Hosni Mubarak ba thập kỷ công – tội

Thứ Bảy, 29/02/2020, 14:31
Ngày 25/2, cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã qua đời tại bệnh viện quân đội Galaa ở thủ đô Cairo ở tuổi 91. Cuộc đời của Mubarak là những tranh cãi công và tội xung quanh ba thập kỷ lãnh đạo đất nước Ai Cập.


Sỹ quan Không quân thành Tổng thống

Muhammad Hosni Mubarak sinh ngày 4/5/1928 ở một ngôi làng nhỏ tại châu thổ sông Nile. Năm 1949, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự Ai Cập, Mubarak trở thành sĩ quan trong lực lượng Không quân. Sau đó, ông được cử đi học lái máy bay chiến đấu và khóa sĩ quan tham mưu trưởng tại Học viện Frunze của Liên Xô.

Ông Mubarak khi ở đỉnh cao quyền lực.

Cuộc đời binh nghiệp của Mubarak khá hanh thông khi lần lượt thăng tiến trong lực lượng Không quân. Năm 1972, sau 23 năm quân ngũ, Mubarak trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Không quân Ai Cập. Năm 1973 ông được phong hàm Nguyên soái Không quân.

Đặc biệt, trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 với Israel, Mubarak là người lên kế hoạch và trực tiếp chỉ huy lực lượng Không quân tấn công bất ngờ nhằm vào vị trí đóng quân của quân đội Israel đóng bán đảo Sinai mà Israel chiếm đóng từ năm 1967. Vì thế ông được nhiều người Ai Cập xem như anh hùng.

Năm 1975, khi đang là Tư lệnh lực lượng Không quân Ai Cập, Mubarak được Tổng thống Anwar Sadat chọn làm Phó Tổng thống, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời khi chính thức tham gia chính trị. Là Phó Tổng thống nên năm 1978, Mubarak đã tháp tùng Tổng thống Sadat ký Hiệp định đình chiến với Israel tại trại David (Mỹ).

Sau 6 năm ở vị trí này, tháng 10/1981, sau khi Tổng thống Sadat bị các tay súng Hồi giáo ám sát trong một cuộc diễu binh ở thủ đô Cairo, Mubarak trở thành Tổng thống thứ tư của Ai Cập. Và người Ai Cập đã không thể ngờ rằng đây là dấu mốc để Mubarak trở thành vị Tổng thống Ai Cập suốt gần 30 năm sau đó.

Ông Mubarak được đưa tới phòng xử án ở Cairo bằng giường bệnh.

Trong suốt gần 30 năm điều hành đất nước, ông Mubarak luôn duy trì Luật Tình trạng khẩn cấp đã có từ năm 1958. Theo luật này, chính quyền có quyền bỏ tù bất cứ ai mà không cần xét xử. Mubarak đã mở rộng quyền lực của Bộ Nội vụ và lực lượng tình báo, vốn thường dùng tra tấn và các hình thức vi phạm quyền con người khác làm công cụ cai trị. Vì vậy tù nhân chính trị có lúc ước tính lên đến 30.000 người…

Với lý do ngăn chặn Hồi giáo chiếm chính quyền, ông Mubarak đã làm mọi cách để các đảng đối lập không có đất hoạt động. Mọi chống đối về chính trị, dù dưới hình thức thế tục hay tôn giáo, đều bị trấn áp. Các cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện mà ông tổ chức chỉ là hình thức vì Mubarak là ứng cử viên tổng thống duy nhất.

Một hệ thống bầu cử nhiều khiếm khuyết giúp Đảng Dân tộc Dân chủ cầm quyền của ông tuyên bố chiến thắng áp đảo, hết lần này đến lần khác. Thực tế, đảng Dân chủ Quốc gia (PND) do ông lãnh đạo chiếm tới 494/508 ghế, nên mọi quyền lực đều tập trung vào ông. Vì vậy mà ông mới có biệt danh "Pharaoh" (vua Ai Cập thời cổ đại).

