Huawei sẽ ra sao sau lệnh trừng phạt?

Thứ Bảy, 25/05/2019, 16:46
Google quyết định đình chỉ giấy phép và thỏa thuận chia sẻ với Huawei, bao gồm việc chuyển giao các sản phẩm phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật.


Sau khi cấm Huawei mua công nghệ quan trọng của Mỹ mà không có sự chấp thuận từ Washington, mặc dù Bộ Thương mại Mỹ đã hoãn lệnh cấm 90 ngày, dưới dạng giấy phép tạm thời để Huawei được mua hàng hóa do Mỹ sản xuất nhằm duy trì hoạt động cho các nhà mạng hiện tại; Huawei cũng được phép tiếp cận mảng phần mềm nhằm cung cấp các bản cập nhật cho thiết bị cầm tay do hãng sản xuất, nhưng một số nhà cung cấp thiết bị của Mỹ đã quyết định tạm dừng cung cấp dịch vụ, thiết bị với tập đoàn này.

Hàng loạt đối tác ngừng cung cấp thiết bị, dịch vụ

Ngày 20-5, Google quyết định đình chỉ giấy phép và thỏa thuận chia sẻ với Huawei, bao gồm việc chuyển giao các sản phẩm phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật. Quyết định của Google đồng nghĩa với việc các mẫu Smartphone chạy Android trong tương lai của Huawei sẽ mất quyền truy cập vào những dịch vụ phổ biến, bao gồm Google Play Store, Gmail và YouTube...

Những người đang dùng smartphone Huawei có thể tiếp tục sử dụng các ứng dụng và dịch vụ của Google như Google Maps, Gmail và YouTube... Họ vẫn có thể dùng Google Play Store và cập nhật các phiên bản mới cùng các bản vá bảo mật cho các ứng dụng và dịch vụ của Google.

Nhiều người hy vọng Huawei sẽ được ông Trump bỏ lệnh cấm như đã làm với Tập đoàn ZTE sau khi nhận được nhượng bộ thương mại từ Trung Quốc.

Do lệnh cấm của Mỹ, các ứng dụng và dịch vụ của Google đã đề cập ở trên sẽ không khả dụng trên các mẫu smartphone mà Huawei ra mắt trong thời gian tới. Điều này hiện đang được áp dụng cho các mẫu smartphone được phát triển cho thị trường Trung Quốc, thay thế các ứng dụng và dịch vụ của Google bằng các sản phẩm tương đương của Trung Quốc từ các hãng như Baidu và Tencent.

Huawei vẫn có thể sử dụng Android nhưng là phiên bản mã nguồn mở (AOSP) vốn cho phép bất kỳ ai sử dụng và chỉnh sửa. Mặc dù vậy, Huawei sẽ sớm mất quyền truy cập sớm vào các phiên bản Android mới, khiến thiết bị của họ chậm được cập nhật hơn.

Nhưng thiệt hại lớn nhất chính là việc thiếu các ứng dụng và dịch vụ của Google, điều có thể ngăn cản người dùng bên ngoài Trung Quốc chọn mua smartphone Huawei. Nó sẽ khiến tham vọng vượt qua Samsung để trở thành hãng smartphone hàng đầu thế giới của Huawei tan thành mây khói.

Không chỉ Google, mới đây Intel, Qualcomm và Broadcom, ba hãng hàng đầu thế giới về thiết kế và cung cấp linh kiện sản xuất chip, đã bất ngờ ngừng hợp tác với Huawei.

Hãng tin Bloomberg cho biết nhân viên của ba hãng sản xuất chip lớn của Mỹ đã được thông báo rằng công ty của họ sẽ dừng các thỏa thuận hợp tác với Huawei cho đến khi có thông báo mới.

Hiện tại, Intel đang cung cấp cho Huawei chip máy chủ và bộ vi xử lý dành cho máy tính xách tay do Huawei sản xuất. Trong khi đó, Qualcomm và Broadcom đang cung cấp linh kiện để sản xuất modem và một số loại chip khác cho Huawei.

Huawei sẽ chống chọi thế nào với lệnh cấm của Mỹ vẫn là dấu hỏi.

