Indonesia - Malaysia căng mình chống khủng bố

Thứ Năm, 08/12/2016, 16:28
Viện Phân tích Chính sách Xung đột (IPAC) từng cảnh báo, Đông Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ bạo lực cực đoan gia tăng do những phần tử ủng hộ IS tăng cường phối hợp với nhau, trong khi các cơ quan hành pháp ở khu vực vẫn chưa chuẩn bị cho mối đe dọa này.


Việc bắt Rio Priatna Wibawa, kẻ có kế hoạch tấn công các tòa nhà Chính phủ và Đại sứ quán Myanmar tại Jakarta trong tháng 12, đã giúp cảnh sát Indonesia tháo được "ngòi nổ" của một vụ khủng bố mới.

Ngày 26-11, người phát ngôn cảnh sát Indonesia Boy Rafli Amar cho biết, Rio Priatna Wibawa (từng là sinh viên đại học ngành nông nghiệp và hiện đang thất nghiệp) là thành viên IS, và lực lượng cảnh sát chống khủng bố đã thu giữ nhiều vật liệu nổ tại nhà hắn ở làng Girimulya, huyện Majalengka, tỉnh Tây Java.

số thuốc nổ bị tịch thu có thể gây ra vụ nổ với sức công phá gấp đôi quả bom khiến 202 người thiệt mạng tại Bali năm 2002. "Số vật liệu nổ này sẽ được sử dụng để tấn công các trụ sở Đại sứ quán nước ngoài, các cơ sở tôn giáo, trụ sở cảnh sát và tòa nhà Quốc hội", Người phát ngôn cảnh sát Indonesia Boy Rafli Amar tuyên bố.

Đồng thời khẳng định, Rio Priatna Wibawa và 3 thành viên IS (chưa bị bắt), đã lên kế hoạch chế tạo nhiều bom tại một phòng thí nghiệm hóa chất trong nhà của tên này.

Rio Priatna Wibawa được cho đang phối hợp với thủ lĩnh cấp cao của IS tại khu vực Đông Nam Á và hắn đã bị bắt khi cảnh sát đột kích vào làng Girimulya. Rio Priatna Wibawa đã thừa nhận, chính hắn chế tạo bom từ những vật liệu kể trên.

Trước đó (18-11), lực lượng chống khủng bố đã bắt 5 nghi phạm ở ngoại ô Thủ đô Jakarta - 4 tên bị bắt tại thị trấn Bekasi, tên còn lại bị bắt ở thị trấn Kalideres. 

Và theo ông Boy Rafli Amar, các đối tượng này đều là thành viên của một nhóm khủng bố.Cảnh sát đã thu giữ nhiều chứng cứ quan trọng  khi khám xét nơi ở của các đối tượng kể trên. 

Hơn 1 tháng trước (ngày 25-10), lực lượng chống khủng bố đã giữ một người đàn ông được cho là khủng bố tại thành phố Magetan, tỉnh Đông Java.Tại nhà của người đàn ông này, cảnh sát đã thu giữ vật liệu nổ, mã tấu, điện thoại di động, kíp nổ và sách có nội dung cực đoan.

Số nguyên liệu chế tạo bom được cảnh sát Indonesia phát hiện.

Cảnh sát trưởng quốc gia, Tướng Tito Karnavian từng cảnh báo ẩn họa đến từ "sói cô đơn" và lực lượng cảnh sát Indonesia đang chật vật trong việc phát hiện chúng.

Và để đối phó với vấn nạn này, Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia (BNPT) đã thành lập một đội đặc biệt có nhiệm vụ chống chiến dịch tuyên truyền và kích động tấn công của IS trên mạng Internet.

Cảnh sát Indonesia cho biết, các lực lượng chức năng đang theo dõi sát động thái của hơn 50 phiến quân vừa trở về nước sau khi gia nhập IS tại Iraq và Syria.

Theo thống kê, trong mấy tháng qua, các tay súng IS đã tiến hành một số vụ đánh bom liều chết quy mô nhỏ tại Indonesia, chủ yếu nhằm vào nhà thờ, người phương Tây và cảnh sát, gây nhiều thương vong.

Về phần mình, Thủ tướng Malaysia Najib Razak vừa tuyên bố thành lập lực lượng tác chiến đặc biệt quốc gia (NSOF, gồm 17 sỹ quan và 170 binh sỹ được lấy từ lực lượng vũ trang Malaysia, cảnh sát Hoàng gia Malaysia và Cơ quan chấp pháp biển Malaysia), có nhiệm vụ thường trực đối phó với các mối đe dọa khủng bố.

Nhiệm vụ chính của NSOF là loại bỏ tất cả hình thức của chủ nghĩa khủng bố ở trên bộ, trên không và trên biển, đồng thời luôn sẵn sàng phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa khủng bố.

Trước đó (19-10), Siti Intan Shafinaz Johari đã bị Tòa án Tối cao Kuala Lumpur kết án 2 năm tù giam sau khi người này nhận tội sở hữu gần 140 hình ảnh về IS.

Siti Intan Shafinaz Johari bị bắt ngày 22-3-2016, khi sở hữu chiếc điện thoại Lenovo có chứa 139 hình ảnh liên quan đến IS, tại một ngôi nhà ở Kampung Ujung Tanjung. Thẩm phán Azman Abdullah cho biết, bản án nghiêm khắc kể trên nhằm kiềm chế các hoạt động khủng bố gây bất ổn tình hình an ninh.

Ngày 23-11, Người phát ngôn Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Piyapan Pingmuang khẳng định, không có bằng chứng về việc công dân nước này ủng hộ IS dù đã có các thống kê về việc truy cập trang mạng của tổ chức này từ xứ sở chùa vàng.

Ông Piyapan Pingmuang cho biết, cảnh sát không phát hiện có hoạt động của IS tại Thái Lan, đồng thời khẳng định Bangkok có đủ biện pháp để ngăn chặn những vụ tấn công khủng bố. Bởi số người sử dụng Internet ở Thái Lan theo dõi các trang Facebook của IS, nhưng không có hành động gì sai trái.

Phó Tư lệnh Cảnh sát Thái Lan, Đại tướng Srivara Ransibrahamakul cũng khẳng định, không phát hiện bất kỳ công dân Thái Lan nào ủng hộ tài chính cho IS.

Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã thảo luận việc xây dựng một bức tường dọc biên giới 2 nước để ngăn chặn sự xâm nhập của các phần tử khủng bố và tội phạm buôn người. 

Viện Phân tích Chính sách Xung đột (IPAC) từng cảnh báo, Đông Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ bạo lực cực đoan gia tăng do những phần tử ủng hộ IS tăng cường phối hợp với nhau, trong khi các cơ quan hành pháp ở khu vực vẫn chưa chuẩn bị cho mối đe dọa này.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.