Hoạt động phá hoại tư tưởng – văn hóa chống Việt Nam thông qua vụ án gián điệp N

Thứ Sáu, 02/06/2017, 15:19
Vụ án gián điệp có bí số N do Công an TP Hồ Chí Minh xác lập, đấu tranh có thể coi là đặc trưng của Cơ quan An ninh Việt Nam chống lại âm mưu thâm độc đẩy mạnh hoạt động "Diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa chống Việt Nam.


Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của quân và dân ta đã xóa sổ chế độ thực dân, đế quốc, giành toàn thắng, tạo nên mốc son lịch sử ngày 30-4-1975, non sông quy về một mối. Toàn Đảng, toàn dân ta dốc lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước ta ngày càng đổi mới và phát triển trên mọi mặt đời sống xã hội. Song, các thế lực thù địch chưa từ bỏ mưu đồ đen tối là lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta bằng việc đẩy mạnh hoạt động “Diễn biến hòa bình” (DBHB), đặc biệt là DBHB trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa chống Việt Nam. 

Vụ án gián điệp có bí số  N do Công an TP Hồ Chí Minh (CA TP HCM) xác lập, đấu tranh có thể coi là đặc trưng của Cơ quan An ninh Việt Nam chống lại âm mưu thâm độc đó.

Diễn biến tình hình

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các thế lực thù địch, ngoài việc tăng cường hình thành, nuôi dưỡng nhiều tổ chức phản động từ hải ngoại cho xâm nhập về Việt Nam để hoạt động phá hoại như: “Chí nguyện đoàn hải ngoại phục quốc” do Võ Đại Tôn cầm đầu, “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy là đồng chủ tịch, “Đảng nhân dân hành động” của Nguyễn Sĩ Bình…, họ còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng chống Việt Nam; kích động gây rối, gây bạo loạn lật đổ; kích động vượt biên, di tản; kích động gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; tuyên truyền xuyên tạc mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta…

Hình ảnh TP HCM vào thập niên 80.

Vũ khí nguy hiểm để thực hiện mưu đồ trên đó là lợi dụng mọi con đường công khai, bí mật cho xâm nhập vào Việt Nam nhiều tài liệu, sách báo, văn hóa phẩm có nội dung phản động, đồi trụy. Đồng thời, tăng cường móc nối, xây dựng, nuôi dưỡng nhiều tổ chức phản động trong nước nhằm thu thập tài liệu chuyển ra nước ngoài phục vụ cho chiến dịch phản tuyên truyền chống Việt Nam.

Lập kế hoạch đấu tranh

Những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, qua công tác trinh sát, CA TP HCM đã phát hiện một số văn nghệ sĩ thuộc chế độ cũ, sau khi đi học tập cải tạo về, có dấu hiệu hoạt động phản Cách mạng, biểu hiện trong sáng tác, in ấn những tác phẩm văn học, nghệ thuật, trao đổi quan hệ thư tín, tiền, hàng… với các cá nhân và tổ chức phản động ở nước ngoài. 

Ngày 20-3-1984, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục An ninh, CA TP HCM đã xác lập kế hoạch đấu tranh với hoạt động trên, lấy bí số N. Ban chuyên án đã xác định đối tượng cầm đầu là Trần Tam Tiệp – Tổng Thư ký “Trung tâm văn bút Việt Nam hải ngoại”, nằm trong Trung tâm văn bút quốc tế (PEN club International), trụ sở đóng tại Cộng hòa Pháp. Tiệp đã tìm cách móc nối một số văn nghệ sĩ có tư tưởng bất mãn, chống đối ở Việt Nam, tập trung tại TP HCM.

Trần Tam Tiệp sinh quán tại Thái Bình, trước ngày giải phóng miền Nam là Trung tá không quân của chế độ Việt Nam Cộng hòa, hoạt động trong bộ máy chiến tranh chính trị, kiêm phụ trách tờ báo “Lý tưởng” của Bộ Tư lệnh Không quân. Năm 1975, Tiệp di tản sang Pháp. Sau khi móc nối, tập hợp được một số văn nghệ sĩ trong cộng đồng người Việt hải ngoại tại các nước Mỹ, Pháp, Canada, Bỉ…, năm 1978, Tiệp đã thao túng để được tổ chức “Văn bút Việt Nam hải ngoại” bầu anh ta làm Tổng Thư ký.

Đối tượng chủ chốt trong nước là Dương Hùng Cường, bạn của Tiệp, nguyên là Trung úy không quân Sài Gòn, Trưởng ban biên soạn và thuyết trình viên chiến tranh chính trị, một nhà văn chống Cộng khét tiếng một thời. Cường biết địa chỉ của Tiệp tại Paris và thường xuyên liên lạc với Tiệp; đồng thời thông báo cho một số vãn nghệ sĩ trong nước liên lạc trực tiếp với Tiệp.

Ðể tạo đường dây liên lạc an toàn giữa “Vãn bút Việt Nam hải ngoại” và một số văn nghệ sĩ phản động trong nước, Tiệp đã móc nối với Nguyễn Thị Nh. - một nhân viên văn phòng ngoại dịch của Bưu điện TP HCM, dùng tiền, tình để quyến rũ, xây dựng Nh. thành cơ sở bí mật, đường dây liên lạc chuyển giao tài liệu phản động an toàn nhất. 

