Hậu quả của rượu giả

Thứ Hai, 26/12/2016, 10:48
"Đây là một bi kịch khủng khiếp", hãng Reuters vừa dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin, sau khi ông Dmitry Peskov biết tin về cái chết của 48 người ở thành phố Irkutsk, thuộc vùng Siberia của Nga - họ bị thiệt mạng vì ngộ độc sau khi uống một loại dầu tắm chứa cồn để thay rượu, bất chấp sản phẩm này đã được cảnh báo trên bao bì là không được uống.


Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố, ông muốn kiểm tra việc cấm những sản phẩm có thể gây tử vong cho nhiều người và Bộ luật Hình sự đang được sửa đổi nhằm tăng hình phạt đối với các đối tượng vi phạm. Ông Dmitry Medvedev cho rằng, phải cấm bán các sản phẩm như vậy trong thời gian tới.

Trong khi đó hãng tin TASS dẫn lời đại diện Ủy ban điều tra của Nga xác nhận, có 57 người đã phải nhập viện sau khi uống dầu tắm có tên gọi Hawthorn. Và số người tử vong có thể còn tăng bởi nhiều người vẫn trong tình trạng hôn mê sâu. Hiện số người chết đã tăng lên 62.

Người Nga ở vùng Siberia thường sưởi ấm trong mùa đông bằng rượu mạnh

Thị trưởng Irkutsk Dmitry Berdnikov đã thông báo tình trạng khẩn cấp trong thành phố và tạm thời cấm bán tất cả chất lỏng chứa cồn, nhưng không phải là thức uống. Giới truyền thông cho biết, cảnh sát đã phát hiện một xưởng sản xuất dầu tắm Hawthorn cùng với rượu Vodka lậu.

Và cảnh sát đã bắt 2 người bị tình nghi cung cấp dầu tắm Hawthorn - họ có thể tiếp thị chúng như một thứ đồ uống có cồn rẻ tiền nhằm thu hút người mua, thay thế cho loại rượu Vodka đang ngày càng đắt đỏ ở Nga. Cơ quan điều tra đã yêu cầu thu hồi tất cả các chai dầu tắm Hawthorn và đưa ra khỏi các cửa hàng.

Bởi dầu tắm Hawthorn được bán tại 100 địa điểm ở thành phố Irkutsk. Điều tra viên khu vực Irkutsk Karina Golovachiova cho biết, các nhà điều tra và cảnh sát đang thu giữ các chai dầu tắm trên thị trường.

Theo các nhà điều tra, dầu tắm Hawthorn tuy có dán cảnh báo không được uống, nhưng lại ghi thành phần là 93% cồn, dầu chanh, chất chống lạnh… Có tin nói rằng, nạn nhân (có cả phụ nữ) phải nhập viện sau khi dùng dung dịch cây sơn trà có chứa cồn chuyên dùng làm chất tẩy rửa vệ sinh và lau chùi cửa kính.

Và những người này không uống dầu tắm hay dung dịch cùng nhau, nhưng hình như sống cùng một khu vực và họ thuộc thành phần khó khăn trong xã hội, có độ tuổi từ 35 đến 50.

Gần 3 năm trước (tháng 3-2014), tờ Star Tribune từng đưa tin, ít nhất 14 người tại khu vực Krasnokamensk, miền Viễn Đông nước Nga đã thiệt mạng vì ngộ độc methanol sau khi uống nhầm rượu giả. Khi đó, cảnh sát đã bắt Krasny Velikan vì tình nghi ông này bán rượu giả cho các nạn nhân.

Hơn 5 tháng trước (đêm 15-7), 19 người chết, 6 người bị mù và 50 người phải nằm viện sau khi uống rượu tự nấu bị nhiễm độc ở huyện Etah, bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Các nạn nhân đều là dân lao động nghèo. Cảnh sát đã bắt người bán rượu ở địa phương và khởi tố tội cố ý giết người.

Trước đó (17-6-2015), hơn 100 người đã chết vì uống rượu độc ở Mumbai. Tất cả người chết đều là cư dân của khu ổ chuột tại thành phố này. Ngộ độc rượu xảy ra thường xuyên ở Ấn Độ bởi người nghèo tại nước này hay mua các loại rượu giá rẻ (10 rupee cho 50 ml rượu).

Theo Hiệp hội rượu và rượu vang quốc tế, mỗi năm người dân Ấn Độ tiêu thụ gần 3 tỉ lít rượu lậu và khoảng 2 tỉ lít rượu mạnh.

9 tháng trước (23-3), cảnh sát Pakistan thông báo, ít nhất 40 người chết và hàng chục người phải nhập viện sau khi uống phải rượu lậu nhiễm độc. Phần lớn nạn nhân là người thuộc cộng đồng Kohli theo đạo Hindu ở tỉnh Sindh, và họ đã uống phải rượu nhiễm độc trước lễ hội Holi của đạo này.

Một bệnh nhân ngộ độc rượu đang được chữa trị

Ở Pakistan, người theo đạo Hồi bị cấm mua và uống rượu, nhưng vẫn xảy ra trường hợp người theo đạo Hồi chết do uống phải rượu lậu nhiễm độc. Bởi đã có 23 người (phần lớn là người trẻ tuổi theo Hồi giáo) ở thành phố Karachi bị thiệt mạng và 22 người phải nhập viện sau khi uống phải rượu "đểu" hồi tháng 9-2014.

Hơn 1 năm trước (20-12-2015), ít nhất 19 người chết và 172 người đã nhập viện sau khi uống phải rượu gạo tự nấu nhiễm độc tại miền Đông Bắc Campuchia.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy các trường hợp tử vong đều do ngộ độc rượu có nồng độ methanol vượt quá mức cho phép gấp nhiều lần.

Hơn 4 tháng trước (13-8), nữ bộ trưởng trẻ nhất Thụy Điển Aida Hadzialic đã tuyên bố từ chức sau khi bị cảnh sát phát hiện lái xe trong lúc có men rượu. Hãng Reuters dẫn lời cô Aida Hadzialic cho biết, đã bị cảnh sát chặn lại trên cây cầu giữa Đan Mạch và Thụy Điển và có nồng độ cồn 0,2 phần nghìn trong máu sau bữa tối ở Copenhagen. Cô Aida Hadzialic tuy mới 29 tuổi nhưng đã là thành viên trong nội các của Thủ tướng Stefan Lofven. "Tôi quyết định từ chức vì đã phạm một điều nghiêm trọng", nữ chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội nói.

Trọng Hậu
.
.
.