Hé lộ cuộc đua chi tiền cho quảng cáo chính trị ở Mỹ

Chủ Nhật, 05/01/2020, 14:23
Chi tiêu cho quảng cáo chính trị ở Mỹ được dự kiến sẽ đạt 6 tỷ USD vào năm 2020. Số liệu thống kê từ công ty theo dõi quảng cáo Advertising Analytics còn cho hay, trong năm 2019, chính giới Mỹ đã chi gần 1 tỷ USD cho quảng cáo.


Gần 1 tỷ USD cho năm 2019

Hãng tin CNN cho hay, trong số 998,4 triệu USD chi cho quảng cáo chính trị năm 2019, 351 triệu USD đã được chi cho việc quảng cáo bầu cử Tổng thống. Cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg là người chi tiêu lớn nhất với khoảng 124 triệu USD quảng cáo kể từ khi tham gia cuộc đua Tổng thống từ tháng 11.

Tính trung bình, mỗi ngày, ông Michael Bloomberg chia khoảng 3,72 triệu USD cho quảng cáo và vượt qua hầu hết các ứng cử viên Tổng thống khác của đảng Dân chủ trong việc quảng cáo trên truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số. Doanh nhân Tom Steyer đứng thứ hai sau tỷ phú Michael Bloomberg với gần 84 triệu USD quảng cáo.

CEO của Twitter tuyên bố cấm mọi quảng cáo liên quan đến chính trị và bầu cử trên toàn thế giới từ ngày 22-11-2019. 

Ủy ban vận động tranh cử Tổng thống của ông Trump với khẩu hiệu “Make America Great Again” đã chi 23 triệu USD quảng cáo trong khi chiến dịch tái tranh cử của ông hiện cũng chi gần 14 triệu USD. Theo thống kê của Advertising Analytics, các chi tiêu quảng cáo hàng đầu khác bao gồm các chiến dịch của các ứng viên Buttigieg, Sanders và Warren với các mức chi lần lượt là 20 triệu USD, 18 triệu USD và gần 12 triệu USD.

Giám đốc điều hành của Advertising Analytics Kyle Roberts cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Hill rằng, thật bất thường khi có những mức chi tiêu này vào thời điểm còn một năm nữa mới diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Kyle Robert khẳng định, kể cả khi không tính đến số tiền mà cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg đã chi, số tiền quảng cáo chính trị ở Mỹ trong năm 2019 vẫn con hơn rất nhiều so với con số của năm 2016. “Chỉ cần có nhiều nhà tài trợ USD với số tiền nhỏ thôi trong một khoảng thời gian dài cũng dẫn đến tổng số tiền huy động được ở mức lớn”, Kyle Robert nói. Cũng theo phân tích của Kyle Robert, trong năm 2019, thị trường quảng cáo lớn nhất ở Mỹ là Washington D.C, nơi đã chi tới 485 triệu USD cho quảng cáo chính trị.

Dự báo, quảng cáo chính trị ở Mỹ cho năm 2020 sẽ rơi vào khoảng 6 tỷ USD, tức là gần gấp đôi số tiền mà các ứng của viên Tổng thống đã chi cho quảng cáo truyền hình và truyền hình cáp trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016. Và điểm nhấn mới là quảng cáo kỹ thuật số, nhằm tiếp cận những người ít xem truyền hình thông thường, có khả năng sẽ kiếm thêm 1,6 tỷ USD.

Cuộc đua quảng cáo kỹ thuật số

Như vậy, chi tiêu quảng cáo chính trị ở Mỹ đã vượt quá số tiền từ giữa năm 2018 khoảng 57%. Năm ngoái, các ứng cử viên Tổng thống và những người ủng hộ của họ đã rót hơn 3,8 tỷ USD vào quảng cáo. Báo cáo của Advertising Analytics nhận định, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới sẽ chiếm gần ½  số tiền quảng cáo chính trị trong đó các bên sẽ chi ít nhất 100 triệu USD ở Florida, Pennsylvania, Bắc Carolina, Michigan, Arizona và Nevada. Phần lớn sự gia tăng về chi tiêu quảng cáo chính trị sẽ được thúc đẩy bởi Tổng thống Donald Trump.

Lần này, chiến dịch của ông Trump đã huy động được hàng trăm triệu USD, báo trước một sự gia tăng đáng kể trong quảng cáo khi cuộc tranh cử chính thức bắt đầu. Và ngay cả trước khi đảng Dân chủ chọn ứng cử viên của mình, các ứng cử viên của đảng này vẫn có khả năng chi gần 1 tỷ USD để tiếp cận các cử tri.

