Houthi - đội quân thách thức Mỹ và liên quân Arab trên chiến trường Yemen

Thứ Ba, 08/10/2019, 19:03
Nửa tháng sau khi lên tiếng nhận trách nhiệm bắn tên lửa vào nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Aramco ở Đông Bắc Arab Saudi, cuối tháng 9, phiến quân Houthi lại tuyên bố đã đánh bại 3 lữ đoàn quân Arab Saudi và giải phóng khoảng 350km ở khu vực biên giới Yemen với Arab Saudi.


Hơn 4 năm kể từ khi Liên minh quân sự do Arab Saudi dẫn đầu triển khai chiến dịch can thiệp vào Yemen để chống lại phiến quân Houthi, khôi phục chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi đang phải sống lưu vong, lực lượng Houthi ngày càng phát triển, trở thành một đối trọng trên chiến trường và gây nhiều thiệt hại cho liên quân, đặc biệt là quân đội Arab Saudi.

Những kẻ cực đoan

Houthi theo tiếng Arab nghĩa là "Đạo quân của đức Allah" mà khởi đầu là phong trào Shia-led của những người dòng Shiite, xuất hiện ở Sa'dah, miền Bắc Yemen. Năm 1992, hai anh em Hussein và Mohammed al-Houthi, thành viên của Shia-led, đứng ra thành lập một tổ chức gọi là "Thanh niên Tin tưởng" (Belive Young - viết tắt là BY).

Với hàng trăm nghìn tay súng, 4 năm qua phiến quân Houthi đã gây nhiều thiệt hại cho quân đội Arab Saudi.

Chỉ trong 3 năm, đã có gần 20.000 sinh viên tham gia BY. Sử dụng các bài giảng của Mohammed Hussein Fadhlallah- một học giả người Liban và Hassan Nasrallah, Tổng thư ký tổ chức Hezbollah ở Liban, anh em Hussein al-Houthi, Mohammed al-Houthi truyền bá cho họ những tư tưởng cực đoan, chống lại "mối đe dọa" của khối Arab lúc ấy đang có ảnh hưởng ở Yemen và người Mỹ.

Năm 2003, nhóm BY công khai bộc lộ quan điểm chống Mỹ, chống Do Thái. Năm 2004, Cơ quan An ninh Yemen bắt giữ 800 thành viên BY với lý do âm mưu tổ chức bạo loạn.

Nhằm xoa dịu tình hình, Tổng thống Yemen là ông Ali Abdullah Saleh đã mời Hussein al-Houthi tham dự một cuộc họp hòa giải, tổ chức tại thủ đô Sana'a nhưng Hussein từ chối.

Ngày 18-6-2004, Tổng thống Saleh ra lệnh bắt giữ Hussein. Dưới sự chỉ huy của Mohammed al-Houthi, em ruột Hussein, nhóm BY Hussein phản ứng bằng cuộc nổi dậy chống lại chính quyền. Nhưng ngày 10-9-2004, Hussein. Sau cái chết của Hussein al-Houthi, nhóm BY đổi tên thành Houthi.

Yemen nằm ở một vị trí đắc địa tại cực Tây Nam Arab, dọc theo tuyến đường biển lớn nối châu Âu với châu Á và gần một số tuyến đường thủy thương mại nhộn nhịp nhất biển Đỏ, cảng Aden của Yemen được đánh giá là một trong những khu cảng sầm uất nhất trên thế giới trong thế kỷ 20.

Năm 2011, khu vực Trung Đông xảy ra nhiều biến động lớn như các phong trào Cách mạng Ai Cập, Mùa xuân Arab trong lúc tại Yemen, tình trạng thất nghiệp, tham những và suy thoái kinh tế đã dẫn đến những cuộc biểu tình, yêu cầu Tổng thống Saleh từ chức. Một số lớn binh sĩ Yemen đào ngũ, mang theo vũ khí chạy sang phía Houthi đã khiến cho thực lực của Houthi tăng lên đáng kể.

Tính đến cuối năm 2011, Houthi đã trở thành lực lượng phiến quân có tới hơn 40.000 tay súng, được Al-Qaeda chi nhánh Bắc Phi yểm trợ tích cực, liên tục tổ chức các cuộc nổi dậy, biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Saleh, người bị cáo buộc là nhà độc tài.

Đỉnh điểm là ngày 3-6-2011, Houthi tổ chức đánh bom một đền thờ Hồi giáo, đúng vào giờ cầu nguyện của Tổng thống Saleh cùng các quan chức chính quyền, khiến Tổng thống Saleh bị thương và bị bỏng 40% cơ thể khiến ông này phải sau Arab Saudi chữa thương.

