Hơn 20.000 vụ bắt giữ trong chuyên án toàn cầu của INTERPOL

Chủ Nhật, 20/12/2020, 18:39
Nhằm ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng sử dụng công cụ viễn thông và quan hệ xã hội có xu hướng ngày càng gia tăng trên thế giới, Chuyên án "First Light" do Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế - INTERPOL điều phối được thiết lập triển khai trên phạm vi toàn cầu đấu tranh chống tội phạm sử dụng công cụ viễn thông và quan hệ xã hội để lừa đảo xuyên quốc gia.

Trong chuyên án, lực lượng hành pháp các nước đã tiến hành vây bắt tại 10.380 điểm tội phạm hoạt động, bắt giữ 21.549 đối tượng phạm tội và thu giữ nhiều công cụ, phương tiện phạm tội. Để ngăn chặn tài sản bị tẩu tán, 310 tài khoản tại các ngân hàng trên thế giới bị phong tỏa, thu giữ 153. 973. 709 USD có được từ hoạt động phạm tội.

Để triển khai chuyên án, INTERPOL đã phát hành Thông báo tím, tiếp đó Thông báo đã được nhanh chóng gửi tới tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức để phối hợp. Trong 3 tháng đầu (1/9-30/11/2019) đã có 30 quốc gia thành viên của INTERPOL tham gia điều tra, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức lừa đảo bằng kỹ thuật viễn thông và quan hệ xã hội.

Để đưa chuyên án tới thành công, hoạt động động trinh sát, trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên và Trung tâm điều phối của INTERPOL được tiến hành thường xuyên, diễn ra liên tục. Thông tin đã được khẩn trương chia sẻ, phân tích, xử lý làm cơ sở để truy vết, điều tra và tiến hành vây bắt.

Tội phạm mạng lợi dụng đại dịch để gây án.

Trong suốt quá trình triển khai chuyên án, với vai trò điều phối, từ các thông tin, chứng cứ thu thập được cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, INTERPOL đã phát hành 3 Thông báo tím gửi các quốc gia thành viên. Trong đó, INTERPOL đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng hành pháp các nước tiến hành điều tra, bắt giữ, triệt phá các đường dây tội phạm. Thông tin được chia sẻ qua mạng thông tin đặc biệt của INTERPOL với tên gọi I-24/7 hoạt động thông suốt 24/24h.

Các hoạt động lừa đảo khác cũng được phát hiện trong Chuyên án "First Light" như lừa đảo qua trao đổi thư tín điện tử trong kinh doanh, lừa đảo qua tạo lập quan hệ tình cảm, lừa đảo qua tin nhắn giả danh các doanh nghiệp uy tín để thu thập thông tin cá nhân, lừa đảo qua sử dụng giấy tờ giả của cơ quan công quyền.

Kết quả điều tra từ chuyên án cho thấy tính chất xuyên quốc gia là vấn đề nổi lên của nhiều vụ lừa đảo qua sử dụng công cụ viễn thông và quan hệ xã hội. Lợi dụng bản chất không biên giới của Internet, bọn tội phạm hoạt động để trốn tránh trách nhiệm pháp lý do quyền tài phán theo lãnh thổ của các quốc gia bị hạn chế đối với các hành vi phạm tội. Số tiền lừa đảo được của nạn nhân có thể liên quan đến nhiều quốc gia vì tội phạm sử dụng tài khoản ngân hàng ở nước ngoài hoặc tiền đó được sử dụng để làm sạch nguồn tiền bất hợp pháp của chúng.

Tổng thư ký INTERPOL Jürgen Stock nói: "Điều quan trọng là các nước thành viên không đơn độc trong cuộc chiến chống tội phạm này". "Mạng lưới toàn cầu của INTERPOL sẽ hỗ trợ lẫn nhau, kịp thời chia sẻ thông tin, đặc biệt trong tình huống quyền tài phán vượt qua biên giới quốc gia".

Ông Duan Daqi, Chánh Văn phòng INTERPOL Bắc Kinh nói: "Đại dịch COVID-19 cho thấy tội phạm lừa đảo bằng phương tiện viễn thông và quan hệ xã hội tăng lên cấp số nhân. Chuyên án "First Light" đã thành công đáng kể trong năm qua, trong tương lai, cần có sự hợp tác hành pháp rộng rãi hơn nữa trên phạm vi toàn cầu do INTERPOL điều phối để phòng chống loại tội phạm này".

Chuyên án "First Light" đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng hành pháp quốc tế do INTERPOL điều phối trên phạm vi toàn cầu, với sự tham gia của nhiều nước ở các châu lục triệt phá các đường dây tội phạm lừa đảo bằng viễn thông và quan hệ xã hội để chiếm đoạt tài sản.

Hoàng lai
.
.
.