Hồ sơ Panama: "thiên đường" gọi tên

Thứ Hai, 10/08/2020, 15:08
Đầu năm 2015, tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung nhận được 2,6 terabyte các tài liệu liên quan đến Công ty Luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama từ một nguồn tin giấu tên. Các dữ liệu chủ yếu bao gồm email, các tập tin PDF, hình ảnh, và các trích dẫn từ một cơ sở dữ liệu nội bộ của hãng. Các tài liệu trải dài từ những năm 1977 đến năm 2015.


Ngày 3-4-2016, Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố một bộ tài liệu mật gồm 149 tài liệu trong tổng số hơn 11,5 triệu tài liệu họ có trong tay. Các tài liệu này cung cấp thông tin chi tiết về hơn 214.000 công ty, bao gồm cả danh sách của các cổ đông và các giám đốc thực hiện việc trốn thuế ở nước ngoài.

Những người và các cơ quan bị nhận diện bao gồm nhiều nhà chính trị, các tổ chức giàu có và nhiều thế lực của nhiều quốc gia. Những tài liệu này được gọi với cái tên "Hồ sơ Panama" hay "tài liệu Panama".

Tranh biếm họa việc hồ sơ Panama bị rò rỉ được đăng tải trên The Daily Star.

Bản chất của hoạt động "trốn thuế" trong hồ sơ Panama

Hầu hết hoạt động trốn thuế đều được thực hiện qua công ty ngoại biên (Công ty Offshore). Offshore  là công ty được đăng ký ở những vùng lãnh thổ mà ở đó họ có được mức ưu đãi miễn thuế hoàn toàn nếu công ty hoạt động với những khoản lợi nhuận phát sinh ngoài lãnh thổ đó.

Những lãnh thổ này được gọi dưới những cái tên như thiên đường thuế hay ốc đảo thuế (tax havens). Nó được thành lập ra không chỉ để kinh doanh trực tiếp (thương mại xuất nhập khẩu 3-4 bên) mà còn dùng để thực hiện các mục đích như đầu tư vào một công ty ở nước nào đó, hay chỉ là một pháp nhân được bảo hộ bởi quốc gia đó đăng ký thành lập để cất giữ tài sản, ngoài ra còn có thể dùng để sở hữu bất động sản ở nước ngoài, mua chứng khoán... Có cả hàng trăm vùng lãnh thổ, quốc gia là nơi ẩn thuế trên khắp thế giới.

Cách thức công ty ngoại biên hoạt động trốn thuế được miêu tả đơn giản thông qua mô hình như sau: Hãy thử tưởng tượng, bạn có một công ty công nghệ, nghĩ ra một sản phẩm và bán online trên toàn cầu. Khi đó, một công ty ngoại biên ở Panama sẽ có lợi thế nào? Nếu mở công ty trong nước, đặt hàng sản phẩm hết 100 USD, chi phí hoạt động hết 100 USD, bán sản phẩm được 300 USD, lãi 100 USD và phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 30 USD.

Bạn sẽ còn lại 70 USD. Nếu bây giờ ta mở thêm công ty ngoại biên, chuyên để bán hàng online đi khắp toàn cầu, công ty này sẽ "mua bản quyền" công nghệ của công ty trong nước với giá 100 USD, vẫn đặt hàng nhà sản xuất hết 100 USD cho sản phẩm và vẫn thu 300 USD từ người mua hàng. Khi đó, công ty trong nước của bạn sẽ có doanh thu 100 USD và chi phí hoạt động là 100 USD.

Tức là kinh doanh hoà vốn, không phải đóng thuế. Còn công ty ngoại biên thì lại vẫn lãi 100 USD nhưng cũng ko phải đóng thuế vì được lập công ty ở Tax Haven (thiên đường thuế) như Panama, Cayman.... Nếu số tiền lãi này được chia cổ tức lại cho bạn thì bạn vẫn phải đóng thuế như thường.

Ảnh chụp bên ngoài trụ sở công ty luật Mossack Fonseca tại Panama đăng tại Toronto Star.
Cầu thủ bóng đá Lionel Messi Argentina là một trong ba người nổi tiếng ở Argentina được nêu tên trong hồ sơ Panama.

Tuy nhiên, cái hay nó lại nằm ở chỗ nếu bạn "tái đầu tư" số tiền lãi đó thì sẽ được "hoãn" thuế. Nếu cứ tiếp tục làm như vậy thì bạn sẽ "hoãn" thuế mãi mãi. Hệ thống như trên là hoàn toàn hợp pháp. Chính vì vậy, không phải ai có tên trong hồ sơ Panama cũng là phạm pháp. Họ chỉ phạm pháp khi nguồn gốc số tiền của họ không hợp pháp thôi.

Điều khiến công chúng phẫn nộ vì những cái tên trong hồ sơ Panama là sự bất bình đẳng giàu nghèo cũng như những vi phạm nghiêng về phạm trù đạo đức hơn. Những lợi thế mà công ty ngoại biên mang lại như kể trên chính là lý do khiến các thiên đường thuế trở nên hấp dẫn với các tổ chức và cá nhân trên khắp thế giới.

Mặc dù để vận hành hệ thống này, cũng tốn chi phí để thuê các công ty luật có tính bảo mật cao chuyên xây dựng các mối quan hệ. Tuy nhiên, chi phí bỏ ra luôn thấp hơn lợi ích các công ty nhận được (né được phần lớn tiền thuế).

