Hệ lụy từ những bê bối của cảnh sát Mỹ

Thứ Sáu, 08/05/2015, 07:00
Tổng thống Barack Obama đã chỉ trích cả người biểu tình gây bạo loạn và cách hành xử của cảnh sát thành phố Baltimore (có tính chất phân biệt đối xử với người da đen trong nhiều thập kỷ qua). Đồng thời nhấn mạnh, việc tụ tập biểu tình, đốt phá, gây bạo loạn và hôi của sau cái chết của Freddie Gray là những hành động không thể chấp nhận. Tính đến nay đã có hơn 20 cảnh sát bị thương, khoảng 235 người biểu tình bị bắt giữ trong cuộc bạo loạn tại Baltimore; hơn 150 xe ôtô, 15 tòa nhà và nhiều cửa hàng đã bị thiêu cháy hoặc đập phá.
Theo giới truyền thông, đã có ít nhất 5.000 lính vệ binh quốc gia được điều tới thành phố Baltimore để bảo vệ người dân và tài sản công cộng. Lãnh đạo cảnh sát bang Maryland cũng đã điều 500 cảnh sát tới Baltimore và yêu cầu tiếp viện thêm 5.000 cảnh sát khác. Thượng nghị sĩ Ben Cardin cho biết, đang chờ kết quả điều tra độc lập của Bộ Tư pháp về vụ thanh niên da màu Freddie Gray bị thiệt mạng hôm 19/4 với nhiều vết thương ở cột sống sau khi bị cảnh sát Baltimore giam giữ.

Chính quyền thành phố Baltimore cho biết, kết quả điều tra vụ việc của Freddy Gray sẽ được công bố vào thượng tuần tháng 5. Thị trưởng Baltimore Stephanie Rawlings-Blake đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại thành phố này từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau (từ 28/4 trong 1 tuần), và sẽ được gia hạn nếu cần thiết.

Tối 27/4, Thống đốc bang Maryland Larry Hogan cũng ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời đặt lực lượng Vệ binh Quốc gia trong tình trạng báo động cao để sẵn sàng ứng phó với làn sóng biểu tình bạo lực ngày càng leo thang tại thành phố Baltimore. Thống đốc Larry Hogan quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của chính quyền thành phố Baltimore sau khi số thanh niên biểu tình dự đám tang của Freddie Gray tấn công cảnh sát, đốt phá phương tiện giao thông và cửa hiệu…

Ngày 26/4, cảnh sát thành phố Baltimore đã bắt giữ 34 người quá khích sau khi làn sóng biểu tình phản đối cái chết của thanh niên da màu Freddie Gray bị biến thành bạo lực. Phát ngôn viên cảnh sát Baltimore Jeremy Silbert xác nhận, các vụ bắt giữ được thực hiện hôm 26/4 khi bạo lực làm 6 cảnh sát bị thương. Trước đó (25/4), bạo động đã xảy ra tại cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố Baltimore, với sự tham dự của ít nhất 2.000 người.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong các cuộc tuần hành diễn ra tuần qua nhằm yêu cầu cảnh sát công bố chi tiết về cái chết của Freddie Gray. Freddie Gray được chuẩn đoán chấn thương nghiêm trọng ở cột sống sau khi bị cảnh sát bắt hôm 12/4 và tử vong ngày 19/4 tại bệnh viện với thương tích 80% đốt sống cổ bị hủy hoại. 6 sỹ quan cảnh sát Baltimore đã bị đình chỉ công tác sau vụ việc này.

Trong khi đó, nhà chức trách bang Virginia cũng vừa xác nhận, cảnh sát thành phố Portsmouth đã bắn chết một thiếu niên tại bãi xe của một cửa hàng Wal-Mart (hôm 22/4) và vụ việc đang được điều tra. Theo hãng AP, cảnh sát đã đến cửa hàng Wal-Mart sau khi nhận được cuộc gọi báo về một vụ nghi ngờ ăn cắp tại đây và danh tính của cậu thiếu niên này không được tiết lộ.

 Bạo động tại thành phố Baltimore khiến nhiều cảnh sát bị thương.

Cũng trong ngày 22/4, luật sư của anh Francis Jared Pusok là Jared Pusok đã hoàn tất quá trình thỏa thuận với cảnh sát địa phương liên quan đến vụ bắt giữ tại buổi họp kín. Theo đó, anh Francis Jared Pusok, người bị cảnh sát rượt đuổi, đánh đập và bắt giữ tại thung lũng Apple hôm 9/4 chấp nhận đề nghị nhận 650.000 USD từ chính quyền bang California để "im lặng".

Bởi vụ bắt giữ kể trên được một chương trình tin tức vô tình quay lại và hành động bắt giữ quá bạo lực của cảnh sát đã khiến FBI mở cuộc điều tra và 10 cảnh sát liên quan bị đình chỉ công tác để điều tra.

Giới truyền thông cho biết, liên tiếp trong mấy tháng qua, căng thẳng tại một số bang của Mỹ đã gia tăng và đều liên quan tới hành vi của cảnh sát. Đầu tháng 4, một sĩ quan cảnh sát bang Carolina Nam đã bị sa thải sau khi bị cáo buộc giết người khi bắn chết người đàn ông da màu Walter Scott không có vũ khí. Trước đó, các vụ cảnh sát da trắng làm chết người da màu, nhưng được miễn truy tố đã làm bùng nổ làn sóng biểu tình tại Mỹ.

Ngày 14/4, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình tại thành phố New York, mang theo các tấm ápphích với những dòng chữ như "Chấm dứt việc cảnh sát giết người" để phản đối hàng loạt vụ cảnh sát bắn người da màu xảy ra trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều trường hợp dẫn tới tử vong. Theo những người tổ chức biểu tình cho biết, kể từ tháng 1/2015, cảnh sát Mỹ đã bắn hơn 90 người không có vũ trang, gây phẫn nộ trong dư luận.

Mạnh Phong
.
.
.