Hồ sơ Panama: Vệt dầu tiếp tục loang

Thứ Hai, 16/05/2016, 15:04
Hội nghị chống tham nhũng tại London được tổ chức ngày 12-5, do Thủ tướng Anh David Cameron chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo 40 quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi diễn ra sau khi "Hồ sơ Panama" tiết lộ thêm nhiều cái tên và hơn 300 nhà kinh tế yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới cần chấm dứt sự tồn tại của các "thiên đường thuế".


"Không phải tự nhiên mà có thiên đường thuế. British Virgin Islands không tự mình trở thành thiên đường thuế. Và chúng ta chẳng cần "Hồ sơ Panama" cũng biết nạn gian lận thông qua các thiên đường thuế đang tràn lan. Hệ thống này cần phải kết thúc nhanh chóng", ông Jeffrey Sachs, nhà kinh tế Mỹ, cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh.

Những con số biết nói

Nhiều phản ứng đã diễn ra sau khi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tiếp tục công bố "Hồ sơ Panama" dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org. "Hồ sơ Panama" đã tiết lộ thông tin cơ bản về hơn 200.000 công ty, quỹ tín thác, tổ chức được thành lập tại 21 "thiên đường thuế", từ Hongkong tới Mỹ. Và cũng như lần tiết lộ hồi thượng tuần tháng 4, nhiều cá nhân và công ty đang phải giải trình với cơ quan chức năng. Theo tiết lộ của ICIJ, có ít nhất 36 người Mỹ bị cáo buộc có hành vi vi phạm về tài chính.

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela.

Theo đó, một số tài khoản bí mật do nhà tài phiệt Martin Frankel, người năm 2002 bị cáo buộc 20 tội danh lừa đảo và âm mưu gian lận, sở hữu. Ngoài ra, Andrew Wiederhorn, giám đốc một tập đoàn ở bang Oregon, Mỹ, người phạm 2 trọng tội liên quan đến bê bối doanh nghiệp, cũng sở hữu tài khoản bí mật bị tiết lộ lần này. Số công ty vỏ bọc cùng tổ chức, cá nhân có liên quan tới Mỹ là 6.254 và 7.325. 

Ngoài ra, nhiều ngân hàng Mỹ cũng xuất hiện trong "Hồ sơ Panama", đó là Bank of America, Wells Fargo, JPMorgan Chase, Citigroup, Morgan Stanley và Goldman Sachs. Một số ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Mỹ như HSBC, Barclays, Deutsche Bank, BNP Paribas, Societe Generale, ABN Amro, Credit Suisse và UBS cũng bị "lộ sáng" lần này. 

Theo ước tính của tổ chức Mạng lưới Tư pháp thuế có trụ sở tại Anh, khoảng 50 ngân hàng tư nhân hàng đầu thế giới đang trực tiếp hoặc gián tiếp nắm giữ gần 75% tài sản tư nhân ở nước ngoài. Và theo nhận xét của tờ Nikkei, lần này Trung Quốc trở thành cái tên được dư luận quan tâm khi có tới 25.000 thực thể được đề cập trong "Hồ sơ Panama". 

Trong lần tiết lộ này, khoảng 300 người giàu có và nhiều công ty Nhật Bản cũng bị điểm danh. Trước đó, Cơ quan Quản lý thuế của Mexico (SAT) cho biết, 30/33 trường hợp Mexico liên quan tới "Hồ sơ Panama" đã được xác nhận danh tính đầy đủ, và 3 trường hợp còn lại vẫn đang trong quá trình điều tra.

Thủ tướng New Zealand John Key.

ICIJ cho biết, các dữ liệu được công bố trên mạng (từ rạng sáng ngày 10-5, theo giờ Việt Nam) đã được lọc lại để hủy bỏ các số tài khoản, các giao dịch tài chính, địa chỉ email, hộ chiếu, số điện thoại của các chủ tài khoản… Theo ICIJ, các thông tin kể trên được lưu trữ trong một cơ sở dữ liệu có công cụ tìm kiếm, chỉ là một phần trong số các tài liệu bị rò rỉ của Công ty luật Mossack Fonseca tại Panama. 

