Hơn 80 triệu USD bồi thường cho nạn nhân của chất diệt cỏ

Thứ Ba, 02/04/2019, 20:45
Đây là phán quyết mà bồi thẩm đoàn gồm 6 người của toà án quận ở San Francisco đưa ra hôm 27-3 trong vụ kiện nhằm vào nhà sản xuất chất diệt cỏ Monsanto.


Theo đó, bồi thẩm đoàn tuyên bố rằng Monsanto phải trả hơn 80 triệu USD tiền bồi thường cho một người đàn ông ở California bị ung thư mà nguyên nhân của căn bệnh này được xác định một phần là do ông ta sử dụng chất diệt cỏ Roundup. 

Kết luận của bồi thẩm đoàn gồm sáu thành viên cho thấy, Monsanto phải chịu trách nhiệm về căn bệnh của người đàn ông này vì trên bao bì và nhãn hiệu của chất diệt cỏ Roundup không có cảnh báo về nguy cơ gây bệnh ung thư. 

Phán quyết, được đưa ra tại tòa án quận ở San Francisco, là một cột mốc quan trọng trong cuộc tranh luận công khai liên tục về ảnh hưởng sức khỏe của Roundup và hoạt chất của nó, glyphosate, được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Monsanto hiện đang tự bảo vệ mình trước hàng ngàn yêu sách tương tự.

Ông Ewind Hardemen và vợ sau khi được toà án phán quyết bồi thường hơn 80 triệu USD.

Hãng tin The New York Times đưa tin, nguyên đơn, ông Edwin Hardeman, 70 tuổi, đã sử dụng Roundup để kiểm soát cỏ dại và cây sồi độc trong vườn của mình suốt 26 năm qua. 

Vào năm 2015, ông Edwin Hardemen phát hiện bị  mắc bệnh ung thư hạch. Một năm sau, sau khi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư thế giới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chất glyphosate có thể gây ra bệnh ung thư, ông Hardeman đã kiện Monsanto. Glyphosate là thành phần chính và không thể thiếu của chất diệt cỏ. 

Theo bình luận của hãng CBS, phán quyết ngày 27-3 đã kết thúc phần hai của giai đoạn 2 trong vụ kiện này. Hồi trung tuần tháng 3, bồi thẩm đoàn đã đưa ra phán quyết ban đầu nói rằng chất diệt cỏ là nhân tố quan trọng gây ra bệnh ung thư cho ông Edwind Hardeman. 

Sau đó, bồi thẩm đoàn bắt đầu cân nhắc về việc liệu Monsanto có biểu hiện sơ suất và phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không? Khi đó, Jennifer Moore -luật sư của ông Ewind Hardeman cho biết thân chủ ông hài lòng với phán quyết và giờ họ có thể tập trung vào bằng chứng về việc Monsanto đã không hành xử có trách nhiệm và khách quan đối với sự an toàn của sản phẩm Roundup. 

Cáo buộc chỉ rõ Monsanto "không quan tâm xem liệu sản phẩm của hãng có khiến người dùng bị ung thư hay không, mà chỉ tập trung vào đánh lừa dư luận, tác động đến những cá nhân nêu quan ngại chính đáng về vấn đề này". 

Và khi xác định rằng Monsanto phải chịu trách nhiệm, bồi thẩm đoàn đã trao cho ông Ewind Hardeman 75 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, ông Ewind Hardemen còn được nhận thêm 5 triệu USD cho nỗi đau về bệnh tật trong quá khứ và tương lai, cùng hơn 200.000 USD cho các hóa đơn y tế.

Đây là lần thứ hai trong vòng hơn nửa năm Monsanto bị kết luận chế tạo ra chất hoá học gây ung thư. Công ty này hiện đang đối mặt với 5.000 vụ kiện tương tự trên khắp nước Mỹ. 

Tháng 8 năm ngoái, Tòa thượng thẩm thành phố San Francisco kết luận Monsanto đã không cảnh báo khách hàng về rủi ro ung thư khi sử dụng những loại thuốc diệt cỏ của hãng, khiến người đàn ông tên Dewayne Johnson, 46 tuổi, bị ung thư. 

Toà sau đó buộc Mosanto nộp phạt 289 triệu USD, trong đó gồm 39 triệu USD tiền đền bù và 250 triệu USD tiền xử phạt thiệt hại. Monsanto khi đó nói rằng họ sẽ kháng cáo với tuyên bố các sản phẩm của mình không có hại cho người sử dụng.

Được biết, Monsanto đã phát triển glyphosate vào những năm 1970 và thuốc diệt cỏ Roundup hiện được bán ở hơn 160 quốc gia và được sử dụng rộng rãi ở Mỹ. Thuốc diệt cỏ này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng sau khi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế có trụ sở tại Pháp, một phần của Tổ chức Y tế Thế giới, đã xếp nó vào loại "chất gây ung thư ở người" vào năm 2015. 

Các vụ kiện chống lại Monsanto đã được theo dõi, và hàng ngàn người hiện đang chờ xử lý trên toàn quốc. Monsanto cũng là công ty liên quan tới sản xuất chất độc da cam được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, mang đến những thiệt hại khốc liệt và đau thương tới hàng triệu người Việt. Các nạn nhân Việt Nam từng kiện công ty này ra tòa án Mỹ vào khoảng năm 2005-2009 nhưng chưa nhận được bồi thường. 

Khánh Chi
.
.
.