Sau các công ty Mỹ, đến lượt hãng thiết kế cấu trúc chip ARM có trụ sở tại Anh đã thông báo nội bộ về việc đình chỉ kinh doanh với Huawei, theo BBC. Dù có trụ sở tại Anh nhưng ARM vẫn có nhiều công nghệ từ Mỹ.

Như vậy, động thái này của ARM cho thấy chính sách cấm vận của chính quyền Tổng thống D.Trump đã vượt ra khỏi phạm vi nước Mỹ. Trước đó, công ty sản xuất chip Infineon Technologies của Đức cũng ngưng giao các lô hàng đến Huawei.

Việc đình chỉ kinh doanh với Huawei của ARM khiến tương lai của Huawei càng thêm khó khăn, bởi sau lệnh cấm này, Huawei sẽ không thể sản xuất bất kỳ con chip nào trên cấu trúc ARM nữa, mà sẽ phải tái thiết kế lại con chip và việc này sẽ tiêu tốn thời gian và chi phí.

Ngoài ra, Công ty Infineon của Đức cho biết, họ sẽ ngừng cung cấp cho Huawei những cấu phần và linh kiện có nguồn gốc từ Mỹ, do phải tuân theo lệnh cấm.

Việc đồng loạt bị các hãng công nghệ ngừng hợp tác sẽ khiến Huawei lâm vào khó khăn trên hai thị trường smartphone và viễn thông. Hiện Huawei đang là hãng smartphone lớn thứ hai thế giới về mặt doanh số và là một trong những hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, tuy nhiên vị thế này có thể thay đổi trong tương lai.

Ngoài smartphone, Huawei còn sản xuất cả tablet, smartwatch và laptop. Smartwatch của Huawei có 2 dòng, một dòng dùng WearOS của Google và dòng còn lại dùng LiteOS của Huawei.

Các mẫu smartwatch chạy LiteOS của Huawei thay vì phần mềm của Google sẽ không bị ảnh hưởng gì. Nhưng các mẫu smartwatch dùng WearOS của Google và tablet Android của Huawei có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề tương tự như các mẫu smartphone.

Lệnh cấm của Mỹ cũng đánh vào tham vọng của Huawei trên thị trường máy tính. Laptop MateBook của Huawei được đánh giá rất cao và phiên bản mới dự kiến sẽ được bán ra tại Mỹ và các quốc gia khác trong năm nay. Nhưng giống như hầu hết các máy tính, laptop khác, mẫu laptop mới của Huawei sẽ bị ảnh hưởng bởi nó chạy phần mềm Windows của Microsoft và dùng chip của Intel.

Một phát ngôn viên của Huawei chia sẻ với báo “The Straits Times” của Singapore rằng sự kiện ra mắt laptop MateBook mới tại Singapore vào ngày 22-5 đã bị hoãn vô thời hạn. Huawei cũng không xác nhận có tung mẫu MateBook này lên kệ tại Singapore vào ngày 30-5 đúng như kế hoạch hay không.

Mỹ đánh giá thấp sức mạnh của Huawei?

Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định, giấy phép tạm thời 90 ngày của Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến Huawei, bởi một nửa số chip được sử dụng trong thiết bị của Huawei được nhập khẩu từ Mỹ và nửa còn lại do chính Huawei sản xuất.

"Thực tế hiện nay là các chính trị gia Mỹ đã đánh giá thấp sức mạnh của chúng tôi. Mạng 5G của Huawei sẽ hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Về mặt công nghệ 5G, không ai có thể thể bắt kịp Huawei trong 2-3 năm tới", ông Nhậm Chính Phi nói.

Chủ tịch Huawei Nhâm Chính Phi khẳng định các chính trị gia Mỹ đã đánh giá thấp sức mạnh của tập đoàn này.

Thực tế, ngay cả khi Huawei bị cấm hoàn toàn khỏi thị trường Mỹ, họ vẫn có thể kiểm soát 40-60% mạng viễn thông trên toàn thế giới. Huawei có thị trường lớn ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và một phần châu Á. Các quan chức Mỹ cho biết, Huawei đã đưa ra giá chào thầu thấp và cung cấp các khoản vay ưu đãi để vượt mặt các đối thủ phương Tây trong những hợp đồng xây dựng mạng 5G.

