Huawei giúp theo dõi đối thủ chính trị?

Thứ Sáu, 30/08/2019, 09:20
Huawei Technologies Co. đã công khai bán các công cụ bảo mật pháp lý mà các chính phủ châu Phi sử dụng để giám sát và kiểm duyệt kỹ thuật số.


Tuy nhiên, một số nhân viên của Huawei đang cung cấp các dịch vụ bí mật khác, mới bị phanh phui trên báo Wall Street Journal (WSJ). 

Các kỹ thuật viên của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, trong ít nhất 2 trường hợp, đã trực tiếp giúp các chính phủ châu Phi theo dõi các đối thủ chính trị của họ, như chặn các thông tin liên lạc và phương tiện truyền thông xã hội, và sử dụng dữ liệu di động để theo dõi nơi ở của họ. 

Thông tin này được tiết lộ từ các quan chức an ninh cấp cao làm việc trực tiếp với nhân viên Huawei tại các nước châu Phi.

Ở Uganda vào năm ngoái, ông Bobi Wine đã trở về nước dưới sự ủng hộ của Mỹ cho phong trào đối lập của ông. Ông này được xem là một mối đe dọa đối với chế độ 33 năm của Tổng thống Yoweri Museveni. Vì thế, đơn vị giám sát không gian mạng của Uganda đã ra lệnh ngăn chặn thông tin liên lạc được mã hóa của ông, sử dụng quyền hạn rộng lớn của một đạo luật năm 2010 mang lại cho chính phủ khả năng bảo đảm lợi ích đa chiều của mình.

Các quan chức chính phủ yêu cầu Huawei giúp hack vào phương tiện truyền thông xã hội của ông Bobi Wine. Các kỹ sư của Huawei, được xác định bằng tên trong các tài liệu cảnh sát nội bộ mà WSJ được tiếp cận, đã sử dụng phần mềm gián điệp để thâm nhập vào nhóm trò chuyện WhatsApp của ông Bobi Wine, có tên là Firebase. Các nhà chức trách đã nắm được kế hoạch của ông về việc tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố, nên đã bắt giữ ông và hàng chục người ủng hộ.

Tháng 5-2018, ông Museveni của Uganda đã ký một hợp đồng trị giá 126 triệu đô la với Huawei cho dự án thành phố an toàn sau một quá trình đấu thầu bí mật liên quan đến 2 công ty Trung Quốc, trả trước 16,3 triệu đô la và tài trợ phần lớn phần còn lại với khoản vay 104 triệu đô la từ Standard Chartered Bank, theo các tài liệu trình bày cho một ủy ban quốc hội. 

Các sĩ quan tình báo ở Uganda đã xác nhận họ được dạy cách sử dụng phần mềm gián điệp để đọc email và văn bản nhưng không được mã hóa thông tin liên lạc.

Tại Zambia, các kỹ thuật viên của Huawei đã giúp chính phủ truy cập điện thoại và trang facebook của một nhóm blogger đối lập đang điều hành một trang tin tức ủng hộ phe đối lập, đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Edgar Lungu. Định vị các blogger và liên lạc với các đơn vị cảnh sát được triển khai để bắt giữ họ. 

"Các kỹ thuật viên của Huawei đã giúp ngăn chặn thông tin liên lạc của các blogger đối lập đang điều hành một trang tin tức có tên Koswe, hay The Rat (chuột), người đã nhiều lần chỉ trích ông Lungu", hai quan chức Zambia trong Cybercrime Crack Squad cho biết. 

Trong một tuyên bố, Huawei cho biết họ chưa bao giờ bán các giải pháp thành phố an toàn ở Zambia và đã không tiến hành kinh doanh với Cybercrime Crack Squad của Zambia. 

Năm 2012, một vụ trộm cắp dữ liệu bị xuất phát Trụ sở của Liên minh châu Phi (AU) tại Addis Ababa, Ethiopia, nơi thông tin từ các hệ thống máy tính của AU đã bị cáo buộc truyền đến các máy chủ ở Trung Quốc. Điều này diễn ra vào cùng một thời điểm mỗi đêm, trong 5 năm, cho đến khi nó được phát hiện vào tháng 1-2017. Phần lớn các hệ thống máy tính bị xâm nhập ở Trụ sở Liên minh châu Phi được cung cấp bởi Công ty Huawei của Ttrung Quốc.

Câu hỏi lớn được đặt ra là liệu các công ty Trung Quốc chỉ làm việc này vì tiền hay liệu họ có đang thúc đẩy một loại chương trình giám sát cụ thể hay không?

Vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép Mỹ cấm các thiết bị và dịch vụ viễn thông từ các đối thủ nước ngoài, một thuật ngữ được giải thích rộng rãi để chỉ Huawei. 

Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung Huawei vào Danh sách thực thể trên mạng, trích dẫn các mối lo ngại về an ninh quốc gia, điều này ngăn cản các công ty cung cấp công nghệ do Mỹ sản xuất cho Huawei mà không có giấy phép.

Thùy Dương
.
.
.