Hé lộ phi đội hoạt động không gian của Nhật Bản

Thứ Sáu, 22/05/2020, 10:03
Hôm 18-5, Nhật Bản chính thức ra mắt đơn vị phòng thủ không gian với nhiệm vụ theo dõi và chống lại các mối đe dọa đối với các vệ tinh của nước này.


Đảm bảo ưu thế trong vũ trụ

Phi đội hoạt động không gian này thuộc biên chế Lực lượng phòng vệ không quân Nhật Bản (ASDF); đơn vị này đóng quân tại căn cứ Fuchu ở thủ đô Tokyo với biên chế ban đầu gồm 20 người và sẽ được tăng dần trong những năm tiếp theo để đạt khoảng 100 thành viên vào năm 2023.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có một lực lượng chuyên trách tác chiến vũ trụ. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đánh giá, sự kiện này mang ý nghĩa rất lớn nhằm đảm bảo ưu thế của Nhật Bản trong không gian vũ trụ.

Phi đội hoạt động không gian này thuộc biên chế ASDF chính thức ra mắt hôm 18-5. ảnh: AP

Trong buổi lễ ra mắt phi đội hoạt động không gian này, Bộ trưởng Taro Kono cũng tiết lộ nhiệm vụ chính của đơn vị là giám sát và bảo vệ các vệ tinh Nhật Bản khỏi các cuộc tấn công của kẻ thù hoặc các mảnh vỡ không gian. Phi đội cũng sẽ tiến hành điều hướng và liên lạc dựa trên vệ tinh cho các binh sĩ khác trên chiến trường.

Hãng tin Japanese Times thì cho hay, sự ra mắt của phi đội hoạt động không gian Nhật diễn ra trong bối cảnh Tokyo ngày càng lo ngại rằng các nước lớn khác trong khu vực châu Á đang tìm cách can thiệp, vô hiệu hóa hoặc phá hủy các vệ tinh.

Vì thế, đơn vị này của Nhật sẽ hợp tác với Bộ Chỉ huy Vũ trụ Mỹ mà Tổng thống Donald Trump thành lập năm ngoái và cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản, Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản.

"Điều quan trọng là chúng ta cũng có được sự vượt trội trong lĩnh vực không gian. Chúng tôi phải thích nghi với môi trường bảo mật mới càng sớm càng tốt", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nói và kêu gọi sự hợp tác của các trung tâm nghiên cứu và cơ quan dân sự khác.

Mở rộng vai trò của ASDF

Từ tháng 9-2019, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhiều lần đề cập đến việc ASDF có thể được "phát triển thành các Lực lượng không gian và vũ trụ" trong tương lai.

Ông Shinzo Abe lý giải rằng đã đến lúc cần thiết để Nhật  tăng cường những năng lực phòng thủ của đất nước trong không gian và đây "không phải là một giấc mộng viển vông" trong một môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng từng ngày.

Nhiệm vụ chính của phi đội hoạt động không gian là giám sát và bảo vệ các vệ tinh Nhật Bản khỏi các cuộc tấn công của kẻ thù hoặc các mảnh vỡ không gian. ảnh: Getty

Tháng 1-2020, Chính phủ Nhật đã trình lên Quốc hội dự thảo cải danh tên gọi của ASDF vào trong Luật Phòng vệ và Luật xây dựng Bộ Quốc phòng, trong đó đưa thêm một số quy định về nhiệm vụ của ASDF trong không gian vũ trụ, khu vực được xác định là không gian có độ cao trên 100km.

Biên chế cố định của ASDF hiện nay vào khoảng 47.000 người nhưng  theo dự thảo mới, sẽ có 70% biên chế hiện nay tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ truyền thống của ASDF tới nay, còn lại 30% sẽ được bổ sung nhiệm vụ bảo vệ không gian vũ trụ. Và từ năm 2020, phi đội hoạt động không gian phải được thành lập để đến năm 2026 phóng lên các loại vệ tinh có nhiệm vụ giám sát các vệ tinh bị khả nghi trong không gian.

Chi phí cho lĩnh vực không gian vũ trụ được xác định ở mức 50,6 tỷ Yen (tương đương 465 triệu USD) trong dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2021. Và với sự thúc đẩy tích cực của Thủ tướng Shinzo Abe, hôm 17-4, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua Luật Quốc phòng sửa đổi cho phép thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ, trực thuộc ASDF của nước này.

Tại lễ thành lập hôm 18-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cảnh báo rằng, phi đội này sẽ gặp nhiều thách thức trong thực hiện nhiệm vụ nhưng việc bảo vệ và giám sát các vệ tinh nhân tạo là rất quan trọng bởi đây là kênh thu thập và truyền tải thông tin quân sự không thể thiếu trong môi trường an ninh hiện nay.

Tới đây, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ triển khai hệ thống radar giám sát vũ trụ đặt tại tỉnh Yamaguchi, liên kết với Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và quân đội Mỹ để chuẩn bị xây dựng hệ thống giám sát vũ trụ và đưa hệ thống này vào hoạt động từ năm tài khóa 2023.

Khánh Chi
.
.
.