Hy vọng đổi đời "đứt ghánh" ở Địa Trung Hải

Thứ Tư, 25/03/2020, 07:43
Mỗi năm, hàng ngàn người di cư châu Phi thiệt mạng trên con đường đến "miền đất hứa" châu Âu. Một gia đình ở Conakry, Guinea đặt cược tất cả vào cậu con trai cả và họ đã thất bại hoàn toàn.


Niềm hy vọng duy nhất của gia đình anh tan vỡ

Bà Mafule Camara lấy một tấm ảnh hộ chiếu cũ cất kỹ trong túi nhỏ luôn đeo bên người và nhìn hồi lâu. Đó là hình ảnh của cậu con trai lớn. "Ôi, Lansana! Chúng tôi chỉ muốn giúp thằng bé có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi không muốn đẩy Lansana đến chỗ chết!", bà Mafule Camara thốt lên.

Mưa rơi đều trên mái ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Mafule Camara ở Conakry, thủ đô Guinea. "Tôi còn nhớ rõ, đó là một ngày mùa thu năm 2017, tôi nhận được cuộc điện thoại từ số lạ nói về con trai Lansana đang trên hành trình đến châu Âu. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi vì mạng di động kém nhưng điều duy nhất tôi hiểu là con trai Lansand đã chết. Khi đó, Lansana mới 31 tuổi", bà Mafule Camara nói.

Cái chết của Lansana khiến niềm hy vọng duy nhất của gia đình anh tan vỡ. Lansana, giống như rất nhiều người di cư đã bắt đầu cuộc hành trình như thế, mang theo hy vọng của cả gia đình khi rời quê hương. Mọi người hy vọng rằng, những người di cư sẽ sớm kiếm đủ tiền để hỗ trợ người thân ở quê nhà. Niềm hy vọng này, giống như hy vọng của gia đình Lansana, đã bị đánh mất ở Địa Trung Hải.

Bà Mafule Camara cầm tấm ảnh hộ chiếu còn sót lại của con trai cả Lansana.

Gia đình bà Mafule Camara rất đông người. Ngay cả ông Sekou, cha của Lansana cũng không thể nói chính xác có bao nhiêu người thân cùng chia sẻ không gian sống xung quanh khoảng sân nhỏ. 

Có túp lều của người vợ đầu tiên, mẹ của Lansana. Bên cạnh đó là túp lều của người vợ thứ hai. Ngoài ra, còn có anh, chị, em họ, cô, dì, chú bác và các cháu. Tổng cộng, khoảng 30 hoặc 40 người. Tất cả đều đặt hy vọng vào Lansana.

"Tôi chỉ đủ tiền để gửi một trong những đứa con của mình đến trường và đó là Lansana, con trai cả. Thằng bé đã tốt nghiệp trung học. Toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình được dùng để đầu tư cho Lansana đi học. Tôi mong một ngày, Lansana sẽ nuôi cả gia đình", ông Sekou nói.

Lansana có bằng xã hội học nhưng nhiều năm sau khi tốt nghiệp, anh không thể tìm được việc làm. Lansana không phải trường hợp cá biệt bởi tình trạng thanh niên thất nghiệp diễn ra phổ biến ở Guinea và nhiều quốc gia khác ở Tây Phi khác. "Nếu không xuất thân từ một gia đình có vị trí trong xã hội, bạn không có cơ hội tìm việc làm ở đây", sự cay đắng hiện rõ trong giọng nói của ông Sekou.

Cuối cùng, gia đình quyết định để Lansana đến châu Âu. Là thành viên duy nhất trong gia đình có bằng cấp, họ nghĩ rằng, anh sẽ có cơ hội tốt để tìm việc làm. Gia đình quyết định bán mọi thứ, trong đó có mảnh đất nhỏ ở ngoa åi ô Conakry để có được 3.000 euro cho Lansana lên đường.

Vì nghèo đói, nhiều gia đình ở Châu Phi vẫn để con em tham gia cuộc hành trình đến Châu Âu bất chấp nguy hiểm rình rập.

Vòng quay luẩn quẩn của sự nghèo đói

Lansana bắt đầu cuộc hành trình định mệnh của mình vào tháng 12/2016. Từ Conakry anh di chuyển đến Bamako, Mali, trước khi qua Gao đến Nigeria. Từ đây, Lansana tiếp tục đến khu vực Sahara, thông qua những đường dây buôn người để tiếp tục di chuyển. 

Bằng cách nào đó, Lansana đến Algeria, ở lại đây vài tháng, tìm việc làm để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo tới Libya. Một lần ở Libya, anh liên lạc lại với gia đình vì cần thêm 3.000 euro để vượt Địa Trung Hải.

Sau đó, gia đình nhận được một cuộc gọi từ Lansana: "Mẹ ơi, con đã tìm thấy một chiếc thuyền sẽ đưa con đến châu Âu. Ngày mai chúng con sẽ di chuyển", bà Mafule kể lại. "Chúng tôi không bao giờ nghe thấy tiếng thằng bé một lần nào nữa. Tất cả những gì chúng tôi làm là chờ đợi và tuyệt vọng", bà Mafule nói tiếp.

Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 14.000 người đã chết khi cố gắng di chuyển từ châu Phi đến châu Âu kể từ cuối năm 2014. Cha mẹ của Lansana biết rủi ro và họ cũng đã nghe những câu chuyện tương tự về người di cư chết khát ở Sahara hoặc rơi vào tay những kẻ buôn người, thậm chí là bỏ mạng ở Địa Trung Hải.

Nguy hiểm rình rập là vậy nhưng các gia đình vẫn để con cái mình tham gia cuộc hành trình ấy. Khi được hỏi, có cảm giác tội lỗi hay không. Ông Sekou trả lời: "Không. Tôi vẫn sẽ đưa ra quyết định tương tự một lần nữa. Cả cuộc đời, tôi cho thằng bé mọi thứ tôi có. Giờ đây, khi Lansana mất đi, chúng tôi không có bất cứ thứ gì. Đó không phải là lỗi của chúng tôi mà là vòng quay luẩn quẩn của sự nghèo đói", ông Sekou nói.

Phạm Tường (tổng hợp)
.
.
.