Ngoài ra, đối với những người giàu có, việc mở công ty và tài khoản tại các thiên đường thuế còn có ý nghĩa giúp bảo vệ tài sản và bảo mật thông tin, bởi các thiên đường thuế này không bao giờ chia sẻ thông tin khách hàng, đảm bảo bí mật tuyệt đối. Việc hồ sơ Panama được công bố gây ra cơn sốc lớn trên toàn thế giới một phần là vì sự tò mò của thế giới, muốn biết các tỷ phú đang cất giấu tài sản là ai và hoạt động như thế nào.

Hồ sơ Panama: Thiên đường gọi tên

Trong một tuyên bố dài 1.800 từ, nhân vật đã tiết lộ Hồ sơ Panama lấy bí danh "John Doe" nói rằng chưa từng làm việc cho một cơ quan tình báo hay cơ quan chính phủ và chính sự bất bình đẳng thu nhập đã thôi thúc người này chia sẻ tài liệu mật.

Hồ sơ Panama nhắc đến nhiều cái tên quan trọng trên toàn thế giới và khiến một số chính trị gia hàng đầu phải từ chức vì sức ép. Một trong những nạn nhân chính trị đầu tiên của Hồ sơ Panama là Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson. Tài liệu tiết lộ ông và vợ đã lập tài khoản ở nước ngoài thông qua một công ty bình phong. Ông từ chức vào ngày 5-4-2016.

Tại Chile, người đứng đầu của Văn phòng Minh bạch Quốc tế đã từ chức vào ngày 4-4-2016. Giữa tháng 4-2016, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria cũng phải từ chức khi tên của ông và anh trai được liệt kê là nhà điều hành của công ty có trụ sở tại Bahamas, được lập ra thông qua hãng luật Mossack Fonseca.

Argentina có ba người nổi tiếng được nêu tên trong hồ sơ Panama, gồm cầu thủ bóng đá Lionel Messi, cựu Tổng thống Mauricio Macri, và một thân tín của cựu Tổng thống Nestor Kirchner.

Kojo Annan (tên gọi đầy đủ là Kojo Adeyemo Annan, sinh ngày 25-7-1973), con trai cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan (từ 1-1-1997 đến 31-12-2006), bị nêu tên trong thương vụ mua nhà ở London thông qua một công ty ở nước ngoài có trụ sở ở Samoa, đất nước Nam Thái Bình Dương. Theo đó, năm 2004, ông Kojo Annan, đã mua một căn hộ ở thủ đô London, Anh với giá hơn 560.000 USD. Và thời điểm bị công bố, bất động sản này được định giá khoảng 2 triệu USD.

"Hồ sơ Panama" cho biết, ngoài việc được đăng ký là Giám đốc duy nhất của Công ty Sapphire Holding Ltd ở Samoa, Kojo Annan còn được đăng ký là Giám đốc của 2 công ty có trụ sở tại quần đảo Virgin thuộc Anh ở Caribbe. Vẫn theo thông tin từ "Hồ sơ Panama", việc liên lạc thư từ giữa "cậu ấm" này với Công ty luật Mossack Fonseca được duy trì tới năm 2015.

Tại châu Âu, cha của cựu Thủ tướng David Cameron cũng có liên quan đến hoạt động của công ty lập ở nước ngoài. Ông Cameron thừa nhận hưởng lợi từ việc bán cổ phần trong quỹ đầu tư nước ngoài Blairmore Holdings của cha mình vào ngày 11-4-2016. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng Blairmore không được lập ra để trốn thuế và chỉ trích những "cáo buộc không đúng sự thật, gây tổn thương sâu sắc" về người cha quá cố của mình.

Đạo diễn nổi tiếng Tây Ban Nha Pedro Almodóvar, anh trai và người cô của Vua Tây Ban Nha Felipe VI cũng được đề cập trong tài liệu. Đạo diễn Almodóvar khi ấy đã không đến dự buổi họp báo ra mắt phim của mình khi đó vì sức ép từ vụ việc.

Theo Epoch Times, tại Trung Quốc, người thân của một số quan chức cũng được nêu tên trong hồ sơ Panama. Lý Thánh Bát, con rể của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Trương Cao Lệ được cho là sở hữu ba công ty tại thiên đường thuế British Virgin Islands, Tăng Khánh Hoài, em của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Tăng Khánh Hồng, Giả Lệ Thanh, cháu dâu của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn cũng có liên quan đến công ty luật Mossack Fonseca.

Trong danh sách cũng có ngôi sao điện ảnh quốc tế Thành Long, tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành và trùm bất động sản Lý Triệu Cơ.

Phần lớn những cái tên quan trọng trong hồ sơ là nam giới, nhưng danh sách cũng bao gồm một vài nữ chính trị gia và quan chức nổi tiếng.

Điều còn đọng lại

Hội nghị chống tham nhũng tại London được tổ chức vào ngày 12-5-2016, có sự tham gia của 40 quốc gia cùng Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khi "cơn bão" hồ sơ Panama đang "tàn phá" khắp nơi.  Hơn 300 nhà kinh tế đã gây áp lực lên các nhà lãnh đạo thế giới để chấm dứt sự tồn tại của các thiên đường thuế cho rằng chúng "không có mục đích kinh tế hữu ích".

Các nhà kinh tế kêu gọi các chính phủ thống nhất về nguyên tắc toàn cầu mới, đòi hỏi các công ty phải báo cáo hoạt động chịu thuế ở mọi quốc gia họ hoạt động, đảm bảo tất cả các vùng lãnh thổ đều phải công khai những thông tin về chủ sở hữu thực sự của các công ty.

Jeffrey Sachs, nhà kinh tế Mỹ là cố vấn đặc biệt cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon khi ấy, khẳng định: "Chúng ta chẳng cần Hồ sơ Panama cũng biết nạn gian lận thông qua các thiên đường thuế đang tràn lan. Hệ thống này cần phải được kết thúc nhanh chóng".

Đỗ Tiến
.
.
.