa chất, thuốc thử… Có những nữ cán bộ, dù đang bụng mang dạ chửa nhưng vẫn làm nhiệm vụ, tiếp xúc với nhiều loại hóa chất, có những loại chất độc bảng A mà không mảy may lo sợ.

Để có thể dũng cảm đối mặt được với những khó khăn đó, các cán bộ chiến sĩ của Phòng PC54 Công an tỉnh Bắc Ninh đã phải qua một cuộc chọn lọc cực kì phức tạp để có thể gắn bó với nghề như đối diện với những tử thi đang trong thời kì phân hủy, những dấu vết mà tưởng chừng chúng ta chỉ có thể thấy trên màn ảnh.

Hầu hết những người mới vào nghề đều cảm thấy ớn lạnh sống lưng, cảm giác buồn nôn, tim đập chân run và có thể ngất bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khi đã vượt qua được những khó khăn đó, họ có được niềm vui khi nhìn thấy những dấu vết mình phát hiện ra giúp các đơn vị đồng đội phá án, bắt được hung thủ, đem lại bình yên cho cuộc sống.

Những chiến công thầm lặng

Theo như Đại úy Trương Quang Vinh, Phó Đội trưởng đội khám nghiệm hiện trường Phòng PC54 Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Sau mỗi vụ án được phá, người ta chỉ biết đến chiến công của các đơn vị nghiệp vụ chứ không nhắc đến công tác kĩ thuật hình sự là mấy. Thế nhưng, với nhiều vụ, nếu không có công tác khám nghiệm, giám định thì các đơn vị như hình sự, ma túy không thể vạch ra được hướng điều tra. Hoặc nếu công tác khám nghiệm gặp sai lầm, hướng phá án có thể sẽ bị sai lệch theo một con đường khác, gây khó khăn cho việc phá án".

Quan trọng là thế, nhưng cán bộ chiến sĩ của Phòng PC54 vẫn luôn làm việc một cách thầm lặng. Họ không cần sự công nhận, khen thưởng mà chỉ tập trung vào hoàn thành công việc được giao.

Tầm quan trọng trong công tác của Phòng PC54 được thể hiện ngay ở các vụ án, như trong vụ chế tạo mìn đe dọa giết người xảy ra vào cuối năm 2013, tại mặt đường TL281 (Lương Tài, Bắc Ninh).

Sau khi khám nghiệm hiện trường, các chiến sĩ đã thu được nhiều dấu vết quan trọng như: một thỏi thuốc nổ, 2 kíp điện đã đấu dây, 2 mảnh giấy có viết chữ đe dọa giết người, bọc thuốc nổ khoảng 200g.

Nhờ phân tích, PC54 đã đưa ra những chứng cứ quan trọng về diễn biến vụ án. Qua sàng lọc và kiểm tra các đối tượng nghi vấn từ các chứng cứ có tại hiện trường, đơn vị đã xác định được đối tượng Nguyễn Văn Ngạn là người gây ra vụ việc nói trên. Trong quá trình điều tra, đối tượng Ngạn đã cúi đầu nhận tội.

Hay như trong một vụ việc khác, nhờ công tác giám định mà xác định được một vụ cướp không có thật, hiện trường được dàn dựng để qua mắt cơ quan chức năng, đó là vụ việc xảy ra tại gia đình chị Lê Thị Nghĩa (Quế Võ, Bắc Ninh).

Theo như trình báo của chị Nghĩa thì chị bị ba đối tượng bịt mặt, mặc quần áo đen giật tóc và đánh ngất. Sau đó, chị bị một đối tượng lôi vào nhà ngang dùng dây chun trói lại. Khi tỉnh lại thì thấy mất 2 chỉ vàng, 1 sợi dây chuyền và 2,3 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi khám nghiệm hiện trường, thấy có sự vô lý và các cán bộ đã đánh giá đây là một vụ cướp không có thật, hiện trường đã được bị hại giả tạo.

Sau đó, vợ chồng chị Nghĩa cũng thú nhận rằng do chi tiêu không hợp lý, nợ nần nhiều nên hai đối tượng giả vờ bị cướp để nhận được sự thương hại. Việc khám phá ra vụ cướp giả trong thời gian ngắn này cũng đã tiết kiệm được nhiều thời gian của cơ quan điều tra.

Cán bộ PC54 Công an tỉnh Bắc Ninh đang khám nghiệm hiện trường một vụ án.

Gần đây nhất, vụ việc nổ xe khách ở huyện Lương Tài cũng đã gây chấn động bởi nhiều thương vong. Đại úy Trương Quang Vinh cho biết: "Sau khi nhận được tin, lãnh đạo phòng đã huy động tất cả các chiến sĩ xuống hiện trường. Chúng tôi làm việc từ tối hôm trước cho tới tận sáng hôm sau để thu thập chứng cứ trong thời gian sớm nhất, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ làm rõ vụ việc…".

Còn trong vụ cướp xe chở thép cũng xảy ra tại huyện Lương Tài, các cán bộ chiến sĩ của PC54 phải làm việc tại hiện trường từ 3 giờ sáng cho tới tận 4 giờ sáng hôm sau để tìm dấu vết đường vân, xác định nạn nhân bị tử vong ra sao. Nhờ các thông tin đó mà chỉ sau hai ngày, thủ phạm đã lộ diện.

Ngoài những vụ việc nói trên, có những lần mà hiện trường bị xóa dấu vết bởi các tác nhân bên ngoài, cán bộ chiến sĩ của phòng phải tập trung hết người và sức lực để tìm dấu vết. Như vụ cháy kho thuốc lá Ngân Sơn năm 2015, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Khi đó, hiện trường bị xáo trộn bởi lửa, nước mưa và gạch vụn đổ vỡ nên rất khó khoanh vùng để xác định điểm xuất phát cháy. Hay trong một số vụ án mạng, cơn mưa bất chợt đã xóa đi nhiều dấu vết hiện trường để có thể tìm ra nguyên nhân cái chết. Nhưng nhờ kinh nghiệm chuyên môn và sự tập trung hết mình, các cán bộ của Phòng PC54 vẫn tìm ra được dấu vết mà mắt thường không thể nhìn thấy.

Và những chiến công kể trên chỉ là một số rất ít trong hàng ngàn vụ việc lớn nhỏ mà cán bộ chiến sĩ Phòng PC54 Công an tỉnh Bắc Ninh đã thụ lý. Họ vẫn cứ ngày đêm làm việc, ở cơ quan nhiều hơn ở nhà để hoàn thành công việc. Thậm chí phải đánh đổi, hy sinh nhiều thứ vì lòng yêu nghề. Rồi mỗi khi có vụ việc xảy ra, họ lại lăn xả vào tìm kiếm dấu vết hiện trường để tìm ra nguyên nhân, thủ phạm một cách thầm lặng.

Phong Trâm
.
.
.