Trước phong trào chống đối Tổng thống Saleh ngày càng mạnh mẽ, ngày 21-2-2012, một cuộc bầu cử tổng thống đã được tổ chức tại Yemen. Kết quả Phó Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi nhận được 99,8% số phiếu bầu.

Lên cầm quyền nhưng Tổng thống Hadi không thành công trong thỏa thuận với Houthi thành lập Yemen thành một nhà nước liên bang. Theo kế hoạch này, các thành trì phía Bắc của Houthi sẽ nằm trong một quận có nguồn lực hạn chế và không thể tiếp cận các cảng.

Trong khi đó, dù mất chức nhưng cựu Tổng thống Saleh vẫn không muốn từ bỏ quyền lực nên đã cùng nhóm sĩ quan quân đội trung thành với mình tập hợp lực lượng và liên minh với kẻ thù cũ là phiến quân Houthi chống lại Chính phủ của Tổng thống Hadi.

Trang bị nhiều vũ khí hiện đại nhưng quân đội Arab Saudi không làm chủ được chiến trường.

Điều đáng nói là sau khi trở thành lực lượng với cả trăm nghìn tay súng, Houthi bắt đầu nhận được sự hậu thuẫn của Iran, vì vậy liên minh Saleh- Houthi bắt đầu tấn công quân chính phủ, giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen.

Tháng 9-2014, liên minh Saleh-Houthi chiếm thủ đô Sanaa khiến Tổng thống Hadi phải chạy sang Arab Saudi. Houthi đóng đô ở khu phía Bắc thành phố trong khi lực lượng của Saleh trấn giữ khu phía Nam.

Cuộc chiến dai dẳng chưa có hồi kết

Trước sự bành trướng của Houthi, Tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi, người kế nhiệm Saleh, phải chạy sang lưu vong ở Oman, sau đó là Arab Saudi. Tình huống này đã thúc đẩy Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thành lập liên minh tham gia cuộc chiến tại Yemen để khôi phục chính phủ của Hadi, đồng thời ngăn chặn nguy cơ hình thành một nhà nước do dòng Shiite kiểm soát trên bán đảo Arab.

Ngày 25-3-2015, các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tuyên bố quyết định can thiệp quân sự chống lại Houthis ở Yemen theo yêu cầu của chính phủ Hadi. Arab Saudi đã gửi 100 máy bay chiến đấu và 150.000 binh sĩ tham gia hoạt động ở Yemen.

Máy bay của quân đội Ai Cập, Maroc, Jordan, Sudan, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar và Bahrain cũng đã tham gia vào các hoạt động quân sự này…Tưởng rằng với sức mạnh quân sự gấp hàng chục lần như vậy, phiến quân Houthi sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt. Tuy nhiên, thực tế đã không như vậy.

Tháng 9-2017, sau hơn 2 năm bắt tay với Houthi, do mâu thuẫn nảy sinh, cựu Tổng thống Saleh ra lệnh cho lực lượng trung thành với mình ở thủ đô ngừng nhận lệnh từ Houthi cũng như quân đóng tại thành phố miền Nam Aden lợi dụng tình hình hỗn loạn để tiến về phía Bắc và đánh vào các cứ điểm của Houthi tại đây.

Trong khi đó, từ Arab Saudi, Tổng thống Hadi ra lệnh cho quân đội của mình tiến vào thủ đô Sanaa. Máy bay của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu cũng không kích dồn dập vào các vị trí của Houthi.

Nhưng Houthi ngay lập tức điều quân cứu viện từ các cứ điểm miền Bắc Yemen tới phía Nam Sanaa. Houthi bao vây và sát hại nhiều thành viên thân cận của Saleh và nhắm thẳng tới nhà riêng của gia đình cựu Tổng thống tại Sanaa. Saleh quyết định chạy khỏi thủ đô Sanaa.

Tuy nhiên cuộc đào thoát đã không thành khi quân Houthi bắn tên lửa RPG chặn xe của Saleh tại một chốt kiểm soát phía Nam Sanaa sau đó trực tiếp bắn chết Saleh. Cái chết của Saleh vào đúng thời điểm then chốt đã dập tắt hy vọng về một giải pháp ít đổ máu và tiếp tục đẩy Yemen, quốc gia nghèo đói bậc nhất Trung Đông tiếp tục chìm trong bom đạn. Trong khi đó, Houthi tiếp tục phát triển trở thành đối trọng trên chiến trường.

Vì sao liên quân Arab không đánh bại được Houthi?

