Hội nghị Thượng đỉnh tái thiết EU sau đại dịch COVID-19: "Đồng sàng dị mộng"

Thứ Năm, 23/07/2020, 19:53
Tối 19-7 theo giờ địa phương, các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) đã có buổi ăn tối làm việc nhằm tìm cách phá vỡ thế bế tắc tiếp diễn sau ba ngày nhóm họp thượng đỉnh liên quan đến gói cứu trợ khổng lồ sau đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đưa ra đề xuất cuối cùng về kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro trong bối cảnh có nhiều quan ngại rằng hội nghị sẽ đổ vỡ mà không đạt được thỏa thuận. Theo đó, ông Michel đề xuất giảm ngân sách cho khoản hỗ trợ từ 500 tỷ euro ban đầu xuống còn 400 tỷ euro và nâng mức cho vay trong kế hoạch từ 250 tỷ euro lên 350 tỷ euro.

Trong phát biểu của mình, ông Michel đã nhắc các lãnh đạo EU về mức độ thiệt hại tồi tệ về con người do đại dịch COVID-19 gây ra, với 600.000 người đã tử vong, trong đó 200.000 người ở châu Âu. Ông cũng hối thúc các nhà lãnh đạo EU cùng nhau hoàn tất "nhiệm vụ bất khả khi". Theo ông, vấn đề đặt ra là "liệu 27 lãnh đạo EU chịu trách nhiệm vì người dân châu Âu, có năng lực xây dựng sự đoàn kết và tin tưởng ở châu Âu hay sẽ phơi bày một châu Âu yếu đuối, bị hủy hoại bởi sự mất lòng tin".

Các nhà lãnh đạo EU họp bên lề hội nghị thượng đỉnh tại Bỉ, ngày 18-7.

Tuy nhiên, trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết, nhóm "Frugals", gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan, hiện chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro, thậm chí là có điều kiện.

Trước đó, phát biểu với báo giới sau ngày làm việc thứ hai của hội nghị, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nói: "Chúng tôi đang bế tắc. Mọi chuyện rất phức tạp, phức tạp hơn dự đoán".

Đề xuất đầu tiên về gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro (856 tỷ USD) với mục tiêu khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng COVID-19, cải tổ nền kinh tế và định hình lại xã hội trên tinh thần đồng nhất, thích ứng và chuyển đổi. Tuy nhiên, kế hoạch đã vấp phải sự phản đối của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch.

Nhằm phá vỡ thế bế tắc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đề xuất kế hoạch mới, theo đó giữ nguyên khoản ngân sách phục hồi ở mức 750 tỷ euro, nhưng khoản hỗ trợ sẽ giảm từ 500 tỷ euro xuống 450 tỷ euro (514 tỷ USD), trong các khoản cho vay sẽ tăng từ 250 tỷ euro lên 300 tỷ euro (342 tỷ USD).

Kế hoạch mới của ông Michel còn bao gồm công cụ "phanh khẩn cấp," trong đó cho phép bất kỳ thành viên nào cũng có 3 ngày bảo lưu ý kiến về kế hoạch cải cách của quốc gia khác và có thể khởi động một cuộc tranh luận giữa 27 nước. Kế hoạch này tiếp tục bị Hà Lan và một số nước khác phản đối.

Thời gian qua, EU đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức, đó là hậu quả nặng nề do dịch bệnh COVID-19 gây ra, Anh rời khỏi EU (Brexit),... tuy nhiên  phục hồi nền kinh tế của châu lục mới là mục tiêu trước mắt và lớn nhất của khối bởi EU này đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1930.

Trước khi hội nghị diễn ra, Chủ tịch hội đồng châu Âu đã đích thân gửi thư tay tới 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên kêu gọi thông qua quỹ 750 tỷ euro để giúp các nước vượt qua khủng hoảng. Hậu quả kinh tế mà đại dịch COVID-19 để lại rất nghiêm trọng, nó tác động nhiều mặt lên các nền kinh tế thành viên. Chính điều này đã dẫn đến những mâu thuẫn kịch liệt trong việc thống nhất gói cứu trợ phục hồi kinh tế châu lục.

Trong khi hai quốc gia đầu tàu là Đức và Pháp ủng hộ, vẫn tồn tại những bất đồng xung quanh kế hoạch ngân sách và gói kích thích kinh tế. 4 quốc gia Bắc Âu gồm Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển - vốn có nền kinh tế vững mạnh, không bị suy thoái trầm trọng, cho rằng, sử dụng quỹ phục hồi để hỗ trợ các nước thành viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 phải đi kèm với nghĩa vụ trả nợ, các nước nhận hỗ trợ sẽ bị giám sát những khoản chi.

Trong khi đó, Italia và Tây Ban Nha là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID-19 và cũng là những nước có nhu cầu trợ cấp nhiều nhất cho rằng những "điều kiện kèm theo" các khoản hỗ trợ này quá ngặt nghèo.

Một vấn đề gây chia rẽ trong gói cứu trợ kinh tế là điều kiện cấp khoản vay. Theo đó, những nước được hưởng lợi từ nguồn ngân sách chung của khối sẽ phải chịu sự giám sát chi tiêu. Chính sự khác biệt giữa các nước thành viên EU  đẩy hội nghị trực tiếp đầu tiên sau nhiều tháng trước nguy cơ đổ vỡ.

Chưa bao giờ các cuộc đàm phán về ngân sách và vốn dễ dàng đạt được ở châu Âu và hội nghị lần này chính là một "phép thử" về sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của các thành viên trong khu vực. Rõ ràng khi mỗi nước vẫn đặt lợi ích của mình lên trên thì chuyện "đồng sàng dị mộng" là điều đương nhiên.

Đức Quý (tổng hợp)
.
.
.