Huề cả làng vụ Cảnh sát Mỹ bắn chết nông dân Mexico

Thứ Hai, 10/10/2016, 10:16
Ba nhân viên Cảnh sát Mỹ bắn chết một người nông dân Mexico không giấy tờ tùy thân vào năm 2015 sau khi ông này ném đá vào họ đã được chính quyền tiểu bang Washington tuyên bố vô tội vì làm đúng theo quy định pháp luật.

Chứng cứ rành rành

Trong đoạn clip được một người chứng kiến sự việc quay lại và tung lên YouTube, ban đầu dường như Antonio có tranh cãi với 3 nhân viên cảnh sát khi đứng cạnh chiếc xe mở còi hụ và đèn hiệu nhấp nháy liên hồi. 

Sau đó, ông này phản ứng mạnh mẽ và bắt đầu ném đá về phía cảnh sát. Lập tức các nhân viên công vụ rút súng ra và Antonio vội vã bỏ chạy. Cảnh sát đuổi theo và tiếng súng bắt đầu vang lên. 

Theo hình ảnh trong clip thì Antonio Zambrano-Montes chỉ chạy được khoảng vài chục mét, từ vỉa hè đầu ngã tư đèn đỏ bên này băng qua đến vỉa hè bên kia. Vừa chạy ông vừa quay đầu lại, hai tay không hề có vũ khí hay bất cứ vật gì liên tục khua khoắng như muốn phân trần hay xin lỗi, thể hiện mình không có ý gì chống cự.

Tuy nhiên, 3 viên cảnh sát vẫn cật lực bám sát và dùng đèn pin rọi thẳng vào mặt Antonio rồi nổ súng từ khoảng cách chỉ vài mét. Người đàn ông tội nghiệp trúng đạn ngã  bất động. 

Lúc này các viên cảnh sát thản nhiên đứng nhìn, trao đổi điều gì đó rồi họ bất ngờ dùng còng số 8 khóa trái hai tay người đàn ông ra sau lưng, dù cho ông ta không còn cử động. 

Một viên cảnh sát còn bước ra ngoài dùng tay ra dấu yêu cầu người dân xung quanh tránh xa khu vực này, không quay phim chụp ảnh.

Phản ứng cộng đồng

Theo kết luận của nhà chức trách Mỹ, ông Antonio Zambrano-Montes đã ném đá vào các cảnh sát: Ryan Flanagan, Adam Wright và Adrian Alaniz rồi bỏ chạy. Tổng cộng đã có 17 phát đạn được những người thừa hành công vụ bắn ra, trong đó 5 viên gây ra cái chết cho người đàn ông này. 

Trong các cảnh sát có mặt ở hiện trường, không ai gắn camera di động lên cảnh phục. Một báo cáo sau này của cảnh sát cho biết, kết quả xét nghiệm của Antonio cho thấy người này có nồng độ ma túy đá (methamphetamine) trong máu. Nửa năm đến khi Antonio bị bắn  tổng cộng có 6 người tử vong liên quan đến cảnh sát tại Pasc.

Người biểu tình yêu cầu “Cảnh sát phải bảo vệ dân chứ không phải giết họ”.

Vốn thất nghiệp nên Antonio đã rời bỏ quê nhà từ bang Michoacan của Mexico sang Mỹ kiếm sống bằng nghề hái táo thuê. Theo tin từ tạp chí Newsweek, năm 2014, Zambrano-Montes đã phải ở tù 4 tháng rưỡi vì dùng chổi đập phá chiếc xe đậu trên đường phố và chống người thi hành công vụ, phải theo các lớp học tâm lý để điều trị tình trạng quá khích. Ở trong tù vị này thú nhận mình có sử dụng ma túy.

Sau cái chết của Antonio, gia đình đã đưa thi hài anh về quê nhà chôn cất và phát đơn kiện lên chính quyền thành phố Pasco, đòi số tiền bồi thường lên đến 25 triệu USD. Họ cũng gửi thư lên Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu điều tra chính xác vụ việc một cách nhanh chóng. Trao đổi với báo giới, người nhà Antonio cho rằng ban đầu vụ việc có thể do bất đồng ngôn ngữ vì anh không hiểu được cảnh sát yêu cầu mình làm gì. Thậm chí khi xem lại đoạn video, anh ấy không có biểu hiện gì chống đối hay đe dọa cả.

Ngay khi vụ bắn chết người xảy ra, người biểu tình đã chiếm cứ toàn thành phố Pasco, yêu cầu chính quyền phải làm sáng tỏ vụ việc, đem lại công bằng cho cộng đồng Hispanic (người gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Đám đông cả nghìn người được dẫn đầu bởi gia đình Zambrano-Montes mang theo di ảnh nạn nhân đã diễu hành khắp khu vực trung tâm thành phố, trương nhiều tấm áp phích kêu gọi chấm dứt bạo lực từ cảnh sát và phân biệt đối xử với cộng đồng Hispanic vốn chiếm đa số tại Pasco. Làn sóng phản đối đã lan sang các thành phố lớn khác ở tiểu bang Washington.

Lý lẽ thuộc về kẻ mạnh

Lo ngại tình trạng bất ổn và xung đột bạo lực có thể xảy ra tương tự như vụ cảnh sát viên da trắng đã nổ súng bắn chết một thiếu niên da đen không có vũ khí năm 2014 ở thành phố Ferguson, bang Missouri, một đơn vị điều tra đặc biệt đã được lập ra phụ trách vụ việc, bao gồm các cảnh sát ở thành phố khác phối hợp cùng FBI và luật sư.

Trong 7 tháng, tổng cộng có 6 người tử vong liên quan đến cảnh sát tại Pasc.

Tuy nhiên vào tuần qua, ông Bob Ferguson - Tổng chưởng lý tiểu bang Washington đã ra tuyên bố rằng hành động của các nhân viên cảnh sát là thi hành đúng pháp luật. 

"Tôi tin rằng việc sử dụng vũ lực gây chết người trong trường hợp này, mặc dù đúng về mặt pháp lý, nhưng không phải là cách duy nhất cảnh sát có thể dùng để bảo vệ mình và đối tượng khỏi những hành vi nguy hiểm", ông Bob Ferguson viết trong một lá thư gửi Thống đốc Jay Inslee. 

Trước đó 2 tuần, liên quan đến vụ nổi loạn diễn ra tại thành phố Ferguson, Bộ Tư pháp Mỹ đã từ chối truy tố hình sự cấp liên bang đối với các cảnh sát da trắng trong vụ giết chết người da màu.

Theo giới truyền thông Mỹ, chỉ trong nửa đầu năm nay đã có khoảng 500 người bị cảnh sát nước này bắn chết; kèm theo đó là tỷ lệ cảnh sát thiệt mạng cũng tăng theo. Nếu so với châu Âu thì những con số này đều cao hơn bất thường. 

Giới quan sát cho rằng tình trạng sát thương diễn ra cao do Mỹ cho phép người dân sở hữu súng nên cảnh sát phải luôn đề cao cảnh giác, dẫn đến nhiều vụ nổ súng. Hơn nữa tình trạng phân biệt chủng tộc, phân tầng xã hội cũng khiến mâu thuẫn giữa bên thi hành luật pháp và những người bị cho là tầng lớp thấp luôn diễn ra âm ỉ. 

Điều này lý giải cho việc 20 cảnh sát Mỹ bị bắn chết trong 6 tháng đầu năm 2016 và hiện tại vẫn chưa có giải pháp triệt để cho vấn đề này.

Hà Cao
.
.
.