"Hồ sơ Panama": Ngăn chặn tình trạng trốn thuế

Thứ Tư, 27/04/2016, 13:57
Sau cuộc khám xét kéo dài 27 giờ đồng hồ cách đây 10 hôm, ngày 22-4 (theo giờ địa phương), các điều tra viên Panama lại khám xét một nhà kho thuộc Công ty luật Mossack Fonseca. Và theo giới truyền thông Panama, các điều tra viên đã rời nhà kho của Mossack Fonseca với những chiếc túi đựng đầy các mẩu giấy bị cắt vụn.

Đây là vụ khám xét thứ hai nhằm vào Mossack Fonseca ở Panama, sau khi cuộc đột kích thứ nhất diễn ra hôm 12-4 không tìm thấy bằng chứng xung quanh "Hồ sơ Panama". Công ty luật Mossack Fonseca tuyên bố, sẵn sàng hợp tác điều tra và tài liệu trong kho lưu trữ là "thông tin" mà công tố viên đã có trong đợt khám xét trước đó. Đồng thời nhấn mạnh, các tài liệu bị cắt vụn là chờ được tái chế.

Động thái này diễn ra sau khi Liên đoàn các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tuyên bố, không hợp tác với cuộc điều tra hình sự xung quanh "Hồ sơ Panama" của Bộ Tư pháp Mỹ. Theo tờ Guardian, việc này diễn ra sau khi Công tố viên Liên bang khu vực Manhattan Preet Bharara viết thư cho ICIJ (19-4) để tìm thêm thông tin, hỗ trợ cuộc điều tra trốn thuế tại Mỹ.

Ông Preet Bharara cho biết, nhiều người trong số 200 công dân Mỹ có tên trong "Hồ sơ Panama" đang bị điều tra và Văn phòng Chưởng lý Quận Nam New York đã điều tra hình sự về các vấn đề liên quan. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, cuộc điều tra kể trên diễn ra sau khi Tổng thống Barack Obama coi những thông tin rò rỉ từ "Hồ sơ Panama" là vấn đề quan trọng và hình thức trốn thuế trên thế giới đang trở thành một rắc rối lớn. Trong khi đó, ICIJ thông báo với các công tố viên thuộc văn phòng của ông Preet Bharara về việc không phát hành những thông tin chưa được công bố trong số 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ từ "Hồ sơ Panama".

Báo giới và cảnh sát Panama tại một nhà kho thuộc công ty Mossack Fonseca.

Ngày 23-4, Bộ trưởng Tài chính các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem khẳng định, các nước EU nhận thức được sự cấp thiết của vấn đề này và đang thương đàm để thống nhất các biện pháp cần thiết, lấp lỗ hổng trong hệ thống pháp luật bị lợi dụng để trốn thuế.

Trước đó (12-4), EU đã ban hành quy định yêu cầu các công ty có doanh thu trên 750 triệu euro/năm đang hoạt động tại EU, phải công bố một số thông tin quan trọng như thuế, nhằm ngăn chặn họ chuyển doanh thu cho công ty mẹ hoặc công ty con bên ngoài châu Âu, qua đó giảm bớt khoản thuế phải đóng.

Giới chuyên môn quan tâm tới quyết định của 4 trong số các tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hợp quốc và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thông báo về một cơ chế hợp tác chống trốn thuế. Và đây được coi là bước đầu trong công tác xây dựng và ban hành những công cụ và tiêu chuẩn chống trốn thuế mang tầm quốc tế.

Và mục tiêu đầu tiên là hỗ trợ các quốc gia đang phát triển phát hiện và đấu tranh với các tập đoàn và doanh nghiệp đa quốc gia sử dụng những thủ thuật để giảm hoặc trốn thuế. Liên hợp quốc cho rằng, chính phủ của các nền kinh tế đang phát triển bị thất thoát hàng tỷ USD tiền thuế mỗi năm.

Trong khi đó, các công tố viên Venezuela vừa truy tố doanh nhân Josmel Velasquez về tội rửa tiền, sau khi có thông tin từ "Hồ sơ Panama". Josmel Velasquez và mẹ đẻ Amelis Figueroa bị bắt tại một sân bay bên ngoài thủ đô Caracas hôm 15-4, khi 2 người đang tìm cách trốn ra nước ngoài. Theo những tiết lộ có trong "Hồ sơ Panama", Josmel Velasquez cùng anh trai là Adrian Velasquez, nguyên trợ lý của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, đã mở một công ty ma tại Cộng hòa Seychelles để giấu số tài sản trị giá 50.000 USD. 

Bộ Hiện đại hóa và Cơ quan chống tham nhũng Argentina đã cho đăng công khai trên mạng kê khai tài sản của 45.000 viên chức chính phủ và nghị sỹ trong năm 2014 và 2015. Theo đó, Argentina trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ đăng công khai tài sản của viên chức và nghị sỹ.

Đây là một phần trong kế hoạch phòng, chống tham nhũng và tăng cường tính minh bạch do Tổng thống Mauricio Macri triển khai. Argentina đặt mục tiêu có tên trong danh sách 10 quốc gia minh bạch hàng đầu thế giới. Và động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Mauricio Macri nằm trong danh sách 12 nguyên thủ quốc gia và cựu lãnh đạo các nước bị tố cáo có tên trong "Hồ sơ Panama".

Theo tờ MintPress News cho biết, khi trả lời phỏng vấn hãng Al-Jazeera, nhà sáng lập Wikileaks Assange đã hoan nghênh việc ICIJ và một số cơ quan báo chí công bố nội dung điều tra "Hồ sơ Panama", nhưng kêu gọi các bên hữu quan cần công bố 11,5 triệu tài liệu đang sở hữu - cái mọi người cần là bộ dữ liệu của "Hồ sơ Panama". Và "Hồ sơ Panama" vừa tiết lộ danh tính của tỷ phú giàu nhất châu Á Lý Gia Thành.

Tuệ Sỹ
.
.
.