Hiệp định Abraham: Khi hòa bình là sự đánh đổi

Thứ Ba, 20/10/2020, 10:30
Thỏa thuận hòa bình giữa Israel với hai nước thuộc khối  Arab là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain mới đây đã mở ra một chương mới cho nền hòa bình Trung Đông. Nhưng có thực sự đó là một nền hòa bình bền vững?


Thỏa thuận đầy bất ngờ

Trong một khoảng thời gian rất dài, người ta đã nghĩ rằng hòa bình cho Trung Đông là một điều không tưởng. Khi một quốc gia Do Thái tồn tại giữa cộng đồng Hồi giáo, dựa vào đồng minh là một cường quốc hùng mạnh và tiềm lực quân sự của mình dần dần thách thức các quốc gia Hồi Giáo khác để xây dựng nhà nước riêng thì đó chẳng khác nào cái gai trong mắt cộng đồng Hồi giáo đông đảo này. Quả thật, trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, Israel, Nhà nước của Do Thái đã luôn trở thành mục tiêu tấn công của cộng đồng Hồi giáo.

Từ cuộc chiến tranh Arab - Israel ngay trong những ngày đầu thành lập tới nay, xung đột giữa cộng đồng  Arab và quốc gia Do Thái này đã trở thành vấn đề nan giải không có lối thoát. Mấu chốt của xung đột nằm ở việc Israel đã không ngừng mở rộng lãnh thổ của mình trên các phần đất của người  Arab cũng như hòa bình và thành lập nhà nước riêng cho người Palestine.

Bản thân cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đã rất nỗ lực thúc đẩy hòa bình Trung Đông cũng đã từng phải thừa nhận "Đó là một thực tế khó khăn" và "Sẽ không có tiến bộ hay các hòa ước riêng lẻ với thế giới Arab nếu không có hòa bình cho Palestine".

Thế nhưng, "thực tế khó khăn" đó đã bị đảo ngược bởi Hiệp định Abraham được ký hôm 15 tháng 9 vừa qua. Đó là một hiệp định hòa bình riêng lẻ giữa hai quốc gia  Arab là UAE và Bahrain với Israel mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào đặt ra để mở ra một cơ hội mới cho nền hòa bình khu vực. Sự việc diễn ra đơn giản và thật bất ngờ đúng vào lúc mà người ta còn đang mải chú ý tới đại dịch COVID - 19 hay những vấn đề nổi cộm hơn ở Trung Á hoặc Thái Bình Dương.

Hiệp định Abraham được ký, để lại sau đó rất nhiều nguy cơ khác.

Điều đặc biệt nhất của hiệp định Abraham này nằm ở chính phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain, ông Khalid Al Khalifa: "Israel là một phần di sản của toàn khu vực này. Người Do Thái có một vị trí trong vùng đất của chúng ta".

Như vậy, một cách chính thức đã có sự công nhận của người  Arab về sự tồn tại của nhà nước Israel ở trạng thái hiện tại. Điều này khác hoàn toàn với tư duy trước kia cho rằng Israel là những kẻ xâm chiếm và vấn đề nằm ở những khu định cư hay vùng lãnh thổ Jerusalem của người Palestine. Thỏa thuận này chứng tỏ rằng các quốc gia trong khu vực đã thay đổi cách tiếp cận trong quá khứ để hướng tới những mục tiêu khác.

Sự thay đổi trong cách tiếp cận

Thực tế, dù vẫn tồn tại sự thù địch không nhỏ trong cộng đồng Hồi giáo với nhà nước Israel thì không gì có thể đảo ngược được sự tồn tại của nhà nước Do Thái này trong khu vực. Từ những cam kết quốc tế được Liên Hợp quốc bảo trợ cho đến những tình hình thực tế, các quốc gia Hồi giáo đã gần như không có khả năng xóa sổ nhà nước Israel như họ từng tuyên bố. Sự lớn mạnh về kinh tế, chính trị lẫn quân sự của Israel là điều kiện kiên quyết để người Do Thái bảo vệ được sự tồn tại của mình giữa vòng vây thù địch suốt hơn bảy thập kỷ qua. Thêm vào đó, sự chia rẽ trong chính cộng đồng khối  Arab cũng đã đẩy những mối quan hệ trong khu vực này sang các hướng khác nhau.

Trong nhiều thập niên, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đã giúp tập hợp các quốc gia  Arab xung quanh một mục tiêu chung là ủng hộ tư cách nhà nước của Palestine. Nhưng kể từ cuộc nổi dậy Mùa xuân  Arab năm 2011, các quốc gia trong khối đã bị chia rẽ nặng nề khi phải tập trung giải quyết những vấn đề nội bộ của mình.