Hơn 4 năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, cho tới lúc này đó vẫn là câu hỏi được nhiều chuyên gia quân sự đưa ra mổ sẻ. Bởi so sánh về lực lượng và trang bị vũ khí, quân đội Arab Saudi và liên quân Arab mạnh gấp nhiều lần cả về quân số và trang bị.

Arab Saudi là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới với khoảng 67,6 tỷ USD, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Với ngân sách quốc phòng lớn như vậy, Arab Saudi không tiếc tiền khi mua sắm những vũ khí do Mỹ, châu Âu sản xuất có chất lượng hàng đầu thế giới.

Nhưng điều trớ trêu là dù được trang bị "tận răng" với những vũ khí hiện đại như vậy nhưng quân đội Arab Saudi lại không có sức mạnh chiến đấu tương xứng. Quân đội Saudi Arabia thiếu thiết bị hậu cần và kinh nghiệm để thực hiện chiến dịch lớn.

Lực lượng bộ binh của Saudi Arabia không được đào tạo một cách bài bản cho những chiến dịch quy mô lớn. Do đó, việc triển khai chiến đấu ở Yemen có thể phải hứng chịu nhiều tổn thất.

Trong khi đó, với sự hậu thuẫn của Iran, Houthi đã thiết lập bộ máy quân sự quy mô lớn tại Yemen. "Phiến quân Houthi đã phát triển khả năng chiến đấu qua chiến tranh, đồng thời được Iran và lực lượng dân quân Hezbollah hỗ trợ về hậu cần và huấn luyện", Maysaa Shujaaeddin, nhà nghiên cứu độc lập về Yemen, cho biết.

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, vũ khí trong biên chế Houthi đã phát triển nhanh chóng cả về tầm bắn và độ chính xác trong những năm qua. Theo thống kê của liên quân Arab Saudi, 4 năm qua, phiến quân Houthi đã phóng tổng cộng 226 tên lửa đạn đạo và 710.606 đầu đạn. Năm 2018, Houthi đã cho ra mắt UAV có tầm hoạt động 1.200-1.500km, cho phép tung đòn tấn công nhằm vào Riyadh, Abu Dhabi và Dubai.

Ngoài UAV, phiến quân Houthi cũng đang sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình diệt hạm, xuồng tự sát không người lái, tên lửa đạn đạo và pháo phản lực tầm xa. Phân tích của Liên Hợp Quốc cho thấy Houthi đang kết hợp giữa các vũ khí tự phát triển với linh kiện mua từ nước ngoài để nâng cấp khí tài có sẵn.

"Họ dựa vào nguồn nhập khẩu thiết bị có giá trị cao, sau đó tích hợp với dây chuyền lắp ráp vũ khí trong nước để tăng cường uy lực cho chúng", nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc viết trong báo cáo công bố đầu năm 2018.

Sự phổ biến của UAV, tên lửa hành trình trong biên chế phiến quân Houthi có thể là ác mộng với Arab Saudi và nhiều quốc gia Trung Đông, khi hàng chục đầu đạn giá rẻ cùng lao tới mục tiêu từ nhiều hướng, trong đó có những khí tài chuyên gây nhiễu radar và số khác có nhiệm vụ gây quá tải hệ thống phòng không.

Kể từ năm 2016, gần như tháng nào phiến quân Houthi ở Yemen cũng tập kích Arab Saudi bằng tên lửa. Và vụ tập kích vào hai nhà máy dầu Abqaiq và Khurais của Tập đoàn Aramco ngày 14-9 để lại hậu quả nặng nề.

Tuy nhiên, vụ tấn công vào ở Arab Saudi được cho là đã thúc đẩy nỗ lực chấm dứt xung đột tại Yemen của các bên. Phiến quân Houthi hôm 20-9 thông báo sẽ ngừng mọi hoạt động tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo nhằm vào Arab Saudi. 

Wall Street Journal cho biết chính quyền Trump còn đang cố thúc đẩy Arab Saudi đàm phán với các lãnh đạo của nhóm phiến quân, trong bối cảnh mối lo ngại về leo thang xung đột với Iran ngày càng tăng. Trong cuộc phỏng vấn với CBS hôm 29-9, Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman cũng bày tỏ mong muốn đạt được giải pháp hòa bình với Houthi.

Tuy nhiên, tiến trình hòa bình ở Yemen còn là hành trình không đơn giản khi Houthi phải chấp nhận chia sẻ quyền lực ở Yemen, thứ mà họ đã giành được trong cuộc chiến suốt hơn 4 năm qua, đặc biệt là việc giải giáp hàng chục nghìn tay súng của Houthi, những người từ lâu đã chỉ quen cầm súng đánh nhau sẽ việc không dễ dàng.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.
.