Ước tính có hơn 360.000 cái tên đứng sau các công ty ma. "Chúng tôi nghĩ thông tin về chủ sở hữu công ty cần được công bố công khai, minh bạch. Nhưng đó không phải là việc tiết lộ thông tin cá nhân quy mô lớn", Phó giám đốc ICIJ Marina Walker Guevara nhấn mạnh. Theo giới truyền thông, trước khi "Hồ sơ Panama" bị công bố đợt hai, Công ty luật Mossack Fonseca đã gửi thư cho ICIJ, hối thúc tổ chức này không công bố số tài liệu mật của họ. 

Trong bức thư đề ngày 6-5, Mossack Fonseca nhấn mạnh, hoạt động của họ đều hợp pháp, và số tài liệu ICIJ đang nắm giữ là do tin tặc đánh cắp thông qua việc thâm nhập vào cơ sở dữ liệu của công ty từ các máy chủ nước ngoài.

Trước thời khắc ICIJ công bố "Hồ sơ Panama" đợt 2, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela tuyên bố (9-5), sẵn sàng hợp tác với các quốc gia và tổ chức trên thế giới xung quanh chủ đề này. Đồng thời cho rằng, trốn thuế và rửa tiền là vấn đề toàn cầu, không phải của riêng Panama. Ngoài ra, ông Juan Carlos Varela còn nhận định, việc công bố "Hồ sơ Panama" là kết quả của cuộc chiến ngầm giữa các cường quốc. "Dường như chính trị nội bộ và sự khác biệt giữa các cường quốc có tác động đến cách giải quyết những vấn đề này. Và việc các cường quốc sử dụng Panama là nơi diễn ra cuộc chiến đó là không tốt", Tổng thống Juan Carlos Varela nhấn mạnh. 

Theo ông Juan Carlos Varela, nếu các cường quốc muốn đối phó với nhau, họ nên làm việc đó ở quốc gia mình, không được sử dụng hệ thống tài chính của Panama vào mục đích này. Phòng Thương mại Công nghiệp và Nông nghiệp Panama nhận định, "Hồ sơ Panama" đang làm rung chuyển đất nước.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Tax Justice Network (TJN), liên minh của Anh gồm các nhà nghiên cứu và những người phản đối vấn nạn trốn thuế và thiên đường thuế, tới cuối năm 2014, hơn 12.000 tỷ USD đã bí mật "chạy khỏi" Nga, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi, được chuyển sang các tài khoản bí mật ở nước ngoài. Nghiên cứu của TJN cho thấy, chỉ cần áp 1% thuế vào khối tài sản được cất giữ tại hải ngoại đã thu về hơn 120 tỷ USD/năm, gần bằng con số 131 tỷ USD ngân sách viện trợ nước ngoài trên thế giới. 

Theo nhận định của Giáo sư Trường Đại học Columbia James Henry (tác giả của nghiên cứu kể trên), trốn thuế không phải là động cơ duy nhất để các tổ chức hay cá nhân gửi tiền tại các "thiên đường thuế", mà tội phạm và quan tham cũng thường sử dụng các "thiên đường thuế" để rửa tiền hoặc giấu của cải.

Cái khó của Thủ tướng New Zealand

Trong lần tiết lộ này, dư luận và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới cái tên New Zealand, bởi sau khi phối hợp điều tra những thông tin rò rỉ từ Công ty luật Mossack Fonseca, nhà báo Nicky Hager cùng Đài phát thanh Radio New Zealand và Đài truyền hình TVNZ đều có chung kết luận. Theo đó, New Zealand có liên quan tới các quỹ tín thác và công ty hải ngoại được nhiều người giàu có ở Mỹ Latin dùng để cất giấu tiền. 

Theo tiết lộ từ "Hồ sơ Panama", có hơn 61.000 tài liệu liên quan tới New Zealand - được đánh giá là một trong những khu vực mới, thích hợp cho hoạt động trốn thuế, bảo mật và an toàn. Và trung tâm của các hoạt động ở New Zealand là Robert Thompson, cựu nhân viên Sở Thuế vụ New Zealand (IRD), đồng sáng lập và là Giám đốc Công ty kế toán Bentleys New Zealand, chủ nhân của văn phòng đại diện Mossack Fonseca ở nước này. 

Cơn địa chấn ''Hồ sơ Panama'' một lần nữa cho thấy sự bất công quá lớn trong xã hội.