Đồng thời với những khó khăn về kinh tế, chính trị và xã hội là sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố đã thách thức sự tồn tại của nhiều quốc gia. Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran với những khác biệt về tư duy trong khu vực đã khiến nhiều quốc gia Ả Rập coi đây như một đối trọng mới. Và một trong những cách để cân bằng lại cục diện này là thắt chặt mối quan hệ với Mỹ, quốc gia luôn đặt sự tồn tại của Iran ở bên phía đối địch. Mà mọi cánh cửa tới Washington thì đều phải qua Tel Aviv.

Cũng như những quốc gia Hồi giáo thuộc dòng Sunni khác, UAE và Bahrain coi Iran - quốc gia Hồi giáo được đứng đầu bởi những người Shia- là một đối trọng từ lâu. Dù không trực tiếp như Mỹ hay Israel, nhưng một liên minh chống Iran đã luôn tồn tại trong cộng đồng này. Khi tầm ảnh hưởng của Iran lan rộng sang các quốc gia lân cận như Iraq, Syria trong vài năm qua thì tâm lý chống Iran cũng được đẩy mạnh hơn.

Hòa bình cho Trung Đông vẫn là mục tiêu còn xa.

UAE và Bahrain từ lâu đã là đồng minh thân cận với sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ. Không quân Mỹ đã triển khai những máy bay hiện đại nhất ở Abu Dhabi, trong khi Hạm đội 5 và Bộ tư lệnh Trung tâm của Hải quân Mỹ thì đóng tại Bahrain. Sự hiện diện quân sự đó đã khiến các nhà lãnh đạo của UAE và Bahrain xích lại gần Mỹ hơn, và vì liên minh chống Iran, họ cũng xích lại gần Israel hơn. Một thỏa thuận hòa bình với Israel không chỉ "ghi điểm" với Mỹ mà còn giúp hai quốc gia này tiếp cận được những công nghệ cao của Israel, tạo ra lợi thế không nhỏ cho họ trước những nguy cơ xung đột có thể xảy đến trong khu vực.

Trong khi ở một thái cực khác thì sự tồn tại yếu kém của chính quyền Palestine trong cuộc đấu tranh giành độc lập của riêng mình càng khiến cho cộng đồng  Arab trở nên mệt mỏi khi những giấc mơ về một nhà nước Palestine thực thụ theo thời gian cứ ngày một nhạt nhòa. Cuối cùng, họ đã phải hướng về phía đem lại cho mình nhiều lợi ích hơn. Có thể nói, họ đã đánh đổi quyền lợi của người Palestine lấy lợi ích cho mình.

Thời điểm của sự đổi thay

Chắc chắn người Palestine sẽ buồn khi chứng kiến "những người anh em  Arab" chọn con đường bình thường hóa quan hệ với kẻ thù. Nhưng khi đây là sự lựa chọn tất yếu trong bối cảnh hiện tại thì không gì có thể đảo ngược lại xu hướng đó. Khi không thể đạt được tiến triển trong cuộc xung đột Israel-Palestine, người Mỹ đã chuyển trọng tâm sang phần còn lại của khu vực.

Mâu thuẫn lớn nhất trong khu vực ở thời điểm hiện tại là giữa Iran và các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni. Trong cuộc xung đột này, người Mỹ đã thúc đẩy Israel xích lại gần các quốc gia Arab kia. Với tư cách là nhà trung gian hòa giải của khu vực thì khi người Mỹ thổi gió về hướng nào, con thuyền sẽ trôi theo hướng đó.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong thời gian vừa qua đã rất tích cực cho một mục tiêu như vậy. Những sự ủng hộ rõ ràng dành cho Israel cho thấy ông Trump đang hướng tới những mục tiêu mới. Những nỗ lực của Ngoại trưởng Mike Pompeo đã kết nối UAE và Israel suốt từ năm ngoái với những chuyến đi liên tục tới khu vực này bất chấp đại dịch COVID - 19, đồng thời cho thấy chính quyền ông Trump đã quyết tâm đưa ra thỏa thuận vào thời điểm này như thế nào. Một thỏa thuận hòa bình chỉ hơn một tháng trước ngày bầu cử rõ ràng đã đem đến lợi thế lớn cho ông Trump khi những lá phiếu đầu tiên được bỏ.

Với một liên minh chống Iran được thúc đẩy trong khu vực mở ra cơ hội cho những thỏa thuận tương tự tiếp theo. Oman đã ca ngợi hiệp định này báo hiệu họ có thể là quốc gia tiếp theo bình thường hóa quan hệ với Israel. Như vậy, cục diện Trung Đông đã một lần nữa xoay chiều bởi những đòi hỏi của thời cuộc, sẽ là một nền hòa bình mới nhưng cũng có thể là một mối nguy cơ tiềm ẩn khác bắt đầu nảy sinh khi những người Palestine thấy mình bị bỏ rơi hay Iran cảm nhận rõ sự thù địch ngày càng lớn. Chính vì vậy, một thỏa thuận hòa bình đôi khi không hòa bình như người ta tưởng.

Tử Uyên
.
.
.