Hơn 2 tỉ USD "bẩn" đang lưu thông trong các ngân hàng Peru

Thứ Năm, 10/05/2018, 14:51
Một lượng lớn tiền "bẩn" đã được gửi vào hệ thống ngân hàng quốc gia Peru trong khoảng từ năm 1998 - 2009. Phần lớn số tiền này có nguồn gốc từ các hoạt động buôn bán ma túy, hối lộ thông qua các hoạt động rửa tiền…


Một nhóm các nhà báo điều tra mới đây đã tiết lộ một số tài liệu bí mật của Cơ quan Thông tin Tài chính (UIF) thuộc Ngân hàng nhà nước Italy (Bankitalia) về việc một số lượng lớn tiền "bẩn" đã được gửi vào hệ thống ngân hàng quốc gia Peru trong khoảng từ năm 1998 - 2009. Phần lớn số tiền này có nguồn gốc từ các hoạt động xuất khẩu vàng bất hợp pháp, buôn bán ma túy, hối lộ thông qua các hoạt động rửa tiền…

Một báo cáo năm 2016 của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) đã cảnh báo về sự thâm nhập bất thường của hơn 2,2 tỉ USD tiền "bẩn" vào hệ thống ngân hàng Peru trong những năm gần đây. 

Báo cáo trên nêu rõ: "Các thực thể tài chính đã được sử dụng, bằng cách này hay cách khác, để thực hiện tội ác". Số tiền trên có nguồn gốc từ các hoạt động tội phạm, được đưa vào "lưu thông" trong hệ thống ngân hàng Peru thông qua các khách hàng bị nghi có liên quan tới với những tổ chức tội phạm sở hữu nhiều tiền nhất Peru: buôn bán ma túy, khai thác vàng bất hợp pháp, trốn thuế và tham nhũng, các hoạt động gây bạo lực và mất an ninh công cộng, ô nhiễm môi trường… 

Báo cáo của BID cùng với các tài liệu bí mật của UIF - trụ cột chính của cuộc chiến chống rửa tiền và của cuộc điều tra chống lại những cựu Tổng thống Alejandro Toledo, Ollanta Humala và Pedro Pablo Kuczynski trong chiến dịch Rửa xe (Lava Jato) xác nhận, số tiền trên được đưa vào lưu thông từ năm 1998.

Trụ sở của BBVA Continental.

Dựa trên những tài liệu của UIF và các báo cáo khác nhau của cảnh sát chống ma túy Peru, các nhà điều tra đã lập ra một danh sách các khách hàng với nhưng giao dịch đáng ngờ. 

Danh sách này bao gồm các nhà khai thác và các công ty từng bị Bộ Tư pháp và Bộ Ngân khố Mỹ khiếu nại với tòa án nước này hoặc đã thuộc diện chế tài theo Đạo luật Kingpin - đạo luật cấm các công dân Mỹ giao dịch với các đối tượng này, đồng thời cho phép nhà chức trách phong tỏa tài sản của họ ở Mỹ, vì những tình nghi liên quan tới các hoạt động khai thác vàng trái phép hoặc buôn bán ma túy quốc tế. 

Sau khi phân tích hồ sơ của hơn 400 khách hàng cùng những giao dịch đáng ngờ, cuộc điều tra được tập trung vào hai ngân hàng lớn nhất Peru là Banco de Credito de Peru (BCP) - ngân hàng đứng trong Top 20 ngân hành "khủng" nhất Mỹ Latinh và trong Top 1000 các công ty tài chính có tài sản lớn nhất do Tạp chí Forbes bình chọn, và Tập đoàn ngân hàng đa quốc gia BBVA (BBVA Continental). Ngoài ra, một số ngân hàng khác như Interbank và Scotiabank (trước năm 2006 tên là Wiese) cũng có liên quan.

Các nhà điều tra đã tìm ra được những kết nối trực tiếp giữa một số đối tượng chế biến và buôn bán cocaine với dòng tiền tương ứng trong hệ thống ngân hàng. 

