"Hồ sơ Panama": Điều tra hàng trăm tổ chức và cá nhân

Thứ Hai, 23/05/2016, 22:00
Sau khi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố thêm thông tin xung quanh "Hồ sơ Panama", nhiều quốc gia trên thế giới đã mở rộng công tác điều tra đối với những cá nhân và tổ chức bị "lộ sáng". Trong số các nước kể trên, Mexico được coi là mạnh tay trong lĩnh vực này khi quyết định mở rộng diện bị điều tra trốn thuế và rửa tiền đối với hàng trăm cá nhân và doanh nghiệp. 


Trong thông báo ngày 16-5, Cơ quan Quản lý thuế Mexico (SAT) cho biết, có 154 trường hợp có tên trong danh sách Đăng ký đóng thuế liên bang (RFC) và 109 trường hợp đang bị điều tra với sự hợp tác và trợ giúp của Ủy ban Chứng khoán và Ngân hàng Quốc gia (CNBV). SAT cũng cho rằng, thời gian tới sẽ còn có nhiều cái tên có liên quan tới "Hồ sơ Panama" bị tiết lộ, sau khi các cá nhân và doanh nghiệp đến giải trình tại cơ quan thuế liên bang. 

Trước đó, Mexico từng điều tra đối với 33 cá nhân và doanh nghiệp, sau khi ICIJ tiết lộ danh tính của họ trong "Hồ sơ Panama". Và tính đến nay, 30/33 trường hợp kể trên (4 doanh nghiệp và 26 cá nhân), đã bị triệu tập và phải giải trình về những vấn đề liên quan tới thu nhập, giao dịch quốc tế, cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế theo luật định. Ngoài số doanh nghiệp và cá nhân kể trên, nhiều chính trị gia và nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí ở Mexico cũng bị điều tra sau khi họ xuất hiện trong "Hồ sơ Panama”.

ICIJ đăng tải lên mạng các dữ liệu mật trong vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”.

Cũng trong ngày 16-5, Bộ Tài chính Mỹ đã tiết lộ bí mật tài chính lớn nhất thế giới, khi lần đầu tiên công bố số nợ do Arab Saudi nắm giữ (được giữ bí mật từ những năm 1970 của thế kỷ trước). Theo đó, tính đến tháng 3-2016, Arab Saudi nắm giữ lượng trái phiếu kho bạc trị giá 116,8 tỉ USD và là chủ nợ lớn thứ 13 của Mỹ. Vẫn theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh) tuy chỉ có 60.000 dân số, nhưng lại sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá tới 265 tỉ USD. 

Cho tới nay Cayman vẫn được coi là "thiên đường thuế" bởi không đánh thuế doanh nghiệp, khuyến khích các công ty cất tiền ở đây để trốn thuế. Sau Cayman là Bermuda (một thiên đường khác) cũng sở hữu tới 63 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo giới truyền thông, Anh đã biến Cayman thành "thiên đường thuế" từ những năm 1960 của thế kỷ trước để cung cấp một trung tâm tài chính phụ cho London, để giới doanh nhân có thể giao thương ở nước ngoài. 

Và mặc dù từng bị "lộ sáng" hàng chục năm trước, nhưng Cayman chưa bao giờ có ý định dẹp bỏ "thiên đường thuế" của mình. Bởi theo cách lý giải trước đây của một số lãnh đạo Cayman, việc dẹp bỏ "thiên đường thuế" tại đây không giúp thế giới tốt đẹp hơn vì người ta sẽ chuyển sang địa điểm khác, chứ quyết không ngừng cuộc chơi. 

Ngoài ra, Thống đốc Alden McLaughlin cũng không đồng tình với cách gọi Cayman là "thiên đường thuế", mà phải gọi là "Trung tâm tài chính quốc tế" (IFC). Bởi theo ông Alden McLaughlin, IFC đang cạnh tranh quyết liệt và dữ dội - Thụy Sĩ, Monaco, Anh và bang Delaware của Mỹ cũng đang chạy đua trong việc thu hút doanh nghiệp tới làm ăn.

Theo tiết lộ của ICIJ, từ năm 2001, Công ty luật Mossack Fonseca đã giúp thành lập gần 1.100 công ty tại Mỹ. Giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới tòa nhà văn phòng 2 tầng Corporation Trust Centre ở số 1209, đường North Orange thuộc thành phố Wilmington, bang Delaware, Mỹ. Bởi theo tờ The Guardian, đây là địa chỉ hợp pháp của khoảng 285.000 công ty, nhiều hơn gấp 15 lần con số 18.000 công ty đăng ký ở tòa nhà 5 tầng Ugland House tại "thiên đường thuế" Cayman. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng gọi Ugland House là "tòa nhà lớn nhất thế giới về trốn thuế". 

Và theo thống kê, số công ty đặt tại Delaware còn nhiều hơn số dân của bang này. Trên trang web của Phòng Doanh nghiệp Delaware cho biết, bang Delaware tuy chỉ có 945.000 dân, nhưng có hơn 1 triệu doanh nghiệp đăng ký tại đây. Theo tờ The New York Times, doanh nghiệp tìm tới Delaware bởi bang này không thu thuế đối với những thu nhập liên quan đến tài sản vô hình, như quyền sở hữu thương hiệu hay bằng sáng chế. Ngoài Delaware, Nevada, Wyoming, South Dakota cũng được coi là "thiên đường thuế" tại Mỹ bởi chính quyền bang đưa ra các chính sách "quái chiêu".

Theo giới truyền thông, kể từ khi ICIJ tiết lộ "Hồ sơ Panama" đến nay, danh sách "thiên đường thuế" ngày một dài thêm. Được biết, trước sức ép của dư luận và phản ứng của nhiều quốc gia, năm 2013, Bermuda, Cayman cùng Anguilla, Montserrat, Turks và Caicos Islands đã phải ký hiệp định chia sẻ thông tin thuế với Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các "thiên đường thuế" kể trên mất đi cơ hội kiếm tiền từ những người giàu có, hay các doanh nghiệp trên thế giới.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.