Hé lộ đường dây buôn hộ chiếu xuyên quốc gia

Thứ Ba, 10/07/2018, 11:34
Cuộc điều tra của phóng viên tờ DailyMail (Anh) cho biết, một số băng nhóm tội phạm đã tiến hành đánh cắp hộ chiếu, giấy tờ tùy thân sau đó đưa đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc Athens (Hy Lạp) để bán cho những trùm buôn lậu. Nhiều người di cư đã vào được các quốc gia châu Âu nhờ hộ chiếu do các trùm buôn lậu cung cấp.


Mua hộ chiếu siêu tốc trong 72 giờ

Abu Ahmad, 40 tuổi, từng là một bác sĩ tim mạch, được biết đến là một ông trùm buôn hộ chiếu có tiếng ở Istanbul. Vào vai một người đi tìm mua hộ chiếu, phóng viên tờ DailyMail đã có được cuộc hẹn với Abu Ahmad sau 72 giờ đồng hồ. 

Trước khi chuyển sang buôn hộ chiếu, Abu Ahmad từng hoạt động công khai trong đường dây đưa người di cư Syria sang Tây Âu. Tuy nhiên, kể từ khi bị Interpol đưa vào “danh sách đen”, Abu Ahmad chuyển sang hoạt động bí mật, thường xuyên thay đổi điện thoại và chỗ ở để trốn tránh các cơ quan chức năng.

Ahmad cung cấp ba loại hộ chiếu kèm theo mức giá và dịch vụ khác nhau.

Abu Ahmad gặp phóng viên trong một căn phòng tại khách sạn Istanbul Grand Hyatt. Anh nói rằng, hai bên phải giữ bí mật và tôn trọng các thỏa thuận đã thống nhất trước đó. Abu Ahmad đưa ra một số hộ chiếu để phóng viên lựa chọn. 

“Tôi thường chọn khoảng 15 trong tổng số hàng trăm hộ chiếu giống khách hàng nhất, sau đó để khách hàng lựa chọn tiếp. Những người cung cấp hộ chiếu cho tôi phần lớn là người châu Âu, có cả người Đan Mạch và Thụy Điển”, Abu Ahmad nói.

Abu Ahmad cho biết thêm, các băng nhóm tội phạm đánh cắp hộ chiếu hoạt động trên khắp châu Âu, trong đó có cả Vương quốc Anh, sau đó chuyển lại cho những kẻ buôn người. “Tất cả hộ chiếu bị đánh cắp đều được bán. Việc buôn bán hộ chiếu châu Âu đang lan rộng. Tôi bán 15 đến 20 hộ chiếu/tháng, trong số này có 5 hộ chiếu Anh. 

Vào lúc cao điểm, “doanh nghiệp” của tôi có thể mang về khoản doanh thu 110.000 bảng Anh/ tháng. 7/10 người sử dụng hộ chiếu do tôi cung cấp qua các cửa sân bay, cửa khẩu trót lọt. Có người bị bắt ở sân bay nhưng chúng tôi sẽ thử lại sau 4-5 ngày. Nếu hình ảnh trong hộ chiếu và người thực giống nhau thì khả năng “qua mặt” các cơ quan chức năng là rất cao”, Abu Ahmad nói.

Ahmad cung cấp ba loại hộ chiếu kèm theo mức giá và dịch vụ khác nhau. Hộ chiếu rẻ nhất có giá 2.500 bảng Anh. Với loại hộ chiếu này, người mua được cung cấp hộ chiếu và tự tìm cách tiếp cận một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. 

Thêm khoản phụ phí 1.300 bảng Anh, khách hàng sẽ được cấp thêm một con dấu nhập cảnh Thổ Nhĩ Kỳ. Đường dây buôn bán hộ chiếu có trách nhiệm làm việc với các cơ quan chức năng đóng dấu vào hộ chiếu để khẳng định rằng, khách hàng đã đến Thổ Nhĩ Kỳ một cách hợp pháp. Quá trình này mất 10 ngày.

Gói dịch vụ “cao cấp” có mức giá 7.000 bảng Anh. “Đó là một số tiền lớn nhưng đổi lại, khách hàng sẽ có được dịch vụ tốt nhất. Chúng tôi sẽ cung cấp hộ chiếu, đặt phòng khách sạn, thực phẩm… cho họ trong suốt cuộc hành trình. Nhiều người chưa từng đến sân bay, chúng tôi sẽ hướng dẫn khách hàng làm các thủ tục, cách thức bảo mật thông tin”, Ahmad nói.

Khả năng chiến binh thánh chiến sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp vào châu Âu

Abu Ahmad khẳng định rằng, tất cả hộ chiếu anh bán là thật. Nếu không, hộ chiếu đó sẽ không qua được sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. 

Ngoài hộ chiếu bị đánh cắp, còn có hộ chiếu mà chủ sở hữu đồng ý bán trong một thời gian nhất định. Ahmad cho biết, đã giúp hàng ngàn người vào Anh bằng hộ chiếu do anh cung cấp nhưng không chắc chắn trong số đó có ai là chiến binh thánh chiến hay tội phạm.

Một người nhập cư Syria khác ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nói với phóng viên tờ DailyMail rằng, ít nhất hai người mà Ahmad giúp xâm nhập vào châu Âu là những tên hoạt động thánh chiến có tiếng ở Damascus. Các nhà chức trách ở châu Âu cũng lên tiếng lo ngại về khả năng chiến binh thánh chiến, tội phạm sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp vào châu Âu.

Các chuyên gia cảnh báo việc chiến binh thánh chiến hay tội phạm sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp để vào châu Âu.

Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo rằng, những kẻ buôn lậu ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là những đối tượng thường xuyên buôn bán các tài liệu thị trường chợ đen. Ngoài hộ chiếu, các giấy tờ tùy thân khác cũng được các băng nhóm tội phạm buôn bán tràn lan. 

Cảnh sát Hy Lạp cho biết, đã thu giữ hàng trăm chứng minh nhân dân và hộ chiếu bị đánh cắp. Trên các trang web, các băng nhóm tội phạm cho hay, có thể cung cấp giấy tờ tùy thân vào EU trong vòng ba ngày.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.