Hậu bê bối thịt bẩn ở Brazil: Những hệ lụy tất yếu

Chủ Nhật, 23/04/2017, 15:07
Chỉ sau hơn 1 tháng bị phát giác (17-3), 2 công ty chế biến thực phẩm lớn nhất thế giới là JBS và BRF đã thiệt hại 1,74 tỷ USD doanh thu trong tháng 3-2017.

Đây là số liệu vừa được công ty tư vấn Economatica công bố, theo đó tổng doanh thu của JBS, công ty xuất khẩu thịt gia cầm và thịt bò số một thế giới, đã giảm 15,35% từ 10,52 tỷ USD xuống còn 8,9 tỷ USD chỉ trong 1 tháng (từ 16-3 đến 16-4). Tuy thiệt hại ít hơn, nhưng doanh thu của BRF cũng giảm tới 1,45%.

JBS và BRF bị thiệt hại sau khi xuất hiện trong danh sách 21 công ty đang bị điều tra vì tình nghi có dính líu tới vụ bê bối thịt bẩn. Vụ bê bối thịt bẩn đã khiến ít nhất 25 quốc gia và vùng lãnh thổ tạm thời ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil.

Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi ăn thịt bò để chứng minh thịt của Brazil an toàn.

Và đã có 63 người bị buộc tội vì có liên quan tới đường dây nhận hối lộ, cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt không đạt chất lượng được đưa ra tiêu thụ trên thị trường, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất cấm giúp các sản phẩm chế biến từ thịt có màu đẹp và mùi thơm.

Trong thông báo hôm 16-4, cảnh sát đã buộc tội 63 người và họ đang đối diện với cáo buộc làm giả hồ sơ và giấy chứng nhận y tế, giả mạo các sản phẩm thực phẩm, thông đồng phạm tội và tham nhũng.

Ông Daniel Gouveia Teixeira được coi là người có công lớn trong việc phát giác vụ bê bối thịt bẩn. Bởi hơn 3 năm trước (đầu năm 2014), ông Daniel Gouveia Teixeira, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp đã bị chuyển công tác vì không nhận tiền hối lộ khi tới làm việc tại một trong những nhà máy của công ty Peccin Agro.

Vì những "phàn nàn" của ông Idair Peccin, chủ công ty Peccin Agro, nên ông Daniel Gouveia Teixeira đã bị chuyển sang làm thanh tra thuốc thú y. Sau khi nhận đơn tố cáo của ông Daniel Gouveia Teixeira, cảnh sát đã vào cuộc và đường dây tham nhũng kể trên bị lật tẩy.

Ông Idair Peccin là một trong những người bị bắt đầu tiên để điều tra về vụ bê bối thịt bẩn. Kể từ khi cảnh sát công bố vụ bê bối thịt bẩn, ông Daniel Gouveia Teixeira được bảo vệ 24/24 giờ.

Trong thông báo mới đây, Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết, 3 trong số 6 nhà máy bị đóng cửa để kiểm tra hành chính đã được phép xuất khẩu thịt trở lại sau khi cơ quan chức năng không tìm thấy bất thường.

3 nhà máy kể trên thuộc sở hữu của 3 công ty FrigoSantos, Breyer&Cia và Argus. Mặc dù thịt bò và thịt gà Brazil đang xuất khẩu trở lại, nhưng việc lấy lại lòng tin của người tiêu dùng quả là không dễ.

Được biết, Bộ Nông nghiệp đã thành lập một đoàn thanh tra với 250 người tới làm việc tại 21 nhà máy bị cáo buộc có liên quan tới bê bối thịt bẩn. Đồng thời phân tích các mẫu xúc xích, thịt băm, thịt lợn xông khói, hamburger, gà đông lạnh và gà Tây tại các nhà máy kể trên.

Bộ Nông nghiệp hiện có 11.000 nhân viên, nhưng chỉ có khoảng 40 người bị bắt vì tình nghi nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận và bỏ qua các khâu kiểm soát. Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi tuyên bố, tới nay vẫn chưa phát hiện sản phẩm thịt nào có thể gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Blairo Maggi cũng thừa nhận, Brazil đang rất vất vả trong việc lấy lại uy tín cũng như thị phần sau vụ bê bối kể trên. Ông Blairo Maggi còn cho rằng, cảnh sát đã thổi phồng vụ bê bối thịt bẩn bởi đây chỉ là lỗi của tình trạng quan liêu!

Theo số liệu của Bộ Công nghiệp và Bộ Ngoại thương Brazil, tổng giá trị xuất khẩu thịt của nước này đã bốc hơi 62,953 triệu USD chỉ trong vòng 24 giờ - giảm từ 63 triệu USD ngày 20-3 xuống còn 47.000 USD ngày 21-3.

Theo thống kê, chỉ trong 3 ngày sau vụ bê bối, giá trị sản lượng thịt xuất khẩu của Brazil đã giảm từ 63 triệu USD/ngày xuống còn 74.000 USD/ngày. Và 2 tuần sau vụ bê bối thịt bẩn, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Group ước tính, ngành thực phẩm Brazil có thể bị thiệt hại khoảng 5 tỉ USD trong năm 2017, nếu chiến dịch "Carne Fraca" được mở rộng.

Theo giới truyền thông, ông Vytenis Andriukaitis, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế, đã bay tới Brazil để kiểm tra vụ việc và đặt thêm các điều kiện để Liên minh châu Âu (EU) gỡ bỏ lệnh cấm nhập thịt bò và gà của nước này.

JBS có 150 nhà máy ở trong và ngoài Brazil, sử dụng 235.000 người với doanh thu năm 2016 đạt 170,4 tỉ real. Nhưng sau vụ bê bối kể trên, JBS đã phải tạm đóng cửa 33/36 nhà máy ở trong nước khiến hàng chục nghìn công nhân thất nghiệp. Và kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của JBS trên sàn chứng khoán New York (NYSE) trong tháng 6-2017 có nguy cơ phá sản. BRF cũng có kế hoạch IPO với tên giao dịch One Foods Holding Inc. tại thị trường chứng khoán London, với trị giá khoảng 1,5 tỉ USD.

Phạm Huy Anh
.
.
.