Hé lộ nhà tù bí mật của CIA

Thứ Năm, 08/01/2015, 15:00
Tuyên bố của cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Romania (SIE) Ioan Talpes (được tờ Tấm gương của Đức đăng tải hôm 13/12) càng khiến dư luận và giới chuyên môn quan tâm tới sự tồn tại về nhà tù do Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bí mật thành lập tại một số quốc gia. Điều này phù hợp với thừa nhận trước đó (10/12) của cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski, và cũng trùng với báo cáo do Thượng viện Mỹ đưa ra hôm 9/12.

Ngày 13/12, tờ Tấm gương của Đức dẫn thừa nhận (lần đầu tiên) của cựu Giám đốc tình báo Ioan Talpes, theo đó có trại giam của CIA ở Romania (tồn tại từ 2003 đến 2006) và tù nhân tại đây có thể bị tra tấn. Trước đó, ông Ioan Talpes (làm Giám đốc SIE từ 1992 đến 1997) từng xác nhận với tờ Bucarest Adevarul về sự tồn tại của "trại giam quá cảnh của CIA". Báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng châu Âu về các nhà tù bí mật của CIA Dick Marty cũng từng cáo buộc Romania che giấu nhà tù bất hợp pháp của CIA trên lãnh thổ nước này.

Ngày 10/12, trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh TOK FM, cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski thừa nhận, trong nhiệm kỳ của ông (1995-2005) đã cho phép CIA mở một nhà tù bí mật trên lãnh thổ nước này, nhưng từng hối thúc cựu Tổng thống George W. Bush chấm dứt mọi nỗ lực tình báo của Mỹ tại nhà tù này 10 năm trước. Đây là lần đầu tiên ông Aleksander Kwasniewski tiết lộ về vấn đề này sau nhiều năm từ chối. Tuy nhiên, Washington và Warsaw đã bày tỏ hy vọng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ không bị ảnh hưởng bởi bản báo cáo liên quan đến hoạt động thẩm vấn tàn bạo của CIA đối với các nghi can thuộc mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda tại các cơ sơ bí mật, trong đó có một nhà tù tại Ba Lan.

Giám đốc CIA John Brennan tại buổi họp báo hôm 11/12.

Được biết, CIA đã bí mật tiến hành chiến dịch chống Al Qaeda dưới cái tên "Rendition, Detention and Interrogation" và từng giam giữ khoảng 100 nghi phạm khủng bố tại những nhà tù bí mật, bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ như Afghanistan, Ba Lan, Romania, Thái Lan... Giới truyền thông cho biết, bản báo cáo (dài 480 trang) do Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ công bố hôm 9/12 (theo giờ địa phương) đã tạo ra những phản ứng trái chiều trong và ngoài nước Mỹ.

Theo báo cáo tóm lược do Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ công bố (nghiên cứu từ hơn 6,3 triệu trang tài liệu của CIA), CIA được khẳng định đã tiến hành các biện pháp thẩm vấn "tàn ác" đối với nghi phạm Al Qaeda để khai thác thông tin sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Và cựu Tổng thống George W. Bush biết rõ về "những kỹ thuật" mà CIA sử dụng để thẩm vấn nghi phạm, đây là tuyên bố của cựu Phó tổng thống Dick Cheney khi trả lời hãng Fox News về chủ đề nhạy cảm này.

Ngay sau khi biết tin, Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức nhân quyền đã yêu cầu Mỹ truy tố các quan chức liên quan tới "sự tàn ác" của CIA. Ông Ben Emmerson, người đặc trách chuẩn bị báo cáo của Liên Hợp Quốc về Nhân quyền và Chống khủng bố đề nghị khởi tố các nhân vật cấp cao trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush cùng những quan chức CIA chịu trách nhiệm về các biện pháp tra tấn nghi phạm khủng bố để hỏi cung.

Ngày 10/12, khi trả lời tờ Bild, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, chương trình tra tấn của CIA là sự vi phạm trắng trợn các giá trị tự do và dân chủ, đồng thời khuyến cáo điều này không được phép tái diễn. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Catherine Ray nhấn mạnh, báo cáo này làm dấy lên các câu hỏi quan trọng về hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, bà Dianne Feinstein cho biết, mục đích của việc công bố báo cáo này nhằm khám phá những sự thật đằng sau chương trình bí mật của CIA. Và bản báo cáo đã phơi bày sự tàn nhẫn cùng sự tương phản hoàn toàn những giá trị của Mỹ với tư cách một quốc gia. Giám đốc CIA John Brennan tuy thừa nhận "mắc một số sai lầm" trong chương trình bắt giữ và thẩm vấn đối tượng tình nghi khủng bố, nhưng vẫn khẳng định, chương trình bí mật này "đã mang lại những tin tình báo có giá trị".

Theo tờ The Guardian, kế hoạch tra tấn của CIA buộc tù nhân phải phục tùng bằng cách bẻ gãy khả năng tự chủ bản thân và quá trình hồi phục có thể mất cả đời. Theo 2 "kiến trúc sư" về chương trình tra tấn của CIA là Bruce Jessen và James Mitchell, người hỏi cung sẽ làm mọi cách để bẻ gãy khả năng tự chủ của nghi can, buộc họ phải phục tùng cả về thể chất lẫn tinh thần. Giám đốc CIA John Brennan đã yêu cầu bỏ qua quá khứ, điều mà các nạn nhân bị tra tấn khó có thể chấp nhận. Về phần mình, Tổng thống Barack Obama hy vọng, việc công bố báo cáo sẽ không làm "tái chiến" những tranh luận cũ, bởi ông là người đã "khai tử" các biện pháp tra tấn tàn ác của CIA sau khi nhậm chức năm 2009.

Manh Phong- Nhiệm Bình
.
.
.