Theo công ty kế toán Bentleys New Zealand, luật pháp New Zealand cho phép các quỹ và công ty hải ngoại không phải nộp thuế. Nhưng khi trả lời phỏng vấn với Radio New Zealand, ông Robert Thompson khẳng định, công ty của mình không hỗ trợ khách hàng che giấu tài sản. "Quan điểm coi tất cả quỹ nước ngoài ở New Zealand được sử dụng vì mục đích bất chính là vô căn cứ", ông Robert Thompson nhấn mạnh.

Theo kết quả điều tra của nhà báo Nicky Hager, IRD không biết ai là người thực sự đứng sau những quỹ kể trên và không bao giờ xem tài khoản, cũng như hoạt động của họ. Và điều này cho thấy, New Zealand đã trở thành "thiên đường thuế" vì có chính sách miễn thuế, mức độ bảo mật cao và an ninh pháp lý. Giới truyền thông New Zealand đã dẫn lại các số liệu thống kê cho thấy, số lượng quỹ nước ngoài ở New Zealand tăng mạnh từ dưới 2.000 cách đây 10 năm, lên gần 10.700 tại thời điểm hiện nay.

Và Thủ tướng New Zealand John Key đang đối mặt với nhiều áp lực sau khi giới truyền thông New Zealand dẫn thông tin và số liệu được phân tích từ hơn 61.000 tài liệu kể trên. Radio New Zealand từng dẫn lời của Thủ tướng New Zealand John Key khẳng định, không có gì sai đối với các quỹ và công ty hải ngoại ở nước này khi "Hồ sơ Panama" công bố hồi thượng tuần tháng 4. 

Nhưng một tuần sau, ông John Key đã yêu cầu xem xét lại các luật về công ty hải ngoại sau khi "Hồ sơ Panama" chỉ ra các lỗ hổng pháp lý của New Zealand. Đồng thời cho biết, IRD sẽ theo dõi mọi tiết lộ từ "Hồ sơ Panama" liên quan tới New Zealand và chính phủ nước này đang làm việc với các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để ngăn chặn các lỗ hổng về thuế.

Ngay sau khi "Hồ sơ Panama" tiết lộ thông tin, ông Andrew Little, lãnh đạo Công đảng đối lập đã yêu cầu chính phủ cần hành động để bảo vệ danh tiếng của New Zealand - phải hủy bỏ hệ thống pháp lý biến nước này thành một trong những "thiên đường thuế". Lãnh đạo đảng Tương lai Thống nhất Peter Dunne cho rằng, những tiết lộ từ "Hồ sơ Panama" ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước và không muốn New Zealand trở thành "thiên đường thuế". 

Ông James Shaw, lãnh đạo đảng Xanh còn kêu gọi Thủ tướng John Key "chấm dứt bảo vệ ngành công nghiệp trốn thuế" và yêu cầu điều tra toàn diện vấn đề này. Về phần mình, Thủ tướng John Key luôn bác bỏ các cáo buộc cho rằng, trốn thuế đang tràn lan ở New Zealand. "Nếu thật sự cần thiết phải thay đổi luật về lập quỹ nước ngoài, chính phủ sẽ cân nhắc và hành động", ông John Key khẳng định.

Chính quyền Colombia vừa bắt Nidal Waked (đêm 4-5 tại sân bay quốc tế Bogota), doanh nhân nổi tiếng tại Panama, và đóng băng nhiều công ty liên quan đến người này với cáo buộc rửa tiền. Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, Nidal Waked cùng Abdul Waked thành lập một mạng lưới rửa tiền thông qua các hoạt động mua bán bất động sản, cùng các doanh nghiệp tài chính và bán lẻ tại 14 quốc gia Mỹ Latin. Ngay sau khi biết tin, cơ quan chức năng Mỹ đã yêu cầu Colombia dẫn độ Nidal Waked vì hắn bị cáo buộc hoạt động bất hợp pháp tại quốc gia này. Mỹ coi Nidal Waked là một trong những kẻ rửa tiền và buôn bán ma túy lớn nhất thế giới và nếu bị kết tội, hắn phải đối mặt với 70 năm tù giam.
Mạnh Phong - Nhiệm Bình
.
.
.