Với thủ đoạn cực kỳ tinh vi: Những gói bưu phẩm từ Sài Gòn gửi sang Paris cho Tiệp thông qua kiểm tra hải quan đều hợp pháp và được chuyển vào kho, chờ hôm sau chuyển lên máy bay. Đêm, Nh. bí mật mở bưu phẩm, tuồn tài liệu vào (đó là những sáng tác văn học có nội dung chống chế độ; những tài liệu bịa đặt, xuyên tạc tình hình đất nước, nó sẽ trở thành vũ khí nguy hiểm để các thế lực thù địch bên ngoài sử dụng vào các chiến dịch phản tuyên truyền vu cáo Việt Nam). 

Chiều ngược lại, khi những thùng bưu phẩm từ Pháp gửi về, ngay đêm đầu tiên còn ở trong kho bưu điện, Nh. lại bí mật, khéo léo mở bưu phẩm, rút hết thư từ, tài liệu, sách báo có nội dung phản động và chuyển giao trực tiếp cho từng đối tượng. Ngày hôm sau, khách tới nhận quà, mở bưu phẩm ra, toàn là đồ hộp Pháp, thuốc tây, vải vóc, mỹ phẩm… Quả là một kế hoạch xóa dấu vết hoàn hảo.

Vì lẽ đó mà nhiều năm sau giải phóng, Cơ quan An ninh cả nước đã tiến hành mọi biện pháp nhằm ngăn chặn tài liệu, sách báo có nội dung phản động, đồi trụy xâm nhập vào Việt Nam. Vậy mà, đó đây, đặc biệt là tại địa bàn TP HCM, vẫn xuất hiện những tờ báo vô cùng độc hại, sặc mùi chống Cộng như: Trắng đen, Văn nghệ Tiền Phong, Lửa Việt, Nhân bản, Nhân chứng… Và kỳ lạ hơn, nhiều vụ việc mới xảy ra trong nước mà bên ngoài báo chí phản động đã loan tin với nội dung thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc. Mặc dù lúc đó ở Việt Nam chưa có điện thoại di động và internet.

Một số báo chí, vật phẩm xấu xâm nhập vào Việt Nam qua vụ NC82.

Để khuyến khích bọn phản động trong nước hoạt động, Tiệp tăng cường tài trợ bằng cách gửi tiền, hàng dưới dạng quà biếu, với nhiều địa chỉ khác nhau cho từng người, ai gửi nhiều tin, nhiều bài được Tiệp tài trợ nhiều hơn. Ngoài ra, Tiệp còn chỉ đạo một số đối tượng học đánh máy (cả Anh, Pháp văn) để đưa sang Pháp làm việc cho đài phát thanh phản động. Tiệp đã hướng dẫn những quy ước riêng về liên lạc thư tín, lập đường dây chuyển ngân lậu về nước…

Qua điều tra, lực lượng an ninh xác định “Văn bút Việt Nam hải ngoại”, mà chủ trò là Trần Tam Tiệp, đã 72 lần chuyển tiền và hàng cho các đối tượng trong nước, trong đó thông qua đường dây của Nh. là 48 lần, 15 lần bằng đường bưu điện công khai, 9 lần thông qua Việt kiều về nước. Mỗi thùng hàng gửi đều có tài liệu, thư từ, sách báo đồi trụy, phản động kèm theo.

Căn cứ kết quả công tác điều tra và chứng cứ thu thập được, Ban chuyên án quyết định phá án sớm để ngăn chặn số văn nghệ sĩ này mở rộng hoạt động trong nước, móc nối với các đối tượng trong một số tổ chức quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam, gây phiền hà cho ta trên lĩnh vực tuyên truyền đối ngoại. 

Ngày 25-5-1984, CA TP HCM quyết định phá án, bắt 5 đối tượng. Khám xét nơi ở của họ, ta thu nhiều tác phẩm và tài liệu có nội dung phản động do Tiệp gửi về. Riêng tại một địa chỉ trên đường Điện Biên Phủ, các phương tiện in ấn, các báo cáo về tin tức tình báo cùng một số tác phẩm có nội dung phản động do các đối tượng trong vụ án sáng tác, thu thập chuẩn bị gửi ra nước ngoài cũng được Cơ quan điều tra thu giữ kịp thời. 

Tại trại giam, các bị can tiếp tục liên lạc với các đối tượng bên ngoài bằng thủ đoạn châm kim thành chữ trên các túi ni long đựng kẹo rồi chuyển ra ngoài sau mỗi lần tiếp tế, thăm nuôi. Hoạt động trên cũng đã bị ta phát hiện và vô hiệu hóa.

Nhằm vạch trần âm mưu của bọn phản động lưu vong, bọn gián điệp lâm thời câu kết với các phần tử phản động trong văn nghệ sĩ, trí thức cũ, CA TP HCM đã nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ vụ án, chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đề nghị truy tố 11 đối tượng. Toà án nhân dân TP HCM đã mở phiên tòa xét xử, người chịu mức án cao nhất là 8 năm tù giam, số còn lại tùy mức độ nặng nhẹ chịu hình phạt thích đáng.

Thắng lợi công tác đấu tranh kế hoạch N của CA TP HCM đã góp phần quan trọng làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch hoạt động chống phá Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Sự việc xảy ra đã trên ba thập niên, song thiết nghĩ nó vẫn là bài học kinh nghiệm quý báu cho ngày nay, khi các thế lực thù địch đã và đang đẩy mạnh hoạt động DBHB chống Việt Nam mà hậu quả của nó đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên tự chuyển hóa, tự diễn biến tư tưởng, gây bất lợi cho ta trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.

Khổng Hà
.
.
.