Các ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ đang chi rất nhiều tiền cho quảng cáo chính trị.

3/4 số tiền đó có khả năng được chi tiêu chỉ trong 6 tiểu bang, bao gồm 4 tiểu bang bỏ phiếu đề cử đầu tiên và Florida và California – hai tiểu bang có nhóm đại cử tri lớn. Thêm vào đó, các ứng cử viên đảng Dân chủ có khả năng chi thêm gần 250 triệu USD để tiếp cận cử tri ở New Hampshire và 125 triệu USD khác trước các cuộc họp kín ở bang Iowa.

Bên cạnh đó, chạy đua để kiểm soát Hạ viện cũng trở thành một cuộc chiến tỷ USD. Cuộc chiến đó được thúc đẩy một phần bởi bối cảnh chính trị đang thay đổi. Shaw Matsdorf, một chiến lược gia truyền thông đánh giá: “Một thập kỷ trước, đảng Dân chủ và Cộng hòa đã chiến đấu trong các trận chiến khốc liệt ở những nơi như Asheville, N.C. và Bloomington, Ind., Các thị trường truyền thông tương đối rẻ tiền, nơi mua một quảng cáo TV có thể có giá 40 USD hoặc ít hơn.

Ngày nay, các cuộc đua được tranh cãi nhiều nhất là ở các khu vực ngoại ô lớn xung quanh thành phố Minneapolis, Miami và Dallas -  những thị trường đắt đỏ hơn nhiều trong đó 30 giây thời gian phát sóng có chi phí vài trăm USD trở lên. Như vậy, chi phí quảng cáo chính trị sẽ bị tăng. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hoá có thể sẽ chi tiêu ít hơn cho trận chiến tại Thượng viện”.

6 năm trước, khi đảng Dân chủ giữ ghế ở các bang đỏ như Arkansas, Alaska và Louisiana, cả hai bên chi tiêu rất nhiều cho vận động bầu cử Nhưng bây giờ khi những chiếc ghế đó nằm trong tay đảng Cộng hòa, chúng ít có khả năng thu hút tiền quảng cáo.

Thay vào đó, phần lớn chi tiêu sẽ đến từ bang Arizona và Colorado, nơi có Thượng nghị sĩ Martha McSally và Thượng nghị sĩ Cory Gardner phải chiến đấu để tái cử. Mỗi tiểu bang này được dựa báo có thể sẽ phải tiêu tốn của hai đảng hơn 100 triệu USD cho năm 2020.  Tiếp đó là Bắc Carolina, Maine, Kentucky và Georgia với khả năng chi tiêu vào khoảng 50 triệu USD.

Việc đa dạng hóa các phương tiện truyền thông cũng yêu cầu các chiến dịch tranh cử và các chiến lược gia phải nghĩ khác về cách tiếp cận cử tri, những người có thể sẽ xem truyền hình thông qua các dịch vụ phát trực tuyến hoặc trực tuyến.

“Phương pháp quảng cáo của các đảng cũng phụ thuộc vào tầng lớp người mà họ đang cố gắng tiếp cận”, ông Carl Forti, một chiến lược gia truyền thông, người chỉ đạo chi tiêu quảng cáo tại Ủy ban Quốc hội của Đảng Cộng hòa nói: “Nếu đảng cố gắng tiếp cận những người ủng hộ cực đoan của mình để gây quỹ hoặc bỏ phiếu, thì sự pha trộn sẽ khác nhiều so với khi cố gắng tiếp cận các cử tri lưỡng lựa”.

Trên thực tế, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà đã chi 740 triệu USD kết hợp cho quảng cáo kỹ thuật số và video trong cuộc bầu cửa giữa kỳ hồi năm 2018, sau khi chi một khoản không đáng kể trong chiến dịch năm 2016. Lần này, chi tiêu quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số được dự kiến lên tới 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1/4 tổng chi tiêu quảng cáo.

“Nhiều mục tiêu kỹ thuật số, các đảng có thể sử dụng dữ liệu của bên thứ nhất. Điều này làm cho nó thực sự có giá trị. Nghĩa là uỷ ban vận động tranh cử của các đảng có thể lấy danh sách cử tri của mình và đối chiếu nó với các địa chỉ IP trên thiết bị di động và máy tính để bàn và phân phát video trực tiếp tới những người họ muốn liên lạc.

