Thổ Nhĩ Kỳ:

Học viện cảnh sát đóng cửa, sinh viên phải bán rau, quả kiếm sống

Thứ Năm, 03/09/2015, 08:31
Sau quyết định của đảng Công lý và Phát triển cầm quyền hồi tháng 3, đóng cửa Khoa An ninh Học viện Cảnh sát, anh Mustafa Karaca, trở thành người thất nghiệp và phải bán dưa hấu, nho tươi ở quê nhà Malatya để kiếm sống.

Sinh viên từng học tại Đại học Cảnh sát cũng như Khoa An ninh Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải rời trường sau khi Luật An ninh nội địa được Quốc thông qua đóng cửa một số cơ sở đào tạo, đồng thời miễn nhiệm nhiều sĩ quan cảnh sát cấp cao thuộc hệ thống lãnh đạo hoặc giảng dạy ở các trường đại học.

Sau khi đóng cửa Khoa An ninh trực thuộc Học viện Cảnh sát Quốc gia, 200 sinh viên được chuyển sang khoa khác hoặc khoa kinh tế và khoa học hành chính ở những đại học danh tiếng, không giống như 1400 sinh viên khác trên khắp đất nước Thổ Nhĩ Kỳ phải thôi học vì kết quả học tập yếu kém.

Anh Karaca hiện đang bán dưa hấu và nho ở quê nhà để kiếm sống (Ảnh: Báo Thời đại Thổ Nhĩ Kỳ).

Karaca là một trong tổng số 1400 sinh viên buộc phải hoàn tất chương trình đào tạo ở một khoa khác, chứ không phải khoa đang theo học. Karaca đã tốt nghiệp khoa quản lý hành chính công Đại học Yidirim Beyazit ở thủ đô Ankara, tuy nhiên anh không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp từ tháng 6. Anh phải trở về quê nhà Malatya và bắt đầu giúp cha, một nông dân bán dưa hấu, nho tươi để kiếm sống.

Karaca chia sẻ với báo Thời đại Chủ nhật rằng, anh cùng bạn học đã nộp đơn khiếu nại đến Hội đồng Nhà nước về lệnh đóng cửa của họ.

Trong số ra cuối tuần qua, báo Thời đại nhấn mạnh: Cần lưu ý, trở thành cảnh sát trong thời điểm này ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể gặp phải nguy hiểm, đặc biệt khi số lượng sĩ quan cảnh sát hy sinh trong 2 tháng qua sau khi trở thành mục tiêu của bọn khủng bố. Karaca chia sẻ, anh luôn sẵn lòng phục vụ tổ quốc, thậm chí hy sinh mạng sống.

Những sinh viên đến từ Đại học Cảnh sát, một cơ sở đào tạo chất lượng cao mà những người muốn vào học phải trải qua một kỳ thi đặc biệt, và những sinh viên theo học khoa an ninh thuộc Học viện Cảnh sát Quốc gia, cơ sở đào tạo cảnh sát trưởng đã được cấp giấy chứng nhận chuyển trường trong tháng 4 để học tại nhiều trường đại học trên khắp đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc đóng cửa Đại học Cảnh sát và khoa an ninh Học viện Cảnh sát Quốc gia được đảng Công lý và Phát triển đề xuất sau một cuộc điều tra tham nhũng có liên quan đến một số thành viên Nội các, cũng như thành viên gia đình Thủ tướng bấy giờ và hiện đang giữ chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan được công bố vào ngày 17/12/2013. Kể từ đó, ông Erdogan cố gắng thiết kế lại lực lượng cảnh sát và tư pháp.

Thuật ngữ "cấu trúc song song" được Tổng thống Erdogan phát kiến để ám chỉ những người ủng hộ phong trào Gulen, còn được biết đến là phong trào Hizmet, được truyền cảm hứng bởi học giả tôn giáo Islam (Hồi giáo) Thổ Nhĩ Kỳ, ông Fethullah Gulen, đặc biệt phong trào cũng được những người trong lực lượng cảnh sát và chấp pháp ủng hộ.

Kể từ khi vụ điều tra tham nhũng được công khai có hàng ngàn sĩ quan cảnh sát phải chuyển công tác, chuyển ngành, bị cách chức hoặc bị bắt, và những người bị bắt phải đối mặt với tội hoạt động gián điệp, nghe lén mà không có bất kỳ bằng chứng cụ thể để  chứng minh, báo Thời đại viết.

Trong quá trình cải cách lực lượng cảnh sát (từ tháng 4) có hơn 5000 sĩ quan cảnh sát, bao gồm cảnh sát trưởng, cán bộ cấp cao, những người hiện đang phải chịu kỷ luật và điều tra của tòa án, được chuyển đến nhiều bộ khác nhau, như Bộ Lâm nghiệp và Thủy lợi, Bộ Môi trường và Quy hoạch Đô thị để phục vụ như chuyên gia hoặc trợ lý chuyên gia.

Có tổng cộng 1776 cán bộ cảnh sát cấp cao cũng buộc phải nghỉ hưu sớm sau một cuộc họp của Ủy ban Khen thưởng Kỷ luật Cấp cao diễn ra vào tháng 4, cuộc họp mà các nhà phê bình khẳng định nhằm biên chế lại lực lượng cảnh sát so với những người ủng hộ đảng Công lý và Phát triển.

Theo các chuyên gia an ninh, việc chính quyền Erdogan cho nghỉ hưu sớm với quy mô lớn và cách chức nhiều cảnh sát trưởng giàu kinh nghiệm có thể dẫn đến bất ổn an ninh trong thời gian dài. Giới chuyên gia cảnh báo, bất ổn an ninh sẽ diễn ra trong nhiều năm để lấp khoảng trống của những cảnh sát đã nghỉ hưu hoặc bị cách chức vì họ là đội ngũ tiên phong trong cuộc chiến chống tội phạm, tổ chức khủng bố, phản động gây bạo loạn, đảo chính cũng như chống tham nhũng.

Phạm Trúc
.
.
.