Hơn 100 sỹ quan cao cấp dưới thời ông Saddam Hussein nằm trong "mạng lưới lãnh đạo" của IS

Thứ Hai, 17/08/2015, 10:00
Thông tin gây rúng động dư luận thế giới những ngày gần đây được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng là hơn 100 cựu sỹ quan dưới thời cố Tổng thống Saddam Hussein đang hoạt động trong mạng lưới lãnh đạo cấp cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Điều này lý giải thắc mắc của rất nhiều người là tại sao hoạt động của IS luôn rất bài bản và phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Mạng lưới lãnh đạo "phức tạp" của IS

Nguồn tin tình báo Iraq cho biết, sức mạnh của IS đã tăng lên gấp nhiều lần khi chiêu mộ được hơn 100 sỹ quan quân đội và tình báo cốt cán dưới thời cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Những người này đã tạo nên mạng lưới lãnh đạo IS phức tạp, giúp IS xây dựng các chiến lược quân sự để tăng cường mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Syria và Iraq. Chính đội ngũ lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm này đã giúp IS "thiết kế" tổ chức, siết chặt kỷ luật, kêu gọi, kết nối các chiến binh thánh chiến ở khắp nơi trên thế giới lại với nhau, tích hợp chiến thuật chống khủng bố với các hoạt động quân sự.

Ali Omran, Thiếu tướng trong quân đội Iraq, chỉ huy Sư đoàn 5 chiến đấu chống IS cho biết, Taha Taher al-Ani, một đồng môn của ông trong trường pháo binh quân đội Iraq gần 20 năm trước giờ đang hoạt động trong mạng lưới lãnh đạo IS.

IS ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng và hoạt động của mình ở Iraq và Syria.

"Bây giờ al-Ani là một chỉ huy của IS. Tôi biết điều này thông qua thông tin tình báo của đơn vị chống khủng bố của Chính phủ và tôi là một thành viên. Chúng tôi có nhiều thông tin về IS, hoạt động nâng cấp vũ khí cũng như việc phát triển vũ khí hóa học của tổ chức này", ông Ali Omran cho biết. Patrick Skinner, một cựu sỹ quan CIA đã có thời gian dài phục vụ tại Iraq cho biết, những sỹ quan và tình báo quân đội dưới thời ông Saddam đã trở thành "bộ phận quan trọng" giúp IS từ một tổ chức khủng bố trở thành "Nhà nước Hồi giáo tự xưng".

"Thắng lợi của IS trong thời gian qua không phải là khủng bố, mà là chiến lược quân sự", cựu sỹ quan CIA Skinner, hiện là giám đốc "The Soufan Group", một công ty cung cấp dịch vụ tình báo tư nhân nhận định.

Theo ông Patrick Skinner, Saud Mohsen Hassan, một cựu quân nhân dưới thời ông Saddam, được biết đến với biệt danh Abu Mutazz cũng là nhân vật chủ chốt của IS. Vào những năm 2000, Hassan đã bị giam cầm trong nhà tù Bucca khét tiếng ở Mỹ. Al-Baghdadi, thủ lĩnh của IS cũng được cho là bị giam giữ tại đây vào thời điểm đó.

Trong nhà tù, Al-Baghdadi đã tiếp xúc với các cựu sĩ quan quân đội, bao gồm cả thành viên lực lượng đặc biệt, lực lượng bán quân sự có tên là Fedayeen. Hassan nổi lên như một nhà tổ chức hiệu quả, đứng đầu các cuộc nổi loạn của tù nhân trong nhà tù buộc cai ngục Mỹ phải nhượng bộ những yêu cầu của họ. Giờ đây, nhiều cựu tù nhân Bucca trở thành lãnh đạo của IS. Trong số đó có Abu Alaa al-Afari, một chiến binh Iraq kỳ cựu. "Hoạt động của IS hiện nay cũng mang nhiều dấu ấn quân sự dưới thời ông Saddam. Đó là xâm nhập tình báo và hoạt động khủng bố theo cách cũ", ông Skinner nói.

Theo một cựu giám đốc tình báo Iraq đề nghị giấu tên, nói với phóng viên hãng AP rằng, sau khi bị thương trong đợt không kích của Mỹ hồi đầu năm, thủ lĩnh Al-Baghdadi đã đưa ra danh sách những người đáng tin cậy nhất của mình. Ông đã bổ nhiệm một số người vào Hội đồng quân sự IS, được cho là có bảy đến chín thành viên, ít nhất bốn trong số đó là cựu sĩ quan dưới thời ông Saddam.

Rất khó khăn trong việc xác định cơ cấu tổ chức của IS

Các quan chức Iraq thừa nhận rằng, việc xác định vai trò lãnh đạo của IS là nhiệm vụ rất khó khăn. Ngoài việc xác định chính xác vị trí thủ lĩnh của al-Baghdadi thì gần như công chúng không biết được hệ thống phân cấp, người giữ những vị trí lãnh đạo của IS. Khi một lãnh đạo IS bị giết, cũng khó xác định vị trí nào đã bị bỏ trống. Bên cạnh đó, lãnh đạo IS sử dụng nhiều tên gọi khác nhau và có thể, báo cáo thiệt mạng cũng không chính xác.

"Hoạt động của IS đã vượt xa những gì chúng ta nghĩ tới. Các hoạt động khủng bố có sự hỗ trợ của cựu chiến binh quân đội Saddam là điều rất đáng lo ngại. Dường như chúng tôi không thể biết ai sẽ là người nắm giữ, thay thế trong ban lãnh đạo IS. Rất khó có thể thâm nhập vào IS. Cựu chiến binh quân đội Iraq tham gia vào IS ở nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, chủ yếu là trung và cao cấp", một thiếu tướng tình báo quân sự đề nghị giấu tên nói với AP.

Một số nguồn tin cho biết, ngoài việc tuyển dụng những cựu sỹ quan quân đội dưới thời ông Saddam, IS còn thuyết phục những nhân viên an ninh khác từ bỏ vị trí công tác để gia nhập đội ngũ lãnh đạo của IS. Một số chuyên gia quân sự đánh giá, sự lôi kéo những sỹ quan cao cấp trong quân đội Iraq tham gia IS đang là một phần chiến dịch mở rộng phạm vi, tầm ảnh hưởng của IS. Nếu có trong tay những chuyên gia quân sự giỏi, IS có thể phô trương thanh thế, tăng cường sức mạnh và khi đó, cuộc chiến chống IS sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Khôi Nguyên (Tổng hợp)
.
.
.