Trong điều hành kinh tế, các chính sách của chính phủ Mubarak đứng đầu phục vụ nhóm người giàu, giới tham ô cầm quyền và cả giới trung lưu trong khi tình cảnh của đa số dân nghèo Ai Cập không được cải thiện. Là đồng minh của Mỹ nên từ năm 1979, Ai Cập được Mỹ viện trợ 2,2 tỉ USD/năm.

Ai Cập là nước xuất khẩu dầu thứ 6 thế giới, cùng với khoản viện trợ 2,2 tỷ USD/năm của Mỹ nên bình quân GDP trên đầu người tại Ai Cập có lúc đạt hơn 2.000 USD. Nhưng không phải người Ai Cập nào cũng may mắn có được 2.000 USD ấy. Tầng lớp giàu càng giàu, trong khi 20% dân chúng đang sống dưới mức nghèo đói. Ngành y tế và giáo dục xuống cấp.

Ông Moubarak trong Trại Tạm giam của Học viện Cảnh sát, nằm ở ngoại ô Cairo (ngày 15/4/2013).

Việc ưu tiên các doanh nghiệp lớn và tư nhân hóa hơn quyền lợi của công nhân, khiến cho phát triển kinh tế chủ yếu làm lợi cho ông Mubarak và giới tinh hoa cai trị, những người sở hữu hầu hết tài sản quốc gia. Đồng thời, Ai Cập nhập siêu lớn và nợ nước ngoài tăng từ 20% đến 30% GDP.

Năm 2009, tốc độ tăng trưởng GDP của Ai Cập giảm từ 7% năm 2008 xuống còn 5%, FDI giảm 40%, tỷ lệ thất nghiệp ước tính là 30% và lạm phát khoảng 30%. Tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động của quốc gia đơn giản là không theo kịp đà tăng dân số tăng nhanh của Ai Cập, từ 50 triệu hồi đầu những năm 1980 lên đến hơn 83 triệu vào năm 2010, hậu quả của tình trạng này là ngày càng nhiều người thất nghiệp.

Năm 2010, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), tổ chức quốc tế chống tham nhũng, bao gồm tham nhũng chính trị, đưa ra chỉ số tham nhũng đánh giá Ai Cập với điểm số CPI là 3.1, dựa trên nhận thức về mức độ tham nhũng từ những người kinh doanh và các nhà phân tích quốc gia, với 10 là rất sạch sẽ và 0 là rất tham nhũng. Ai Cập đứng thứ 98 trong số 178 nước trong báo cáo.

Trong những năm cầm quyền, Mubarak thoát khỏi nhiều vụ ám sát, trong đó có một vụ do phiến quân Hồi giáo tiến hành hồi năm 1995 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

"Mùa Xuân Arab" và hành trình tù tội của cựu Tổng thống

Năm 2011, phong trào "Mùa Xuân Arab" với hàng loạt cuộc nổi dậy ở các nước Bắc Phi và Trung Đông khởi phát từ cuộc biểu tình của người dân Tunisia ngày 14/1/2011 lật đổ tổng thống nước này. Sau Tunisia, làn sóng "Mùa xuân Arab" đã quét qua Ai Cập.

Khi đó, đất nước Ai Cập với 85 triệu dân đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn như nạn thất nghiệp, nền kinh tế đình trệ, hơn 40% người dân sống dưới mức 2 USD/ngày. Ngày 25/1/2011, một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở trung tâm thủ đô Cairo đòi Tổng thống Mubarak từ chức. Từ Cairo, các cuộc biểu tình đòi Tổng thống từ chức lan ra nhiều thành phố khác trên khắp Ai Cập.

Ngày 11/2/2011, ông Mubarak chấp nhận từ chức và trao lại quyền lực cho Bộ Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang do Tổng tư lệnh Mohamed Hussein Tantawi nắm giữ, kết thúc ba thập niên ngồi trên đỉnh cao quyền lực.

