Hệ lụy từ vụ tấn công của mã độc WannaCry

Thứ Hai, 29/05/2017, 14:19
Cùng với sự tăng giá của bitcoin là việc hốt bạc của nhiều công ty bảo hiểm - trở thành người hưởng lợi từ đợt tấn công của mã độc WannaCry.


Ngày 22-5 được gọi là Bitcoin Pizza Day bởi 7 năm trước, lập trình viên Laszlo Hanyecz đã bỏ ra 10.000 bitcoin để mua 2 chiếc pizza Papa John's (0,003 USD/bitcoin) và đó là giao dịch đầu tiên bằng tiền ảo trên thế giới.

Số tiền ảo kể trên hiện tương đương với hơn 20 triệu USD bởi mỗi bitcoin đang có giá trên 2.200 USD và kể từ đầu năm đến nay nó đã tăng 130%.

Bitcoin được bí mật tạo ra trên Internet năm 2009 (hiện có khoảng 15 triệu bitcoin) và tuy không được Chính phủ nào công nhận là "tiền tệ hợp pháp", nhưng nó vẫn là loại tiền ảo được ưa chuộng nhất.

Theo nhận định của chuyên gia Aurelien Menant - CEO kiêm sáng lập sàn giao dịch Gatecoin, giá của bitcoin có thể lên tới 3.000 USD vào cuối năm nay.

Theo hãng CNBC, có nhiều nguyên nhân khiến bitcoin tăng giá, trong đó đáng kể nhất là việc Nhật Bản vừa thông qua luật cho phép các nhà bán lẻ nhận thanh toán bằng loại tiền ảo này.

Tin tặc bắt các nạn nhân phải thanh toán tiền chuộc bằng Bitcoin.

Theo trang CryptoCompare, số lượng giao dịch loại tiền ảo này bằng đồng yen và đồng won tăng mạnh và chiếm khoảng 48,6%.Tuy nhiên, nhiều người đang lo ngại bitcoin sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn sau vụ tấn công của mã độc WannaCry vào hệ thống máy tính tại ít nhất 155 quốc gia.

Bởi tin tặc đã bắt nạn nhân phải thanh toán bằng bitcoin nếu không muốn bị mất dữ liệu. Và việc tìm ra người đứng sau các giao dịch bitcoin bất hợp pháp rất khó bởi danh tính của họ được bảo mật bằng các hình thức mã hoá.

Do đó, vai trò của bitcoin trong việc lây lan mã độc đang gây nhiều tranh cãi. Những người ủng hộ bitcoin cho rằng, việc tội phạm tập trung vào sử dụng đồng tiền này cho thấy sự thay đổi tích cực mà một loại tiền điện tử có thể mang lại cho các quốc gia trên thế giới.

Cùng với sự tăng giá của bitcoin là việc hốt bạc của nhiều công ty bảo hiểm - trở thành người hưởng lợi từ đợt tấn công của mã độc WannaCry. Theo tờ Financial Times, thị trường bảo hiểm không gian mạng mấy năm qua bắt đầu phát triển, với số tiền đóng bảo hiểm mỗi năm khoảng 3 tỉ USD và con số này có thể tăng tới 20 tỉ USD vào năm 2025.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Nga vừa xác nhận việc bắt một nhóm gồm 20 tin tặc bị tình nghi đánh cắp số tiền 50 triệu ruble (khoảng 875.000 USD) từ các tài khoản ngân hàng của người dân nước này.

Nhóm tin tặc tấn công khách hàng của Ngân hàng nhà nước Sberbank, và đánh cắp tiền từ các tài khoản tại Ngân hàng Alfa Bank và công ty thanh toán trực tuyến Qiwi.

Cảnh sát Nga xác định, nhóm tin tặc kể trên đã sử dụng virus Trojan để xâm nhập vào hệ thống điện thoại thông minh, sau đó âm thầm chuyển tiền tới những tài khoản đã định thông qua lệnh gửi tin nhắn ẩn.

Và chúng đã sử dụng phần mềm độc hại cài trong các thiết bị di động chạy hệ điều hành Android để đánh cắp dữ liệu của khách hàng.

Điều đáng nói là tuy chỉ hoạt động ở Nga trước khi bị bắt, nhưng nhóm tin tặc này đã lên kế hoạch tấn công các ngân hàng lớn ở châu Âu như Credit Agricole, BNP Paribas và Societe General của Pháp.

Phó Thư ký Hội đồng an ninh liên bang Nga Oleg Khramov cho biết, Moskva đã tạo ra một hệ thống đặc biệt (đã nhận được sự phê chuẩn của Tổng thống Putin) để phát hiện, ngăn chặn và tránh hậu quả của các vụ tấn công mạng nhằm vào nguồn thông tin của nước này.

Các nhà nghiên cứu Pháp đã tìm ra cách để khôi phục các tệp tin Windows nhiễm mã độc WannaCry và đây được coi là cơ hội cuối cùng khi thời hạn chót 1 tuần mà tin tặc đưa ra buộc các nạn nhân phải trả từ 300-600 USD tránh cho máy tính bị đánh sập.

Trong thông báo hôm 19-5, nhóm nghiên cứu cho biết, công cụ bẻ khóa WannaCry được đặt tên wannakiwi. Chính phủ Hàn Quốc vừa quyết định thành lập một đơn vị để chủ động đối phó với các vụ tấn công từ mã độc WannaCry.

Được biết, quan chức Chính phủ, nhà nghiên cứu tại các học viện kỹ thuật của nhà nước, trong đó Cơ quan mạng và an ninh Hàn Quốc (KISA) cùng các công ty công nghệ lớn như Microsoft Korea, Samsung Electronics Co… đều có mặt trong đơn vị kể trên.

KISA cho biết, hệ thống máy tính của 14 công ty tại nước này đã bị nhiễm mã độc WannaCry và họ nhận hơn 5.000 cuộc gọi yêu cầu điều tra các vụ đòi tiền chuộc.

Hãng chế tạo phần mềm an ninh của Nga Kaspersky vừa thông báo, việc cài đặt bản vá lỗi chính thức của Tập đoàn Microsoft và cập nhật phần mềm an ninh là biện pháp hiệu quả để bảo vệ máy tính tránh các vụ tấn công của mã độc WannaCry. Kaspersky cũng cảnh báo người dùng máy tính không nên sử dụng các phần mềm giải mã được quảng cáo trên Internet, bởi việc giải mã bằng những phần mềm này có thể gây hại nhiều hơn cho các máy tính đã bị nhiễm mã độc WannaCry. Theo Kaspersky, giải pháp hữu hiệu để bảo vệ các máy tính khi bị lây nhiễm mã độc WannaCry là cài lại hệ thống.
Phạm Huy Anh
.
.
.