Nghĩa là điều này sẽ gây ấn tượng mạnh đối với các cử tri nhưng cũng phải chi rất nhiều tiền hơn để tiếp cận các đối tượng cụ thể”, Kyle Roberts cho biết và nhấn mạnh rằng, điều này có nghĩa, lần đầu tiên, các chiến dịch và các đảng sẽ chi nhiều tiền hơn cho video và quảng cáo kỹ thuật số hơn so với quảng cáo trên truyền hình cáp. Sự thay đổi này phản ánh những thay đổi lớn mang tính tiêu cực đối với các phương tiện truyền thông truyền thống.

Và trận chiến trên mạng xã hội

Chưa hết, ông Kyle Roberts còn chỉ ra rằng, thị trường mạng xã hội cũng đang tạo ra một trận chiến quảng cáo chính trị lớn giữa các đảng phái ở Mỹ. Chẳng hạn, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và Uỷ ban vận động tranh cử của ông đã chi 274.000 USD cho quảng cáo chính trị trên Facebook kể từ đầu tháng 5-2018.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm thuộc đại học New York, sau khi đã xem qua 267.000 quảng cáo trên Facebook có nội dung liên quan đến chính trị cho thấy, Tổng thống Donald Trump là khách hàng mua quảng cáo chính trị nhiều nhất của Facebook.

Thậm chí, số tiền này còn lớn hơn nhiều so với con số 188.000 USD mà vị khách lớn thứ hai của quảng cáo trên Facebook  là Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Mỹ (PPFA) đã bỏ ra. Nghiên cứu cũng cho thấy, nhờ mua quảng cáo trên Facebook, ông Donald Trump đã thu hút được sự quan tâm của 37 triệu người…

Một thống kê được Facebook công bố hồi giữa năm 2018 khi cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội ở Mỹ đang nóng cho thấy, một trong những cách hiệu quả nhất để tiếp cận và lôi kéo cử tri ủng hộ là nhờ mạng xã hội.

Chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 5 và 6 năm 2018), tổng cộng 256 triệu USD đã được các ứng viên Thượng nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà chi ra cho khoảng 1,6 triệu mẩu quảng cáo chính trị trên Facebook.

Khi đó, dẫn đầu là chiến dịch tranh cử của ông Beto O'Rourke với 5 triệu USD để chạy 6.000 quảng cáo trên Facebook để tranh cử vị trí đại diện bang Texas tại Thượng viện trong khi chiến dịch quảng cáo tranh cử giữa kỳ của đương kim Tổng thống Donald Trump chỉ đứng thứ 2 với chi phí 1,9 triệu USD. Nguyên do là vì một mẩu quảng cáo chính trị trên Facebook có giá khoảng 100 USD nhưng lại có thể nhận được sự phản ứng và lượt xem của hàng nghìn cử tri…

Tuy nhiên, những nỗ lực về quảng cáo chính trị trên mạng xã hội của các chính trị gia ở Mỹ cũng đang vấp phải nhiều khó khăn khi hồi tháng 9 năm ngoái, Facebook tuyên bố sẽ siết chặt các quy định quảng cáo liên quan tới chính trị tại Mỹ trước thềm thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tức là, Facebook sẽ tiến hành dán nhãn "Tổ chức đã được xác nhận" đối với những nhà quảng cáo chính trị trình được các giấy tờ do chính phủ cấp chứng minh tính hợp pháp của mình. Các tài liệu này bao gồm số đăng ký doanh nghiệp của Ủy ban Bầu cử liên bang, số đăng ký nộp thuế hay tên miền trang web trùng khớp với tài khoản thư điện tử chính thức.

Ngoài ra, tất cả các nhà quảng cáo chạy quảng cáo chính trị hay các vấn đề xã hội cũng sẽ phải đăng tải thông tin liên hệ. Đối với Twitter, CEO của mạng xã hội này đã đăng một bài viết về việc hãng bắt đầu cấm mọi quảng cáo có liên quan đến chính trị và bầu cử trên toàn thế giới, từ ngày 22-11-2019. Các ứng cử viên tham gia bầu cử sẽ không thể sử dụng quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội này để tiếp cận với cử tri được nữa. Tuy nhiên, các loại quảng cáo khuyến khích cử tri tham gia bầu cử vẫn sẽ được cho phép.

Khánh Chi
.
.
.