Hệ lụy vụ bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks

Thứ Tư, 17/04/2019, 21:04
Tuy đã bắt 1 cộng sự của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, khi người này đang cố gắng trốn sang Nhật Bản, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Ecuador Maria Paula Romo không tiết lộ danh tính hay nhận dạng của nhân vật kể trên.

Được biết, vụ bắt cộng sự thân thiết của ông Julian Assange diễn ra cùng ngày với việc cảnh sát Anh bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks tại London, Anh. 

Vụ bắt ông Julian Assange được tiến hành sau khi Ecuador quyết định hủy bỏ quyền tị nạn chính trị của nhà sáng lập WikiLeaks. Và ngay sau khi bị bắt, ông Julian Assange đã bị dẫn ra trình diện tại tòa án Westminster ở thủ đô London.  

Thẩm phán đã kết tội ông Julian Assange vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại 7 năm trước (2012-2019), sau khi có yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển về cáo buộc xâm hại tình dục phụ nữ. Thẩm phán Michael Snow cho rằng, ông Julian Assange đã thể hiện là "người chỉ nghĩ đến bản thân và không thể vượt qua dục vọng cá nhân". 

Được biết, nhà sáng lập WikiLeaks bị giam đến ngày 2-5, khi ông phải ra điều trần trước tòa. Và nhà sáng lập WikiLeaks có thể đối mặt với bản án 12 tháng tù về tội danh này. Tờ The Guardianvừa dẫn tuyên bố của bà Ingrid Isgren, công tố viên Thụy Điển - Thụy Điển "không hay biết và không hiểu tại sao lại bắt Julian Assange". Nhưng theo Cơ quan công tố Thụy Điển, họ đang cân nhắc tái điều tra đối với ông Julian Assange trước các cáo buộc tấn công tình dục.

Vụ ông Julian Assange bị bắt tại Anh có thể mở đường cho khả năng nhà sáng lập WikiLeaks bị dẫn độ về Mỹ theo hiệp ước dẫn độ giữa hai nước. Bởi khi bắt ông Julian Assange, cảnh sát London cho biết, họ thay mặt Mỹ bắt nhà sáng lập WikiLeaks. 

Mỹ đã có yêu cần dẫn độ ông Julian Assange sau khi nhà sáng lập WikiLeaks bị cảnh sát Anh bắt tại Đại sứ quán Ecuador ở London hôm 11-4. Vì ông Julian Assange đang bị các công tố viên Mỹ buộc tội âm mưu xâm nhập máy tính chứa nhiều thông tin tuyệt mật của Chính phủ Mỹ cùng nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning năm 2010. Nếu bị kết án tại Mỹ, nhà sáng lập WikiLeaks sẽ phải chịu mức án 5 năm tù giam. 

Luật sư Carlos Poveda, người đại diện pháp lý của nhà sáng lập WikiLeaks cho rằng, thân chủ của ông sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng nếu bị dẫn độ và xét xử tại Mỹ. Theo tờ New York Times, vụ bắt ông Julian Assange có thể mở ra một hướng mới cho các cuộc điều tra về những nỗ lực của Nga trong việc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange bị bắt giữ tại Đại sứ quán Ecuador.

“Ecuador quyết định chấm dứt chế độ tị nạn đối với Julian Assange vì ông vi phạm các quy ước và thông lệ quốc tế", Tổng thống Ecuador Lenin Moreno viết trên Twitter. Tổng thống Lenin Moreno còn khẳng định, việc chấm dứt quy chế tị nạn ngoại giao cho ông Julian Assange là thực hiện chủ quyền của Ecuador. 

Đồng thời cho biết, Ecuador đã nhận được cam kết của Anh - nhà sáng lập WikiLeaks sẽ không bị dẫn độ tới quốc gia, nơi ông có thể phải đối mặt với án tử hình. Nhưng theo cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa, người kế nhiệm Lenin Moreno là "kẻ phản bội lớn nhất trong lịch sử Ecuador nói riêng và châu Mỹ Latin nói chung", vì đã cho cảnh sát Anh vào Đại sứ quán Ecuador ở London bắt người. 

Trước đó (8-4), Ecuador thông báo sẽ điều tra nhà sáng lập WikiLeaks vì tình nghi ông có liên quan tới việc tiết lộ thông tin về cuộc sống gia đình của Tổng thống Lenin Moreno. Theo giới truyền thông, nhà sáng lập Wikileaks đã la hét khi bị 7 cảnh sát còng tay và khiêng ra khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London. 

Theo thông báo của cảnh sát Anh, họ được Đại sứ Ecuador mời tới Đại sứ quán Ecuador ở London để bắt ông Julian Assange sau khi nước này hủy chế độ tị nạn đối với nhà sáng lập WikiLeaks. "Ecuador chấm dứt bất hợp pháp việc tị nạn chính trị của ông Julian Assange là vi phạm luật pháp quốc tế", đại diện WikiLeaks đăng trên Twitter.

Cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, người đã tiết lộ nhiều bí mật về những chương trình theo dõi người dân của chính phủ Mỹ và Anh, coi ngày ông Julian Assange bị bắt là "một ngày đen tối cho tự do báo chí". 

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Moskva sẽ đưa vụ bắt ông Julian Assange ra các tổ chức quốc tế, bởi nó vi phạm quyền của các nhà báo và tấn công vào tự do ngôn luận. 

Được biết, Nga sẽ tham khảo ý kiến của các tổ chức nghề nghiệp báo chí về tình huống chưa từng có tiền lệ này. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã gửi lời cảm ơn đến Tổng thống Lenin Moreno sau khi Ecuador chấm dứt quy chế tị nạn cho ông Julian Assange. 

Thủ tướng Anh Theresa May đã hoan nghênh việc bắt nhà sáng lập WikiLeaks - điều này chứng minh không ai có thể đứng trên pháp luật. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, quyết định hủy bỏ quyền tị nạn chính trị của nhà sáng lập WikiLeaks là do Ecuador tự đưa ra và London không vận động việc này. 

Quốc Dũng
.
.
.