Giới phân tích cho rằng, điều Huawei cần làm là giữ được các khách hàng bên ngoài Mỹ. "Họ cần phải tập trung vào thông điệp rằng họ không phải là rủi ro về bảo mật, để họ có thể duy trì hoạt động kinh doanh ở các nước khác", Crawford Del Prete, Chủ tịch Công ty nghiên cứu IDC, nói.

Gần đây, Huawei cũng tăng cường việc tự sản xuất chip của chính mình để giảm sự phụ thuộc vào công ty Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều công nghệ khác mà Huawei chưa thể nào tự sản xuất độc lập được mà phải nhập khẩu từ bên ngoài, bao gồm các đối tác Mỹ. Theo “Bloomberg”, Huawei đã dự trữ đủ chip và thành phần linh kiện quan trọng khác để duy trì hoạt động kinh doanh của mình trong ít nhất ba tháng. Tuy vậy, nếu không tìm ra giải pháp thay thế trong thời gian này, tiến độ xây dựng mạng 5G có thể bị chậm đi đáng kể.

Theo Sputnik, ngày 22-5, EE, nhà mạng di động lớn nhất của Anh, tuyên bố sẽ ra mắt mạng 5G trong tháng này mà không cần đến Huawei. Giám đốc điều hành EE, Marc Allera nhấn mạnh, công ty có chiến lược đa dạng các nhà cung cấp, do đó kế hoạch của công ty sẽ không cần phải thay đổi khi không có sự tham gia của Huawei.

Trước đây, Mỹ đã cảnh báo Anh về việc có thể chấm dứt hợp tác tình báo giữa hai nước vì vấn đề liên quan đến hợp tác với Huawei. Vương quốc Anh sau đó đã từ chối cho Huawei thiết lập mạng viễn thông 5G.

Trong khi đó, hai hãng viễn thông Nhật Bản là Tập đoàn KDDI đang quản lý dịch vụ điện thoại di động AU và Tập đoàn Softbank đang quản lý mạng viễn thông giá rẻ Y! Mobile đã tạm ngừng bán điện thoại Huawei. Thông báo trên được KDDI và Softbank đưa ra sau khi Mỹ quyết định cấm các doanh nghiệp nước này bán linh kiện điện thoại cho Huawei.

Cho tới lúc này, Huawei đã kêu gọi các nước châu Âu phản đối Washington có những chính sách ngăn chặn Huawei tiếp cận các thị trường và công nghệ. Nhà sáng lập Huawei - ông Nhậm Chính Phi - vẫn khẳng định, các hạn chế của Mỹ không gây tác động lớn vì Huawei đã có sự chuẩn bị trước.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Huawei cũng khiến các công ty sản xuất chip và linh kiện Mỹ như Micron Technologies, Qualcomm, Qorvo and Skyworks Solutions bị ảnh hưởng vì mất đi đối tác lớn.

Google có thể mất một số phí bản quyền và cơ hội hiển thị quảng cáo trên điện thoại Huawei. Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách nhắm mục tiêu vào công ty điện thoại thông minh Apple, vì gần 20% doanh số bán hàng của họ là ở Trung Quốc và họ phụ thuộc nhiều vào các nhà máy Trung Quốc.

Liên quan vụ Google ngừng một số hoạt động kinh doanh với Tập đoàn Huawei, Huawei Việt Nam đã phát đi một thông cáo báo chí, trong đó khẳng định: "Là một trong những đối tác toàn cầu quan trọng của Android, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với nền tảng mã nguồn mở của họ để phát triển một hệ sinh thái có lợi cho cả người dùng và ngành công nghiệp di động.

Huawei sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật bảo mật và dịch vụ hậu mãi cho tất cả các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng Huawei và Honor hiện có, bao gồm những sản phẩm đã được bán hoặc vẫn còn tồn kho trên toàn cầu. Huawei cũng cam kết sẽ tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái phần mềm an toàn và bền vững, nhằm cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho tất cả người dùng trên toàn cầu".

Đức Quý (tổng hợp)
.
.
.