Hòa giải trên giấy

Thứ Tư, 04/09/2019, 14:02
Các thống kê về bạo hành gia đình có nhiều con số khác nhau. Trung bình mỗi năm chừng hơn 30.000 vụ. Nói chung thì con số thực tế bao giờ cũng lớn hơn con số thống kê.

Cách đây vài ngày, báo chí đăng tải video cảnh một người được cho là võ sư Nguyễn Xuân Vinh hành hung vợ mình cho dù vợ anh này đang bế con nhỏ mới sinh được 2 tháng. Thế mà anh này nỡ thi triển cả quyền lẫn cước kết hợp "ám khí" (ném sỏi) để đàn áp.

Bức xúc với hành động sai trái nói trên, một võ sinh môn phái Bình Định đã tuyên bố thách đấu người được cho là "Võ sư Minh" để bày tỏ thái độ chống bạo hành gia đình.

Phó ban chuyên môn Hội Võ thuật Hà Nội - võ sư Đinh Trọng Thủy khẳng định: "Tôi khẳng định người đàn ông đánh vợ đó chưa hề được tập huấn, sát hạch và cấp bằng chức danh võ sư. Người này cũng chưa từng xuất hiện và không hề có tiếng tăm gì trong làng võ, có lẽ chỉ tập luyện chơi ở nhà thôi!". Võ sư Thủy bày tỏ: "Hành vi đánh vợ của anh ta là không thể chấp nhận được, rất vũ phu. Đánh một người phụ nữ, hơn nữa lại là vợ mình thì cần phải lên án, cần có các biện pháp về pháp luật, hình sự để xử lý".

Luyện võ không chỉ là học một khoa học chiến đấu mà còn là một phương pháp sửa mình, hành động theo đạo lý, lẽ phải.

Minh họa Tả Từ.

Các võ sư đúng nghĩa luôn tôn trọng vợ. Nói một cách khác thì thày võ nói chung kính vợ như khách. Phim Diệp Vấn nói rất rõ điều này. Dân tập võ bình luận rằng không biết kính vợ thì chắc chắn là kẻ vô minh, không phải võ sư. Phân biệt dễ quá mà không phải ai cũng biết. Ai cũng bức xúc muốn chị vợ đã có cơ hội thoát kẻ vũ phu.

Nhưng vợ "võ sư" bạo hành đã rút đơn và vợ chồng hòa giải. Như vậy, những nguy cơ bạo lực tiềm ẩn vẫn còn. Không phải chỉ những người thấp cổ bé họng mới tìm cách hòa giải hoặc giấu nhẹm đi mà những phụ nữ có địa vị xã hội cũng là nạn nhân bạo hành. Lý do để giấu nhẹm lại luôn là giữ gìn "đại cục". Để giữ gìn hình ảnh thì luôn tỏ ra trong ấm ngoài êm. Đây cũng là lý do để kẻ ác nhởn nhơ.

Ở Mỹ, trước khi tát vợ, người chồng phải dừng tay khi biết cảnh sát sẽ cách li hai người. Người chồng không được phép đến gần người vợ ít hơn 100m. Việc có bắt đi tù không là căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Thói quen đánh vợ bản chất là một dạng não trạng tâm thần rối loạn có xu hướng lặp đi lặp lại. Không ít trường hợp, kẻ bạo hành ép nạn nhân phải rút đơn, không dám ly hôn. Có những đe dọa tước đi tính mạng nên nạn nhân lại nhắm mắt làm theo. Cá biệt có những trường hợp ly hôn rồi nhưng gia đình mới của nạn nhân vẫn không thoát khỏi sự đeo đẳng của kẻ bạo hành. 

Chỉ có sự can thiệp mạnh tay của cơ quan chức năng thì mới bảo đảm được sự bình yên cho những gia đình trong diện này. Nếu các cơ quan chức năng không xử lý đến nơi đến chốn thì người người bị bạo hành mãi mãi không thoát khỏi sự nguy hiểm. Hòa giải trên giấy không có nghĩa là xong. Các biện pháp mạnh tay cần được tiến hành bất chấp việc người trong cuộc có bãi nại hay không.

Còn bạn. Bạn có tin vào hòa giải trên giấy không?

Lê Tâm
.
.
.