Năm 2012, ông Mubarak bị bắt giam vì cáo buộc liên quan tới việc ra lệnh sát hại 850 người biểu tình năm 2011. Năm 2012, ông bị kết án tù chung thân với tội danh mưu sát 239 người biểu tình. Tháng 1/2013, Toà án Tối cao Ai Cập bác bỏ bản án trên và yêu cầu xét xử lại. Đến tháng 11/2014, Toà hình sự tuyên ông Mubarak vô tội, cho rằng quyết định truy tố của công tố viên đối với ông Mubarak vào năm 2011 là thiếu cơ sở pháp lý.

Công tố viên nước này sau đó kháng cáo quyết định trên. Ngày 2/3/2017, Toà án phúc thẩm tối cao Ai Cập tuyên trắng án với ông Mubarak và cho phép phóng thích. Phán quyết được tòa đưa ra cũng là phán quyết cuối cùng và không được kháng án. Tuy nhiên ông Mubarak bị cấm rời khỏi Ai Cập trong khi chờ kết quả của một cuộc điều tra tham nhũng.

Ông Mubarak ra làm chứng trước tòa Cairo ngày 26/12/2018 chống lại người từng thay thế ông - cựu Tổng thống Mohamed Morsi.

Không chỉ bị cáo buộc liên quan tới cái chết của người biểu tình, Mubarak và gia đình bị cáo buộc đã tham nhũng hàng chục tỷ USD. Năm 2013, Mubarak phải ra toà với cáo buộc tham nhũng và lĩnh án 3 năm tù.

Tháng 1/2016, tòa phúc thẩm tuyên y án ba năm tù giam đối với ông Mubarak và hai con trai của ông về tội tham nhũng. Nhưng tính đến thời điểm xử phúc thẩm, hai con trai của ông là Alaa và Gamal đã chấp hành xong mức án ba năm tù và được trả tự do.

Theo tờ nhật báo El Khabar ở Algeria, sau 30 năm làm tổng thống, ông Mubarak trở thành tỉ phú USD nhờ các dự án đầu tư nước ngoài. Hàng tỉ USD thu được đem đầu tư vào ngành khách sạn và nhà đất ở nước ngoài. Ví dụ, ở Mỹ là khu dân cư cao cấp Manhattan (thành phố New York) và Beverly Hills (bang California). Gama, con trai trưởng của Mubarak, có nhà ở số 28 Công trường Wilton, trung tâm London- Anh. Tờ Wall Street Journal dẫn thông tin của Global Financial Integrity, một tổ chức chuyên theo dõi tình trạng tham nhũng ở các nước đang phát triển, ước tính rằng có tới 57 tỷ USD tài sản đã được tuồn bất hợp pháp ra khỏi Ai Cập trong giai đoạn 2000-2008. Sau khi Mubarak từ chức, Chính phủ Thụy Sĩ phong tỏa mọi tài sản của gia đình Mubarak trong các ngân hàng nước này…

Kể từ khi bị bắt vào năm 2012, ông Mubarak trải qua phần lớn thời gian trong bệnh viện quân y tại thủ đô Cairo để trị bệnh, tới mức năm 2017, ông phải ra toà khi nằm trên băng ca. Trong những năm tháng cuối đời, ông Mubarak thường xuyên phải nằm viện do bệnh nặng. Hồi đầu tháng 1-2020, ông đã phải trải qua một ca phẫu thuật. Khoảng 1 tuần trước khi qua đời, cựu Tổng thống đã phải điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu tại bệnh viện quân y.

Sau khi ông Mubarak qua đời, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã bày tỏ lòng thương tiếc tới gia đình ông, đồng thời vinh danh ông Mubarak là một "nhà lãnh đạo quân sự và người hùng chiến tranh". Trong khi đó, người phát ngôn lực lượng vũ trang Ai Cập cũng ca ngợi cựu Tổng thống Mubarak là "một trong những người con của lực lượng và là một nhà chỉ huy trong thời chiến".

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.