Hậu vụ khủng bố ở Paris: Tăng cường kiểm soát biên giới

Thứ Sáu, 27/11/2015, 15:12
Mặc dù cảnh sát Pháp đã tiêu diệt được đối tượng bắt cóc con tin tại khu phố Allee Van Gogh ở thị trấn Roubaix, vùng Nord-Pas-de-Calais (sáng 25-11), nhưng việc này vẫn không khiến người dân nước này cảm thấy yên tâm hơn, nhất là khi cảnh sát châu Âu đang tích cực lần theo dấu vết của những đối tượng có liên quan đến vụ tấn công ở Paris tối 13-11 và một trong số đó là Salah Abdeslam vẫn chưa bị bắt.

Cảnh sát Bỉ cũng đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với Mohamed Abrini, kẻ xuất hiện cùng Salah Abdeslam 2 ngày trước khi xảy ra vụ khủng bố Paris. Nhà chức trách Morocco cho biết, Bỉ đã chính thức yêu cầu nước này giúp đỡ trong việc lần tìm Salah Abdeslam, nghi can chính trong vụ thảm sát tại Paris.

Trong khi đó, hãng Reuters và tờ Sueddeutsche Zeitung cùng dẫn tuyên bố hôm 25-11 của Thủ tướng Pháp khi ông Manuel Valls cho rằng, trong cuộc khủng hoảng di cư hiện nay, các quốc gia châu Âu đã đạt ngưỡng và không thể tiếp nhận thêm bất kỳ người di cư mới nào. Đồng thời nhấn mạnh tới sự kiểm soát chặt chẽ hơn tại các khu vực biên giới bên ngoài châu Âu bởi việc này sẽ định đoạt vận mệnh của Liên minh Châu Âu (EU).

Hãng AFP vừa dẫn lời Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal cho biết, Paris sẽ thiết lập nhiều cổng an ninh tại các nhà ga phục vụ tuyến đường sắt xuyên châu Âu Thalys ở thủ đô và thành phố miền Bắc Lille trước ngày 20-12. Và giới chức Bỉ, Đức, Hà Lan cũng sẽ lắp cổng an ninh cho tuyến đường sắt kể trên.

Cảnh sát gia tăng bảo vệ các di tích có ý nghĩa biểu tượng với Italy.

Cũng trong ngày 25-11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen thông báo, nước này sẽ cử 650 binh sỹ đến Mali để hỗ trợ Pháp trong cuộc chiến chống IS. Trước đó (24-11), IS cảnh báo về một vụ tấn công khủng bố giống như ở Paris sắp diễn ra tại Moskva, Nga thông qua việc sử dụng mạng Internet không dây (wifi) công cộng. Theo đó, mạng wifi công cộng tại hệ thống tàu điện ngầm ở Moskva (khoảng 6,75 triệu lượt/ngày được vận chuyển xung quanh thủ đô) vừa bị đổi thành "Paris ngày hôm qua và Moskva ngày hôm nay".

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng vừa tuyên bố, từ 8 giờ sáng ngày 26-11 sẽ tăng cường kiểm soát biên giới (ở tất cả các bến phà đến từ Thụy Điển, Đan Mạch và Đức) trong tuần này, sau khi Thụy Điển đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát đường biên giới để ngăn dòng người di cư đang tiếp tục đổ về. Đồng thời chỉ thị cho Bộ trưởng Tư pháp Anders Anundsen phải chịu trách nhiệm thực thi các biện pháp này.

Cùng ngày 24-11, Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman đã nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa làn sóng người di cư nước ngoài và nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố trong nước. Theo ông Milos Zeman, các tay súng cực đoan có thể trà trộn trong dòng người di cư, nên đã yêu cầu cơ quan chức năng phải nhanh chóng giải quyết vấn đề nhập cư trái phép.

Binh sĩ Bỉ tuần tra bên ngoài trụ sở Ủy ban Châu Âu.

Cũng trong ngày 24-11, giới chức Pháp thông báo, Abdelhamid Abaaoud, kẻ chủ mưu vụ khủng bố Paris tối 13-11, đã lên kế hoạch cho một vụ đánh bom tự sát nhằm vào quận La Defense, nhưng tên này đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của cảnh sát, trước khi hắn định tiến hành làn sóng tấn công thứ 2 nhằm vào Pháp.

Trong khi đó, Italia cũng bắt đầu kế hoạch an ninh nhằm bảo vệ cho "Năm thánh về lòng thương xót" do Vatican tổ chức vào ngày 8-12. Theo người chịu trách nhiệm an ninh trong khu vực Rome và vùng phụ cận Franco Gabrielli, đã có thêm 2.000 cảnh sát được điều động để đảm bảo an ninh cho thủ đô và Tòa thánh Vatican trong thời gian này. Số cảnh sát này cùng với lực lượng cảnh sát và quân đội hiện đang có mặt ở Rome sẽ tuần tra và canh gác tại hơn 1.000 trọng điểm.

Theo ước tính, sẽ có khoảng 20 triệu người hành hương và du khách tới Rome để dự các hoạt động của sự kiện đặc biệt này. Được biết, tình báo Pháp đã gửi cảnh báo cho Tòa thánh Vatican về nguy cơ Giáo hoàng Francis I có thể bị ám sát trong chuyến thăm châu Phi tới đây.

Và để tổ chức tốt Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), Pháp đã triển khai các biện pháp tăng cường giám sát hệ thống nước sạch của khu vực Paris-Le Bourget, nơi diễn ra các hoạt động chính của hội nghị. Được biết, Mỹ đã ra tập san tình báo cung cấp chi tiết về vụ tấn công ở Paris. Tập san này do FBI, Bộ An ninh nội địa và Trung tâm chống khủng bố quốc gia phối hợp phát hành.

Giới phân tích cho rằng, IS đang vui mừng trước việc đã khiến chính phủ nhiều nước bị cuốn vào vòng xoáy do chúng tạo ra. Bởi từ Australia đến châu Âu, hay Bắc Mỹ đều phải siết chặt an ninh, khuyến cáo người dân chưa nên đến Pháp, còn Brussels (Bỉ), trái tim của châu Âu, buộc phải đóng cửa trường học, cửa hàng, tàu điện ngầm không hoạt động...

Tuệ Sỹ
.
.
.