Ví dụ, trường hợp của Paul Chinchay Echevarría, bị kết tội ở Italy vì buôn bán người, nhưng trong nước lại bị điều tra vì bị nghi là thành viên của một mạng lưới chuyên rửa tiền từ buôn bán ma túy. 

Sự liên quan của đối tượng này với BCP bị phát hiện khi xuất hiện một đơn tố cáo ngân hàng trên đã thực hiện nhiều giao dịch đáng ngờ, với số tiền vào khoảng 178.000USD. 

Việc đáng ngờ ở đây là, khi BCP thông báo cho chính quyền (tháng 10-2008) về số tiền trên, thì Paul Chinchay Echevarría đã bị giam giữ 14 tháng. 

Sự chậm trễ liên quan tới thời gian nhập số tiền trên vào ngân hàng là 1 năm 4 tháng. Còn trong trường hợp BBVA, khiếu nại đối với một khách hàng mang tên Percy Velit Núez đã được gửi tới cơ quan chức năng vào tháng 6-2008. 1 năm trước đó, vị khách hàng này đã bắt đầu gửi tiền tới BBCA để "rửa". 

Ngân hàng trên chỉ quyết định báo cáo cho nhà chức trách sau khi nghi phạm bị bắt giữ trong một cuộc điều tra của lực lượng cảnh sát chống ma túy. 

Thêm một trường hợp liên quan tới BBVA. Bộ ba gồm một công ty máy móc, một công ty của Panama với nhiều tài khoản ở Thụy Sĩ cùng một công ty xuất khẩu cá đã gửi vào ngân hàng này số tiền 1,3 triệu USD. 

Nhưng, UIF xác nhận rằng, công ty xuất khẩu cá trên - một khách hàng của BBVA đã được tạo ra với mục đích "hỗ trợ hoạt động rửa tiền của các tổ chức tội phạm". 

Chưa hết, UIF còn phát hiện, tham gia hoạt động rửa tiền không chỉ là các khách hàng mà còn các tổ chức tư nhân, có liên quan tới hoạt động buôn bán ma túy. Ví dụ, Nelson Neira James, bí danh "Runa Mula" và Hernán Tapia Trujillo, bí danh "Rambo", hai thành viên thuộc nhóm Sendero Luminoso (Con đường sáng), kiểm soát một phòng thí nghiệm bí mật để sản xuất trại phép ma túy ở phía Bắc Peru, trong khi tổ chức của họ là khách hàng của BCP.

Rút kinh nghiệm từ quá khứ, từ vụ Ngân hàng Tín dụng và Thương mại Quốc tế (BCCI) trong thập niên những năm 80, vụ bê bối năm 2008 liên quan tới ngân hàng HSBC rửa tiền cho các băng đảng ma túy Mexico, tới trường hợp Ngân hàng Banca Privada d'Andorra (BPA) và Meinl Bank liên quan tới vụ bê bối hối lộ của Tập đoàn xây dựng Odebrecht, trong những thập niên gần đây, Chính phủ Mỹ và các cơ quan quản lý khác nhau ở châu Âu đã nâng mức trách nhiệm xử lý trách nhiệm hình sự và mức phạt đối với những ngân hàng có liên kết với các nhóm tội phạm để rửa tiền hoặc vi phạm hoạt động chống rửa tiền. 

Còn tại Peru, thông qua Cơ quan Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Peru (SBS) - cơ quan giám sát lĩnh vực ngân hàng duy nhất của Nhà nước, chính phủ nước này đã đưa ra một loạt các quy tắc để trừng phạt các hành vi vi phạm hoạt động phòng, chống rửa tiền. 

Bên cạnh việc áp dụng mức phạt lê ntới 130.000USD, các quy tắc này còn quy định các hành vị vi phạm của nhân viên ngân hàng, cũng như nghĩa vụ của họ trong việc phải biết các hoạt động tài chính của khách hàng có liên quan hay không tới các tổ chức tội phạm.

Khổng Hà
.
.
.